Gượng dậy bên bờ Hạc Hải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thôn Phú Thọ (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đến nay nước vẫn ngập trắng đồng. Ngấn lũ lịch sử còn trên các chóp nhà. Người dân nơi đây khi gặp nhau đều kể về những mất mát, đau thương từ trận đại hồng thủy này, nhưng sau cùng vẫn là sự lạc quan: còn người còn của, còn chồi sẽ nảy cây.
Thế nên, nhìn nhiều nhà ở Phú Thọ nằm sâu ở phá Hạc Hải, chông chênh trên sông nước nhưng không hề chơi vơi là vậy.

Chị Lê Thị Trang bên quán tạp hóa nhỏ ven bờ kênh. Ảnh: MINH PHONG
Chị Lê Thị Trang bên quán tạp hóa nhỏ ven bờ kênh. Ảnh: MINH PHONG

Chông chênh nhưng không chơi vơi

Thôn Phú Thọ nằm sâu trong vùng đầm phá Hạc Hải, mưa lũ gây ngập triền miên. Năm nay đại hồng thủy làm cả thôn tơi bời. Theo trưởng thôn Lê Văn Thương: Thiệt hại về kinh tế hơn 29 tỷ đồng, nhà nào cũng bị mất tài sản, toàn đồ dùng giá trị. Nhà cửa sập hơn 20 cái; lúa ăn, lúa giống đều đi theo con lũ. Nếu tính đến vụ gặt gần nhất phải mất 6 tháng mới có lúa vụ mới vào nhà, cái đói đã thấy trước mắt. Nhưng may mắn, đồng bào cả nước đã hướng về miền Trung. Thôn Phú Thọ được quan tâm giúp đỡ rất nhiều, mỗi hộ ở đây nếu tính mì tôm, gạo, mắm, dầu ăn, tiền mặt cộng lại được hơn 10 triệu đồng. Đó là chưa tính các nhà hảo tâm trực tiếp đến từng xóm. 
Bà Trần Thị Thuyên (54 tuổi) đang bế cháu nhỏ, tâm sự: Trung bình mỗi hộ nhận 6 triệu đồng tiền mặt, mì tôm mỗi hộ bình quân 23 thùng, gạo hơn 1,2 tạ. Như thế cái ăn tạm đủ đến vụ thu hoạch mới vào năm sau, không lo đói. Bà Châu Thị Cúc nói thêm: “Thiệt hại của người dân rất lớn nhưng tình cưu mang của đồng bào cả nước rất nhiệt tình khiến ai cũng cảm động, mãi không quên. Tui có một mình, mì tôm dùng phải cả năm mới hết, còn gạo phải hơn 6 tháng”.
Bà Châu Thị Xiêm (75 tuổi) kể rằng: Hàng cứu trợ về nhiều, bà con đi nhận từ đoàn này đến đoàn khác, thành ra không sợ đói. Trong lũ khó khăn thật, nhưng sau lũ bà con trong Nam ngoài Bắc đều hướng về người dân vùng lũ. Nghĩa cử và lòng hảo tâm ấy đã giúp bà vừa về cái ăn, vừa tiền mặt để mua con giống lợn, gà khôi phục sản xuất, chăn nuôi góp phần ổn định cuộc sống. Thế nên nhiều nhà ở Phú Thọ nằm sâu ở phá Hạc Hải, chông chênh sông nước nhưng không hề chơi vơi là vậy.
Xóm Đuồi từng được Báo SGGP đăng tin đầu tiên về thiệt hại, hơn 10 căn nhà bị sập. Lần trở lại này chúng tôi thấy tốc độ gượng dậy nhanh hơn tưởng tượng. Trong cơn lũ, xóm như bị một trận càn, nhà của bà Châu Thị Cúc sóng đánh sập, tưởng không gượng dậy được, nhưng hàng chục đoàn cứu trợ đã về với xóm Đuồi. Ngoài tặng nhu yếu phẩm, những món tiền hàng chục triệu đồng đã trao tận tay bà Cúc và bà con thiệt hại trong xóm. Lũ rút, bà Cúc đã thuê máy móc, chuẩn bị vật liệu dựng lại nhà từ tiền trợ giúp và vay mượn thêm chút đỉnh.
