(GLO)- Nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã vận động bà con nông dân chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Những mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Ông Đỗ Văn Thắng-xã An Phú, TP. Pleiku cho biết: “Trước đây, nhiều diện tích trồng lúa phải bỏ không vì vào mùa khô ruộng thường xuyên bị thiếu nước hoặc không chủ động được nước tưới, dẫn tới năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chuyển sang trồng rau, bà con có thu nhập hàng ngày, ổn định quanh năm”.
Ảnh: Anh Khoa |
Qua vài vụ trồng rau, anh Nguyễn Xuân Nam (thị xã Ayun Pa) đã chứng minh việc chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu là cách làm đúng hướng bởi lợi nhuận từ rau màu đem lại cho gia đình anh khá cao. Anh chia sẻ: “Sau nhiều lần suy nghĩ, tính toán, cuối cùng tôi quyết định chuyển sang trồng hoa màu. Thuận lợi của vùng này là điều kiện thời tiết có thể trồng được rau quanh năm”. Anh Nam so sánh, nếu 5 sào ruộng, canh tác đủ 3 vụ, thu nhập khoảng 50 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư) nhưng chuyển sang trồng rau cho thu nhập gấp 3 lần.
Việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu ngắn này là một hướng đi đúng hiện nay. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần giảm áp lực nguồn nước tưới, hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Đặc biệt đối với những địa phương khó khăn về nước tưới, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở ra hướng đi mới cho nông dân trong việc chủ động mùa vụ, nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất từng loại cây trồng trên cùng một diện tích sản xuất. Ông Phạm Ngọc Hà-thôn 7, xã An Phú cho biết: “Trước đây vào mùa khô thiếu nước, nhiều diện tích chỉ trồng lúa một vụ cho năng suất và hiệu quả thấp, nếu gặp hạn hán có thể mất trắng. Nhưng từ khi chuyển sang trồng rau màu, bà con nông dân làm quanh năm vì có thể dùng nguồn nước ngầm để bơm tưới cho rau”.
Bên cạnh đó, để tận dụng đất canh tác, tăng thu nhập, bà con nông dân đã tiến hành trồng một số loại hoa màu khác xen canh để lấy ngắn nuôi dài. Tiêu biểu như mô hình trồng ớt xen canh trong hành của ông Lê Thanh Hùng. Qua học hỏi kinh nghiệm của một số người đi trước, ông Hùng quyết định chuyển sang trồng ớt xen với hành. Thời gian trồng của hành chưa đến 2 tháng, còn thời gian trồng của ớt đến 3 tháng. Vì vậy, khi cây hành phát triển và thu hoạch thì cây ớt mới bắt đầu trổ bông và cho trái nên rất thuận lợi trong trồng xen canh. Đây là mô hình trồng xen canh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm qua mà gia đình ông đã áp dụng trong sản xuất.
Ông Bùi Hồng Quang- Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku cho rằng: Việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nguồn nước tưới sang trồng hoa màu trong thời gian qua trên địa bàn thành phố là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thành phố rất quan tâm đến công tác quy hoạch đất cho sản xuất rau an toàn (VietGap) đảm bảo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Những năm tiếp theo TP. Pleiku sẽ tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhất là chuyển sang trồng hoa màu.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như rau, bắp, dưa, đậu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con nông dân, mà còn tránh thiệt hại do nắng hạn, hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây trồng trên cùng một diện tích sản xuất. Đối với những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên bị hạn cuối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân chủ động được mùa vụ, nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất từng loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết từng vùng sao cho hiệu quả kinh tế nhất.
Anh Khoa