Sau khi về quê ăn Tết, nhiều người tìm cách về lại nơi công tác, học tập của mình. Tuy nhiên, cầm được tấm vé xe trên tay không ít người phải nổi cáu vì đầu năm mới đã bị hành.
Vé chất lượng cao… đi xe chợ
Cứ nghĩ mình đã có được chỗ ngồi trên một chuyến xe của một hãng khá tốt trong số 10 hãng xe khách chất lượng cao đang chạy tuyến TP. Pleiku-Hồ Chí Minh, nhưng đến tối 8-2 sau khi chia tay bạn bè để đến bến xe lấy vé như đã thỏa thuận thì, anh Nguyễn Hữu Tuấn (phường Yên Thế-TP. Pleiku) mới tá hỏa khi người bán nói đã hết vé.
Một người khác, khi đến bến xe mua vé thì được trao tấm vé trị giá 240.000 đồng. Người mua cứ nghĩ đó chính xe chất lượng cao của xe Việt Tân Phát nhưng khi được hướng dẫn đến xe có biển số 81K-7992, nhiều hành khách sau đó mới biết mình bị lừa đi bằng xe chợ quá cũ. Đem chuyện này phản ứng với Ban Quản lý Bến xe Đức Long-Gia Lai thì được giải thích là do hành khách không để ý?
|
Quang cảnh ở Bến xe Đức Long-Gia Lai tối 8-2. Ảnh: Nguyễn Giác |
Không dừng lại ở chuyện coi thường hành khách kể trên mà ngay trong tối 8-2 tại Bến xe Đức Long Gia Lai, nhiều hành khách còn bị đẩy lên xe buýt để đi, dù đã mua vé chất lượng cao từ trước Tết. Nguyễn Tuấn Anh- một hành khách đi trên chuyến xe buýt bức xúc nói: Không phải riêng em mà nhiều người đều không hài lòng về cung cách phục vụ của bến xe. Nếu xe hỏng thì phải điều xe có chất lượng tương đối hay thông báo cho khách hàng biết. Nếu không phải vào TP. Hồ Chí Minh để kịp học thì em chẳng đi xe buýt “chất lượng cao” kiểu này.
Cùng nỗi bức xúc, chị Thu-mẹ của một sinh viên đi trên xe, nói: Đã bị ép đi xe buýt hơn 400 cây số mà Ban Quản lý bến không có một câu nói cho dễ nghe mà toàn chỉ tay, chống nạnh. Theo tôi, cần xem lại việc này.
Theo quan sát của chúng tôi, túc trực ngay bên cạnh quầy bán vé của hãng xe Việt Tân Phát có một thanh niên (tìm hiểu được biết là nhân viên của bến xe) và một phụ nữ (là người của những chuyến xe chợ) hễ có người vào hỏi vé đi TP. Hồ Chí Minh thì cả hai dường như đã móc nối từ trước dồn đẩy hành khách vào “thế bí” để mua vé chất lượng cao nhưng đi xe “chợ” và đây cũng chính là nguyên nhân của các cuộc cãi vã dẫn đến xô xát giữa hành khách và Ban Quản lý bến vào tối 8-2 mà chúng tôi ghi nhận được.
Tài xế lắc đầu
Đảm bảo an toàn tuyệt đối trên mọi chuyến xe là điều mà từ tài xế đến chủ các hãng xe mong muốn. Nhưng với nhu cầu đi lại của người dân quá lớn sau Tết đã làm cho không ít tài xế ngao ngán. Dù có nhiều kinh nghiệm chạy xe khách đường dài nhưng anh Trương Quang Lâm-tài xế hãng xe Việt Tân Phát-cũng phải lắc đầu, nói: Để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi, nhất là những ngày cao điểm như hiện nay, mỗi xe đều có từ 2 đến 3 tài xế để thay nhau cầm lái sau mỗi chặng dừng. Nhưng nói thật, những ngày Tết làm chúng tôi mất ăn, mất ngủ, cứ đến rồi đi liên tục.
Theo thống kê của Ban Quản lý Bến xe Đức Long Gia Lai, từ mùng Ba Tết đến nay, mỗi ngày có từ 2 ngàn đến 3 ngàn hành khách rời bến đi TP. Hồ Chí Minh và khoảng 500 khách đi TP. Đà Nẵng, với gần 80 chuyến xe xuất bến và tình hình này có thể kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. |
Theo một số tài xế, hiện nay từ TP. Pleiku đến TP. Hồ Chí Minh có nhiều đoạn đường khó đi, trong đó đoạn từ Cây Chanh đến Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) là khó khăn và nguy hiểm nhất do đường đang được cải tạo.
Ông Lê Phú Hà-Giám đốc Điều hành Bến xe Đức Long Gia Lai giải thích: Dù đã chuẩn bị phương án đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách nhưng do lượng khách quá đông nên chúng tôi phải chuyển sang phục vụ xe buýt dự phòng. Còn việc người mua vé hãng xe Việt Tân Phát mà đi xe chợ là không đúng bởi vé xe mỗi hãng đều khác nhau và nhân viên cũng đã giải thích rõ trước khi hành khách mua vé.
Thực hư chuyện hành khách bị hành không thì đã rõ, nhưng để kịp cho công việc, học tập của mình, hành khách cũng đã tìm mọi cách để bắt được chuyến xe về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.