Hai ngày ở xứ biển, đảo Kiên Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi tháp tùng Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang và một số đơn vị du lịch đi khảo sát một số địa điểm mới có tiềm năng phát triển về du lịch ở một số địa bàn trong tỉnh Kiên Giang.

Vùng biển này được ví như “Hạ Long phương nam”.
Vùng biển này được ví như “Hạ Long phương nam”.
Chuyến đi địa phương mong muốn giới thiệu cho các đơn vị lữ hành về những địa điểm mới có tiềm năng phát triển di lịch. Thu thập những ý kiến đóng góp để địa phương dần hoàn thiện đưa ngành du lịch phát triển. Mong muốn thời gian tới các bên sẽ liên kết, hợp tác mở các tour, tuyến đưa khách đến các địa điểm này tham quan, nhằm kích cầu du lịch trong thời kỳ thấp điểm.
Đến Hòn Nghệ và Ba Hòn Đầm
Ngày đầu, đoàn đã đến khảo sát một số địa điểm thuộc huyện Kiên Lương như: Hòn Nghệ (xã đảo Hòn Nghệ), Ba Hòn Đầm (xã đảo Sơn Hải). Theo nhận xét của các đơn vị lữ hành tham gia cùng đoàn, Hòn Nghệ và Ba Hòn Đầm là hai địa điểm có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, còn hoang sơ, có nhiều nét mới, lạ so với những vùng biển đảo khác trong khu vực.
Từ Ba Hòn (Kiên Lương), chúng tôi chỉ mất khoảng 45 phút ngồi tàu cao tốc đã đặt chân lên cầu cảng Hòn Nghệ.

 Cầu cảng Hòn Nghệ.
Cầu cảng Hòn Nghệ.
Trên đường, tất cả chúng tôi thích thú nhìn ngắm bốn bề trời biển, quan sát các tàu khai thác hải sản, chiêm ngưỡng những hình nét rất riêng của những hòn đảo lớn nhỏ bao quanh và thả hồn trong làn gió mát rượi.
 Tượng Phật Bà khổng lồ trên đảo Hòn Nghệ.
Biển trời và những trụ cột đưa điện ra đảo.
Lên đảo Hòn Nghệ, chúng tôi tham quan chùa Liên Tôn Cổ Tự, chiêm ngưỡng tượng Phật Bà khổng lồ (cao 20m), được xây dựng vào năm 1974 ở trên đỉnh núi Lầu Chuông, như một ngọn hải đăng lớn dẫn dắt đường cho tàu thuyền. Trước tượng Phật Bà có một tảng đá chuông, chúng tôi cầm đá gõ vào, một âm ngân như chuông phát ra.
 Đường lên chùa Liên Tôn Cổ Tự.
 Tượng Phật Bà khổng lồ trên đảo Hòn Nghệ.
Ở núi Lầu Chuông có nhiều hang động đá vôi kỳ vĩ, đẹp lộng lẫy. Từ đỉnh Lầu Chuông, trèo xuống mạn sườn núi phía bắc rồi vượt qua một vách đá thẳng đứng là đến hang Gia Long. Trên vách đá trong hang vẫn còn dấu triện của vua Gia Long - Nguyễn Ánh thời đó với những nét hoa văn tạo nên hình một con rồng, cùng những hàng chữ nho còn rõ.

Hai ngày ở xứ biển, đảo Kiên Giang ảnh 5

 Đường lên chùa Liên Tôn Cổ Tự.
 
