Hà Đông mùa gió thốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Gió dữ lắm chú ơi, đừng đi”-đó là lời của bác xe ôm ở đầu thị trấn Đak Đoa khuyên nhủ tôi. Tuy vậy, sau khi vượt hơn 60 km đường rừng, chúng tôi có mặt tại xã Hà Đông (huyện Đak Đoa)-một trong những nơi cách trở, khó khăn nhất của Gia Lai.
Chuyện chỉ có ở Hà Đông
Gió ràn rạt, gió quật ngã những bông lau bên đường bạc trắng, xơ xác, gió cuốn theo thứ bùn đỏ ối hai bên đường rừng. Đường vào Hà Đông trở nên xa hơn, khi đối mặt với gió bụi, quăng quật với những hố hốc đường rừng. Đi, đi mãi mà chẳng thấy bóng người, chúng tôi ngồi thở dốc bên vệ đường tại một điểm cao lưng chừng núi. Ngớt mồ hôi, tôi đem băn khoăn của mình dò hỏi anh bạn: “Bao giờ thì Hà Đông có đường hả cậu?”. Câu trả lời lạnh buốt: “Đường đấy chứ sao? Nay mùa khô là đường rồi đấy, còn mùa mưa có thể gọi đây là những đầm hồ nối dài hay những bãi bùn thì đúng hơn…”.
Xã Hà Đông hôm nay. Ảnh: Nguyễn Văn Hạnh
Xã Hà Đông hôm nay. Ảnh: Nguyễn Văn Hạnh
Bạn tôi cho biết thêm: Vào mùa mưa, con đường nằm trơ trọi, lặng mình dưới bóng cây đại ngàn, xe cộ, con người khao khát qua lại nhưng cũng chỉ nằm chết chân tại chỗ… Chúng tôi ngược Hà Đông giữa mùa khô, giờ chỉ còn những chiếc hố dài hoắm sâu khô khốc, đỏ ối dưới những sống trâu cao che mất đầu xe, anh bạn tôi lý giải đó là dấu vết của những chiếc xe reo, loại xe chuyên dụng kéo gỗ trên đại ngàn, được bà con thuê vận chuyển hàng hóa vào Hà Đông!!! Câu hỏi của tôi “Bao giờ bà con Hà Đông có đường?” bạn tôi bỏ ngỏ giữa tiếng gió thông thốc của đại ngàn tím tái da thịt…
Hơn 4 giờ đồng hồ, chúng tôi mới có mặt ở Hà Đông. Chủ tịch UBND xã Phạm Duy Chinh vẫn ngồi cặm cụi bên bàn mặc dù đã hết giờ làm việc. Ông bảo: “Ở đây tính việc, chứ tính giờ thì chết!”. Ông Chinh cho biết: Hiện xã có 731 hộ, 3.897 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới gần 50%, xã có 5 làng, diện tích tự nhiên 19.733 km2. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hộ gia đình; thương mại, tiểu thủ công nghiệp không có... 
Ngồi bên ông Chinh, chúng tôi đặt ra những câu hỏi về những biện pháp giúp bà con thoát nghèo. Như được “cởi tấm lòng” ông Chinh cho biết: “Nhiều, nhiều lắm rồi đấy chứ, đã thay đổi nhiều lắm rồi đấy”. Chúng tôi sực nhớ trước đây bà con ở đây còn nặng hủ tục, sống đời sống du canh, du cư nên cái nghèo luôn đeo bám bếp lửa họ mà đi. Ngày nay với bà con đã đổi đời rồi: Đường bê tông từ trung tâm xã vào tận các làng, điện lưới quốc gia, sóng truyền hình, điện thoại đều có cả…
Và đặc biệt ông Chinh dường như được chia sẻ thành công ban đầu của nhiều năm bám trụ nơi này: “Mô hình thử nghiệm trồng cao su tiểu điền cho 5 hộ dân ở 2 làng Kon Ma Ha và Pơ Ram từ năm 2008 đã báo hiệu những tin vui, cây thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết nên phát triển tốt, kế hoạch năm 2011 chúng tôi sẽ lấy một số đất trồng mì và diện tích rừng nghèo mở rộng thêm 40 ha.
Bên cạnh cây cao su, chúng tôi đã phát triển cây đậu xanh lên tới 80 ha, vừa trồng độc lập vừa trồng xen cao su… Riêng cây đậu xanh đã cho thấy hiệu quả trong vài năm qua, nhiều hộ có thu nhập từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng một vụ”. Và còn nhiều chương trình khác trên con đường tìm kiếm kế sách thoát nghèo cho bà con Hà Đông mà chúng tôi không có thời gian để ngồi nghe ông kể… Ấy vậy mà bà con Hà Đông vẫn còn lắm bộn bề…!
Chia tay với ông Chinh, chúng tôi ngược theo con đường lên làng Kon Ma Ha. Dừng xe đổ thêm xăng ở một điểm bán hàng tạp hóa. 20.000 đồng/lít xăng, vị chi chênh lệnh với thị trường bên ngoài gần 3.000 đồng/lít! Cô bán hàng giải thích: Anh vào đây thấy đường như vậy đó, chúng em bán giá này cũng được bà con chấp thuận anh ạ. Hà Đông hiện chưa có chợ, chỉ có một vài hộ kinh doanh nhỏ ở các làng, kiêm luôn việc thu mua nông sản cho bà con. Được biết, năm nay bà con thắng lợi với cây mì liền đem tham khảo giá cả.
