(GLO)- Sau mùa Xuân đại thắng năm 1975, trên địa bàn Gia Lai chỉ có 3 tuyến quốc lộ chính, là quốc lộ 19, 14, 25 và đa phần bị hư hại nặng do chiến tranh. Trải qua 39 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới giao thông vận tải đã hình thành rộng khắp từ tỉnh đến huyện, từ đô thị đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng như góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế mạnh mẽ với các vùng, miền trên đất nước...
Là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, với 3 tuyến quốc lộ (QL) huyết mạch là 19, 14 và 25 còn lại sau giải phóng năm 1975 mà đa phần bị hư hỏng nặng, để đảm bảo giao thông liền mạch cũng như phục vụ nhu cầu sản xuất khai hoang phục hóa đồng ruộng, ổn định cuộc sống của nhân dân, tỉnh ta đã khẩn trương sửa chữa và khôi phục một số cầu trên tuyến QL 19 nối phía Đông với các tỉnh Duyên hải miền Trung như cầu Sông Ba (Km 80+097), cầu Châu Khê (Km 131+500), cầu Xà Lầy (Km 127+380), cầu Suối Đôi (Km 71+374), cầu Phú Yên (Km 115+089). Trên tuyến QL 14 nối với tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, tỉnh ta đã khôi phục 10 cây cầu, từ cầu Hòa Phú (Km 565+300) đến cầu Diên Bình (Km 625+010).
Ở tuyến QL 25 (tỉnh lộ 7 cũ) đây là phần quốc lộ nối liền Gia Lai với Phú Yên đang bị hư hỏng nhiều nhất do chiến tranh. Để đảm bảo giao thông, tỉnh đã làm mới hàng hoạt cầu như cầu chân đèo Chư Sê (Km 155+150) dài 36 mét; cầu Bonsơruông (Km 132+900); cầu Ake (Km 148+300); khôi phục cầu tạm Lệ Bắc (Km 80+947)....
Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, Gia Lai luôn quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng lại hàng loạt các công trình giao thông, hình thành nên mạng lưới giao thông xuyên suốt trên địa bàn tỉnh, từ khu vực đô thị đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh bao gồm 4 tuyến QL có tổng chiều dài 393 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi (mặt đường bê tông nhựa, cầu cống vĩnh cửu); 11 tuyến đường tỉnh có tổng chiều dài 537 km (trong đó mặt đường cứng bê tông xi măng, bê tông nhựa, láng nhựa với chiều dài 386 km, chiếm 71%), cầu cống trên tuyến đa số đạt tiêu chuẩn vĩnh cửu; mạng lưới đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn buôn và đường chuyên dùng với tổng chiều dài lên đến 10.234 km.
Theo đánh giá, mật độ đường giao thông so với diện tích tự nhiên của tỉnh là khá cao so với vùng Tây Nguyên nhưng lại thấp hơn so với mật độ chung của cả nước. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh và đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ và mùa thi tuyển sinh đại học-cao đẳng. Đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương-giao lưu văn hóa cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Chỉ riêng trong năm 2013, doanh thu vận tải trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.360 tỷ đồng (bằng 101,3% kế hoạch và tăng 26,75%); khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 14,68 triệu tấn (tăng 19,2%); khối lượng luân chuyển ước đạt 2.210 triệu tấn/km (tăng 18,9%); khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 12,85 triệu hành khách (tăng 18,9%), khối lượng luân chuyển ước đạt 1.920 triệu hành khách/km (tăng 20,8%).
Trong những năm gần đây, bên cạnh nguồn vốn phân bổ chính từ ngân sách nhà nước hàng năm, tỉnh đã làm tốt công tác huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Đơn cử như dự án BOT trên tuyến QL19 dài 98,5 km, trong đó làm mới 72 km, tăng cường đoạn qua thị xã, thị trấn 22 km; mở rộng đoạn nối thị trấn Đak Đoa-Pleiku 4,5 km với tổng mức đầu tư 3,074 tỷ đồng. Dự án BOT nâng cấp, cải tạo QL 14 dài 57 km, quy mô đoạn ngoài đô thị nền đường rộng 12 mét, mặt đường 11 mét, bao gồm 2 làn xe cơ giới, mặt đường cấp cao A1, tổng mức đầu tư 1.775,568 tỷ đồng.
Riêng QL 14C dài 112 km, kéo dài đến tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia đã được Bộ Giao thông-Vận tải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn I, đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi, mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng, tổng kinh phí 217,505 tỷ đồng. Về tuyến đường Đông Trường Sơn do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, điểm đầu Km 230 (giáp xã Hiếu Kon Tum)-điểm cuối Km 477+00 xã Krông Năng-Krông Pa, với chiều dài 247 km, đoạn tuyến đi qua 6 huyện và 19 xã của tỉnh Gia Lai. Sau khi xây dựng hoàn chỉnh đường Đông Trường Sơn đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi. Đến cuối năm 2013, Bộ Quốc phòng đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao, đưa vào sử dụng 37,1 km.
Trên nền tảng cơ sở hạ tầng giao thông đã có, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường khai thác cũng như xây dựng mạng lưới giao thông vận tải hợp lý, liên hoàn và thông suốt... tỉnh ta đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khách quan trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng mạng lưới giao thông theo quy hoạch, tuy nhiên ngành Giao thông-Vận tải đã nỗ lực để vượt qua và đạt một số kết quả nhất định.
Trong nửa đầu năm 2014 này, ngành đang tích cực triển khai công tác đền bù-giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo QL 14 (đoạn Pleiku-Cầu 110) theo hình thức BOT; phối hợp với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam khởi công xây dựng công trình mở rộng kéo dài đường băng Sân bay Pleiku, đảm bảo phục vụ các loại máy bay tầm trung trở lên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực Tây Nguyên.
Sơn Ca