Hòn Nghệ còn được mệnh danh là “vương quốc” cá lồng bè, tại đây số lượng bè nuôi, cũng như sản lượng thu hoạch nhiều nhất so với các đảo khác ở Kiên Giang. Đứng trên cao nhìn xuống, những chiếc bè chi chít nằm san sát bên nhau, trông giống đoàn thuyền chiến của Tào Tháo đang xuất kích giao chiến với liên quân Thục Hán và Đông Ngô trong trận Xích Bích cuối thời Đông Hán (Trung Quốc).
Những bè cá trên biển.
Những bè cá trên biển.
Rời Hòn Nghệ, tàu đưa đoàn sang Ba Hòn Đầm (trong quần đảo Bà Lụa). Ba Hòn Đầm gồm: Đầm Dương, Đầm Đước và Đầm Giếng nằm khá gần nhau, trên cao nhìn xuống như một hình tam giác. Ba Hòn Đầm nằm trong vùng biển nông, nước chỉ ngập đến thắt lưng người lớn. Du khách không cần dùng thuyền mà chỉ lội nước là có thể đi từ hòn này sang hòn kia.
Với diện tích khoảng 6 ha, hòn Đầm Dương được bao quanh bởi những dải cát trắng. Một phần của đảo đã được đầu tư trồng các loại cây ăn trái như: hồng xiêm, nhãn, xoài, mít, dừa... nhằm hình thành một “đảo vườn”. Đến với Đầm Dương, du khách sẽ có dịp thư giãn ngắm cảnh biển, thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon.
Hòn Đầm Đước có diện tích khoảng 12 ha, là nơi sinh trưởng và phát triển của bạt ngàn cây đước. Không có cát trắng như hòn Đầm Dương, hòn Đầm Đước có nhiều sỏi sạn màu đỏ nằm la liệt. Trên đảo Đầm Đước hiện đã mọc lên một cơ sở lưu trú đẹp với nhiều màu sắc long lanh, đầu đủ tiện nghi không hề thua kém với một khách sạn ba sao. Tại đây, du khách có thể thưởng thức các món ẩm thực hấp dẫn như: cá bớp nấu chua, cá bớp kho cùng thịt ba rọi, cá mú nấu cháo, cua đá luộc, ghẹ nướng...

 Cơ sở lưu trú trên đảo Hòn Đước được đầu tư khá tiện nghi.
Cơ sở lưu trú trên đảo Hòn Đước được đầu tư khá tiện nghi.
Còn với hòn Đầm Giếng hấp dẫn chúng tôi bởi chứa đựng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, những bãi cát, bãi đá sỏi trải dài. Sở dĩ đảo có tên là Đầm Giếng vì trên đảo có một cái giếng nước ngọt quanh năm đầy nước.
Sáng Hải Tặc, chiều Đông Hồ
Trong ngày thứ hai, chúng tôi đi tàu cao tốc từ TP Hà Tiên ra đảo Hải Tặc, nằm trong quần đảo Hải Tặc (còn gọi là quần đảo Hà Tiên). Quần đảo có hơn 18 hòn đảo, gồm: Hòn Tre (còn gọi là Hòn Đốc), Tre nhỏ, Tre Vinh, Đồi Mồi lớn, Đồi Mồi nhỏ, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Ụ, Bánh Tét, Bánh Ít, Hòn Ruồi, Bánh Lái, Kiến Vàng, Bánh Quy, Bánh Tổ, Hòn Phụ Tử, Đá Nổi 1 và Đá Nổi 2; tổng diện tích tự nhiên hơn 251 ha.
Đảo Hải Tặc gắn liền với nhiều câu chuyện và những bí ẩn liên quan đến cướp biển. Tương truyền nổi tiếng nhất là băng cướp biển “Cánh buồm đen”. Chúng lấy những hòn đảo hoang trong vịnh Xiêm La làm hang ổ ẩn mình. Từ đây, bọn cướp bất ngờ xuất hiện, tấn công chớp nhoáng khiến các tàu buôn đi lại trong vùng không kịp trở tay. Tiền, vàng cướp được, chúng mang lên đảo cất giấu.

 Một đảo nhỏ nằm cảnh đảo Hải Tặc.
Một đảo nhỏ nằm cảnh đảo Hải Tặc.
Từ Hà Tiên, đi tàu cao tốc ra đảo mất khoảng 30 phút. Lên đảo, người đi bộ, người thuê xe đạp, máy chạy chạy lòng vòng mà không sợ lạc đường, bởi cả đảo chỉ có một con đường, một bên là núi non hùng vĩ, một bên là biển rất đẹp.

