Hành trình nối liền những miền quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong số các cua rơ tham dự Cúp xe đạp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm nay thì Nguyễn Nam Cực (đội Bảo vệ Thực vật Sài Gòn) là tay đua lớn tuổi nhất, có thâm niên lâu năm nhất, uy tín nhất… Vì vậy mọi người gọi anh là Nam Cực “tiên ông”. Trước khi kết thúc “Hành trình chiến thắng” từ Quảng Trị đích đến Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đúng vào Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4), Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với cua rơ lão làng này nhân dịp đoàn dừng chân tại TP. Pleiku.

Anh có thể giới thiệu đôi nét về cuộc đua này?

Nguyễn Nam Cực: Cúp xe đạp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1989, tính đến nay đã tròn 24 năm. Đây là một trong những sân chơi mang tính xã hội hóa đầu tiên của thể thao Việt Nam. Kinh phí tổ chức giải đấu này hoàn toàn do vận động tài trợ mà có chứ không phải lấy từ ngân sách nhà nước. Trong 24 lần tổ chức, có 6 lần các cua rơ đua xuyên Việt, 2 lần đua ra nước ngoài (2006 sang Lào, 2007 sang Campuchia). 

 
Tay đua Nguyễn Nam Cực (áo số 2). Ảnh: M.V
Tay đua Nguyễn Nam Cực (áo số 2). Ảnh: M.V

Cảm nhận của anh về những đổi thay đất nước những nơi đoàn đua đã đi qua?

Nguyễn Nam Cực: Xe đạp là môn thể thao tốc độ có phần nguy hiểm. Bởi vậy khi đua chúng tôi phải dồn toàn tâm toàn lực trên đường đua nên không mấy để ý đến những gì diễn ra xung quanh. Khi đã về đích sau mỗi chặng, đa số các tay đua vùi đầu nằm ngủ trong khách sạn để chuẩn bị cho chặng đua tiếp theo. Bởi vậy điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất sự đổi thay của đất nước thông qua đường sá, cầu cống, xe cộ… Ngày trước, khi đoàn đua đi qua các tỉnh miền Trung, ai cũng sợ vì mặt đường quá xấu, nào là ổ voi, ổ gà, đường lánh, cầu tạm, gió Lào nóng rát… Cho nên chúng tôi gọi đùa đó là chặng đường đau khổ. Nhưng bây giờ, có thể nói đây là cung đường tốt nhất. Đường tốt, xe xịn nhờ đó tốc độ của các cua rơ khi qua đoạn này tăng trung bình từ 15 đến 20 km/giờ. Ngược lại, khi lên Tây Nguyên, đường hẹp, nhiều đèo dốc, mặt đường xấu nên tốc độ giảm xuống 15 km/giờ…

Riêng Gia Lai thì sao?

Nguyễn Nam Cực: Đây là lần thứ 4 tôi lên Gia Lai. Pleiku có nhiều con đường rất đẹp, khán giả cổ vũ rất đông nhưng rất trật tự. Nhìn chung, nếu so sánh với các địa phương nơi đoàn đua đi qua thì Pleiku là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất. Một thành phố có thương hiệu trong lĩnh vực thể dục thể thao. Ví dụ: Bóng đá HA.GL, bóng chuyền Thể Công-Binh đoàn 15, Đức Long Gia Lai… Tuy nhiên để lên được Pleiku, chúng tôi phải chinh phục 2 ngọn đèo An Khê và Mang Yang khắc nghiệt. Gió ở trên đường lên đèo rất to, có lúc tốc độ đoàn đua giảm xuống chỉ còn 12 km/giờ. Thế nên chặng từ Quy Nhơn lên Pleiku, có tới 11 tay đua phải “đầu hàng”, leo lên ô tô để về đích. Khí hậu ở Pleiku không nóng mà cũng không lạnh, rất phù hợp với các môn thể thao. Theo tôi, Gia Lai nên đầu tư phát triển môn xe đạp, các bạn sẽ thành công giống như môn marathon hiện nay.

Ở cuộc đua năm nay, ai để lại ấn tượng nhất?

Nguyễn Nam Cực: Đó là đội Quân khu 7. Trước khi bước vào giải đấu năm nay, đội tuyển Quân khu 7 “dính” đến chuyện tiền bạc. Các cua rơ tố thầy của mình ăn chặn tiền của vận động viên. Ngoài ra, trong khi các đơn vị khác có 7 cua rơ của mỗi đội thì Quân khu 7 chỉ có 5 người. Cho nên trong những buổi tập leo đèo trước khi bước vào giải đấu năm nay, hầu hết các cua rơ của đội này đều nhờ xe máy đẩy trợ lực hoặc xuống xe dắt bộ… Thế nhưng khi chính thức bước vào giải, các tay đua đội này thi đấu rất hay. Họ nằm trong tốp đầu ở các nội dung áo vàng, áo đỏ và đồng đội, trong đó người gây ấn tượng mạnh nhất là Trần Lê Minh Tuấn ở nội dung leo núi…

Đã lên chức “lão” và được tôn là Nam Cực “tiên ông”, đến lúc nào anh mới giải nghệ?

Nguyễn Nam Cực: Tôi bắt đầu tham gia cuộc đua này từ năm 1999, lúc đó vừa tròn 20 tuổi, năm nay đã bước sang tuổi 34. Theo kế hoạch sang năm sẽ giải nghệ đời vận động viên để chuyển sang huấn luyện viên và lập gia đình. Mục tiêu chính của tôi tham gia cuộc đua năm nay không phải là thành tích, mà chỉ đóng vai trò vận động viên kiêm huấn luyện viên nhằm dẫn dắt, điều phối sức lực cho các đàn em trong đội Bảo vệ Thực vật Sài Gòn trên đường đua. Rất mừng thành tích ở nội dung cá nhân và đồng đội của đội chúng tôi đạt kết quả khá tốt ở giải năm nay.

Cảm ơn và chúc anh tiếp tục thành công trong cuộc sống của mình.

Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.