Chị Hà-chủ hộ kinh doanh từ xã Ayun (huyện Mang Yang) lên đây mua bán cho biết: Ở đây, chúng em thu mua giá cả không tùy tiện được đâu anh ơi, xã có niêm yết định mức hẳn hoi đấy. Chị Hà trình bày luôn định mức chênh lệch được niêm yết: “Từ vài năm trở lại đây chính quyền xã đã ra tay can thiệp như tổ chức khảo sát giá, thẩm định định mức xăng xe vận chuyển nông sản (từ địa bàn xã đến điểm gần nhất bà con địa phương khác bán được theo giá thị trường). Và ra quyết định cho phép hạ giá mua thấp hơn thị trường chênh lệch từ 200.000 đồng đến 250.000đồng/tấn, 50.000đồng/tấn ấy là con số dao động phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mưa hay nắng, đường thuận lợi hay khó khăn hơn. Việc làm đã thực sự được lòng cả đôi bên: Nông dân phấn khởi vì không bị thương lái ép giá, ngược lại thương lái mua đâu được đó, người dân không phải nghi hoặc tìm hiểu giá, mất công vận chuyển mì qua lại…
Việc niêm yết định mức chênh lệch cước vận chuyển ở Hà Đông đã tạo nên niềm tin vào sự quan tâm sâu sát của cán bộ ở cơ sở, vừa tạo nên mối đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế. Và điều đó cũng tránh hiện tượng lợi dụng đường sá khó khăn, cách trở một số thương lái làm cơ ép giá nông dân! Trước đây cũng đã từng có thời điểm giá thấp hơn 25% giá thị trường, khiến nông dân đã khó khăn, lại càng chồng chất khó khăn!
Bám làng “gieo chữ”
Trời bắt đầu ngả bóng, thầy giáo Phan Văn Lâm-Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Hà Đông dẫn tôi đi đến làng Kon Ma Ha. Chúng tôi gặp thầy giáo Khâm-giáo viên của trường đang chăm chú nghe từng câu trả lời ấp úng của đám học trò lớp 4, lớp học có 25 em nhưng hôm nay cũng chỉ có mặt 20 em. Thầy bày tỏ: Bố mẹ ít quan tâm, hơn thế nữa đợt này lạnh quá nên em không tổ chức cho các em đi tắm rửa được… Ra trường 12 năm là chừng ấy năm bám làng, nhà thầy ở gần thị trấn vào Hà Đông mất hơn 50 cây số đường rừng.
Học sinh Trường Tiểu học Hà Đông sẽ được học ở ngôi trường mới trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Văn Hạnh
Học sinh Trường Tiểu học Hà Đông sẽ được học ở ngôi trường mới trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Văn Hạnh
Cũng đã có lần cấp trên cho thuyên chuyển về vùng thuận lợi hơn, nhưng thầy thấy thương các em, hơn thế nữa mình cũng quen với môi trường rồi không muốn xa các em. Tận tâm, trách nhiệm, 12 năm đứng lớp năm nào thầy cũng được nhận giấy khen và phần thưởng của nhà trường và chính quyền địa phương. Cả tuần bám làng, ngày dạy trên lớp, những lúc rảnh rỗi, đêm về lại đến tận nhà kèm cặp thêm cho các em, cuối tuần lại vật lộn với đường về bên vợ con. Thầy Khâm chia sẻ: “Mỗi lần về xuôi, thấy đường oải lắm, nhưng cũng phải về để mang thực phẩm vào mà ăn, nếu không trong tuần biết lấy gì ăn?”.
Khác với thầy Khâm, thầy Khun lại là người duy nhất của làng đứng lớp, cũng đã 10 năm dạy học. Vợ thầy lại làm rẫy, căn nhà của một công chức hiếm hoi trong làng nhưng cũng như bao nhà khác, nhà có 5 miệng ăn đầu tháng nhận lương, giữa tháng hết. Thầy Khun bộc bạch: “Ở vùng sâu, vùng xa chúng mình chỉ thu nhập bằng đồng lương thôi, hơn thế nữa địa bàn giá cả hàng tiêu dùng cao làm sao mà đủ…”.
Câu chuyện không thể ngắn hơn, chúng tôi theo lời mời của thầy Khâm về phòng ăn bữa cơm trưa. Bữa cơm thật đạm bạc, vài cọng rau rừng, ít cá khô thầy mang lên từ đầu tuần. Các thầy kể, mỗi trưa thứ hai hàng tuần chúng em đều có bữa ăn tươi các anh ạ, buổi trưa ấy nhiều người ngược dưới xuôi lên, quà mà họ thường mang lên đó là vài bó rau xanh hay vài lạng thịt và anh em có thứ gì mang ra thứ ấy ăn bữa cơm đoàn kết…
Nguyễn Văn Hạnh

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.