Đường giao thông trên đảo Hải Tặc.
Đường giao thông trên đảo Hải Tặc.
Du lịch ở đảo Hải Tặc còn khá hoang sơ. Đảo Hải Tặc chưa phát triển mạnh về hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhưng du khách có thể tìm được những cơ sở lưu trú bình dân, nhưng vẫn tiện nghi trên đảo. Khách ra đảo vừa nghỉ ngơi vừa trải nghiệm cuộc sống bình dị cùng ngư dân, cùng đi đánh bắt thủy sản, trải nghiệm nghề nuôi cá lồng bè, cùng nấu nướng, ăn uống, giao lưu văn hóa, ca hát tài tử với bà con.
Sào huyệt của cướp biển giờ là điểm tham quan với bãi cát trắng cùng những làng chài nằm yên bình dưới tán rừng nhiệt đới xanh rì. Đảo Hải Tặc là điểm đến lý tưởng để khách tắm biển, tắm nắng tận hưởng bầu không khí trong lành. Một trong những điểm tham quan nổi tiếng tại đây là bia chủ quyền của quần đảo Hải Tặc, xây dựng năm 1958. Tấm bia nằm ngay tại bãi biển cát trắng duy nhất của hòn Đốc, ở phía tây nam đảo và cách cầu cảng khoảng 1 km.

 Cột mốc chủ quyền trên đảo Hải Tặc.
Cột mốc chủ quyền trên đảo Hải Tặc.
Buổi chiều, đoàn di chuyển bằng vỏ máy trên đầm Đông Hồ, ngắm núi Tô Châu từ xa, xem người dân khai thác thủy sản và tìm hiểu về nghề chầm lá, cũng như cuộc sống của người dân được cho là nơi khó khăn và cách trở nhất của TP Hà Tiên.
Đông Hồ là một đầm nước mặn có diện tích 1.384,36 ha nằm ở phía đông của thị xã Hà Tiên, hữu ngạn có núi Ngũ Hổ, tả ngạn là dãy núi Tô Châu sừng sững soi bóng xuống hồ. Đây là nơi giao thoa giữa sông Giang Thành, kênh Rạch Giá - Hà Tiên và chảy ra biển Tây (vịnh Thái Lan). Đông Hồ là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của Hà Tiên, đẹp nhất vào những đêm trăng sáng, mặt trăng lên cao in bóng xuống mặt hồ lung linh, huyền ảo.

 Từ sông Đông Hồ nhìn lên núi Tô Châu.
Từ sông Đông Hồ nhìn lên núi Tô Châu.
Đoàn đã đến trải nghiệm tại du lịch sinh thái Lâm Cường với diện tích tự nhiên 300 ha, thuộc khu phố 5, phường Đông Hồ. Khu du lịch được xây dựng hài hòa giữa thiên nhiên cây xanh bóng mát và những chòi lá dân dã hòa nhập với cảnh sắc.
Tiếp đến, tham quan vườn cò có diện tích tự nhiên khoảng 20 ha. Đây là nơi cư trú và sinh sống của đa dạng các loài chim như: cò, vạc, diệc… Đến đây, chúng tôi hòa mình trong không khí của thiên nhiên, tận hưởng khoảnh khắc thú vị khi tận mắt với sải cánh cực lớn, bay lượn trên bầu trời của buổi chiều khi chim về tổ.

Vườn cò.
Vườn cò.
Chúng tôi ăn tối ở Nhà hàng Cánh Buồm - một nhà hàng khá nổi tiếng ở TP Hà Tiên. Ngồi ăn, chúng tôi có thể thả ánh nhìn về cầu Hà Tiên, núi Tô Châu thưởng thức nhiều màu sắc lung linh huyền ảo về đêm. Tại đây, chúng tôi thưởng thức những món ăn dân dã đậm chất địa phương như: gỏi sứa tôm thịt, chả cá thu chiên - ngâm đu đủ, ruốc chiên bột, cá bạc má kho rịu ăn kèm dưa giá và lẩu cá mú nấu gạo huyết hồng do chính chủ nhà hàng là anh Nguyễn Văn Hạnh thiết kế chiêu đãi.

Cầu Tô Châu về đêm.
Cầu Tô Châu về đêm.
Buổi tối, chúng tôi đi bộ chung quanh trung tâm thương mại TP Hà Tiên và nghỉ tại khách sạn Visuha. Đây là một khách sạn mới được xây dựng với tiêu chuẩn ba sao, có cách bày trí, phục vụ rất riêng, đặc biệt là giá cả rất cạnh tranh.
Bài, ảnh: VIỆT TIẾN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.