Cạnh nhà bà Cúc, bà Châu Thị Xiêm (75 tuổi), bị sập một phần nhà phía sau kể: “Các đoàn cho tui được 25 triệu đồng, vay mượn thêm một chút, tui thuê thợ xây lại nhà. Tết này nhà không còn thông thống. Đêm nằm tuy nghe sóng nước Hạc Hải vỗ ì oạp nhưng không còn lo lắng nhiều nữa”.
Hôm 23-10, đến xóm Đuồi trong tan hoang đại hồng thủy, bà con nhiều người không còn manh áo. Ai cũng nghĩ, rất khó phục hồi sau lũ, nhưng hơn một tháng xóm Đuồi đã gượng dậy mạnh mẽ bằng nhiều cách để khôi phục cuộc sống. Anh Lê Quang Hải, nói: “Người làng ở đây ngoài làm ruộng còn làm thợ xây, phụ hồ, đi đánh cá trên phá Hạc Hải nên ai đâu việc đó, mưu sinh sau những ngày dọn lũ rệu cả người. Bây chừ ai cũng phải kiếm tìm sinh kế để năm sau tiếp tục đương đầu với thiên tai”.
Đoạn đầu con hẻm xóm Đuồi có tiệm tạp hóa nhỏ của chị Lê Thị Trang đang bày bán với cái tủ nhỏ cùng cây dù che nắng. Hỏi sao phải để hàng ở ngoài đường, Trang nói: “Em thuê quán nhưng bị lũ giật sập, giờ họ không cho thuê nữa, nhưng em phải sống và mưu sinh nên trời nắng, đẩy quầy nhỏ ra đầu xóm bán”.
Còn chồi sẽ nảy cây
Dù thiệt hại lớn, nhưng vụ mùa sắp tới ở thôn Phú Thọ sẽ gieo sạ chậm hơn với vùng khác chừng 5 tuần. Theo ông Lê Văn Thương: “Gieo chậm do mực nước khu vực ruộng ở đầm phá Hạc Hải rút chậm. Bà con làng tui rất thích chọn giống lúa dài ngày, 120 ngày. Vì giống lúa này ngon, gạo thương phẩm được giá. Đây là vùng ruộng “bờ xôi ruộng mật”  nhất huyện Lệ Thủy do sa bồi lắng đọng, chất dinh dưỡng rất tốt nên người ta rất thích gạo làng Phú Thọ làm ra”.
Theo trưởng thôn, làng có hơn 235ha ruộng, 2.100 khẩu. Bà Lê Thị Xuân nói: “Bà con ở đây thuần nông, nên ruộng lúa thẳng cánh cò bày. Nhà tui làm 30 sào, mỗi vụ thu hoạch hơn 12 tấn, bán được 60 triệu đồng, đủ mua sắm dần trong nhà và chăm sóc lại ruộng đồng”. Trên đồng không chỉ thu nhập từ lúa, mùa nước lên, người dân thôn Phú Thọ còn thu nhập khá từ việc rong ghe bắt cá. Ngồi bên con kênh làm vảy 10kg cá sau một buổi chiều đánh bắt, bà Trần Thị Thuyên kể: “Vùng lũ có cái cực của lũ, nhưng nước rút rồi, sản vật vùng chiêm trũng cho thu nhập không nhỏ, bù đắp phần nào thiệt hại. Làng tui, gần như nhà mô cũng có chiếc ghe nhỏ để làm nghề cá khi nước đang to. Rứa là duy trì cuộc sống, không sợ đói hay đứt bữa”.
Nhiều nơi mỗi năm làm hai vụ đông xuân và hè thu nhưng thôn Phú Thọ và cả vùng Lệ Thủy chọn cách để lúa đông xuân tái sinh. Chọn lúa tái sinh không mập mạp nhưng chắc chắn. Theo bà Thuyên: “Lúa tái sinh hạt như cốm, thơm lừng, gặt lên năng suất cao gần bằng vụ đông xuân mà không bỏ công chăm sóc, không tốn phân bón. Lúa tái sinh sống nhờ vào phù sa vùng lũ nên gạo ăn tốt. Cái lời nhất của chúng tôi là chỗ này nên bà con sinh sống như vậy nhiều năm nay”. Đấy là cách sinh tồn của một ngôi làng chiêm trũng bên bờ Hạc Hải. Dù lũ lụt gây ra bao khó khăn, nhưng người dân biết cách để nương tựa thiên nhiên để sinh tồn, từng ngày gượng dậy theo cách mà cha ông đã nói: “Đừng than thân khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
MINH PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.