(GLO)- Nhằm giúp các phạm nhân hiểu rõ hơn về kiến thức pháp luật, các thủ tục cấp nhận giấy tờ tùy thân , khơi gợi cho họ niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh phối hợp cùng Trại giam Gia Trung tổ chức chương trình tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và hướng nghiệp nghề, việc làm cho phạm nhân được đặc xá năm 2013 và phạm nhân đang trong thời gian cải tạo tại Trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai.
Các phạm nhân chăm chú nghe tư vấn về việc làm. Ảnh: H.Đ.T |
Nhìn gương mặt của các phạm nhân ít ai nghĩ rằng trước đây họ đã từng trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích… bởi lẽ tuổi đời còn quá trẻ. Trọng tâm tư vấn tập trung vào các nội dung như: làm mới, làm lại giấy chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu thường trú, làm hồ sơ xin xóa án tích và phân chia tài sản... Đa phần phạm nhân đều có ước mơ chung là mong muốn đươc trở về với gia đình, không bị bạn bè, xã hội xa lánh, có công việc ổn định… Hội LHTN tỉnh phối hợp với các ngành đã có buổi tư vấn, hướng nghiệp cho các phạm nhân. Chị Đinh Ly An-Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn khi các bạn mãn hạn tù, các bạn không nên mặc cảm với bản thân, hãy coi đó là bài học để mình cố gắng sống tốt hơn, để mọi người thấy rằng mình đã thay đổi. Bên cạnh đó các bạn cũng nên trau dồi thêm kiến thức về chuyên môn để có được một việc làm ổn định”. Anh N.T.B. ở TP. Pleiku cho biết: “Tôi đã từng phạm tội cướp giật. Giờ đây, khi chấp hành gần xong bản án phạt tù tôi tự nhủ khi ra tù sẽ sống tốt hơn. Tôi cảm ơn Hội LHTN tỉnh đã hướng dẫn, cung cấp nhiều thông tin tuyển dụng bổ ích để khi ra tù tôi có được nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn”.
Sống trên đời ai cũng khát vọng về một mái ấm gia đình, một ước mơ cuộc sống sung túc… nhưng đường đời không phải luôn thênh thang rộng mở với bất cứ ai. Vì hoàn cảnh xuất thân hay ảnh hưởng từ môi trường bạn bè xung quanh, không hiếm người đã rẽ vào con đường phạm tội. Các phạm nhân ở đây cũng có khát vọng sống, khát vọng được cống hiến, được xã hội tiếp sức thêm cho họ niềm tin và nghị lực vào bản thân mình. Và tổ chức Đoàn, Hội đã chọn đồng hành cùng với các bạn thay vì cho một “con cá” thì mang đến cho các bạn “một cần câu” để vào đời.
Anh N.M.T. ở Chư Sê chia sẻ: “Tôi là người có học vấn nhưng vì chút nông nổi tôi đã gây thương tích cho người bạn, tôi hối hận lắm và chỉ mong rằng sau khi hết án được trở về địa phương, mọi người sẽ lại đón nhận tôi. “Còn anh H.V.D. ở thị xã Ayun Pa cho biết: “Chương trình đã đem đến cho tôi nhiều kiến thức bổ ích về pháp luật, niềm tin vào tương lai, vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi mong rằng sẽ có nhiều chương trình thiết thực như thế này, không chỉ với các phạm nhân mà kể cả các thanh niên chậm tiến, đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật để các bạn hiểu rõ hơn về kiến thức pháp luật. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng: Hãy suy nghĩ cho thật kỹ trước khi làm bất cứ một việc gì, để khi nhìn lại không hối tiếc, không phải nói hai từ “giá như”.
Trong đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9 năm nay Trại giam Gia Trung có 368 phạm nhân được đặc xá, trong đó có 200 phạm nhân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Không có gì là quá muộn cho một sự bắt đầu.
Hà Đức Thành