Gói hút ẩm cực kỳ nguy hiểm, tại sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xét về thành phần hóa học, gói hút ẩm không gây độc. Nhưng theo các chuyên gia y tế, các gói này lại cực kỳ nguy hiểm. Tại sao?

Hãy để gói hút ẩm xa tầm tay trẻ em - Ảnh: Mạnh Khang
Hãy để gói hút ẩm xa tầm tay trẻ em - Ảnh: Mạnh Khang



Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh chia sẻ về một số trường hợp trẻ em nghịch gói hút ẩm dẫn đến bị tổn thương giác mạc hay xuất huyết dạ dày... Nhiều phụ huynh cho rằng gói hút ẩm không độc nên vô tình để con cầm chơi.

Tổn thương niêm mạc

Gói hút ẩm thường có trong bao bì các loại thực phẩm, bánh, đồ sấy khô, dược phẩm, bao bì máy móc thiết bị điện tử... Phổ biến là loại gói chứa nhiều hạt tròn, hiếm khi chứa bột hút ẩm.

Hiện nay, trên thị trường có 3 loại chất hút ẩm chủ yếu là hạt hút ẩm silica gel, hạt hút ẩm clay bentonite và bột hút ẩm canxi clorua. Các chất hút ẩm thường được chứa trong gói nhỏ. Vì vậy, trẻ em dễ dàng xé rách các gói này để nghịch phá.

ThS Nguyễn Thanh Long - nguyên giảng viên ĐH Y dược Huế - cho rằng nếu vô tình chất hút ẩm rơi vào mắt, vào đường thở hoặc trẻ nuốt phải vì nhầm là thức ăn thì rất nguy hiểm. BS Long phân tích hạt hút ẩm silica gel (một dạng oxit slilic) là loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Các hạt này không thể tiêu hóa được. Do đặc điểm hút ẩm khá mạnh nên nếu nuốt phải có thể dính vào các niêm mạc, gây tổn thương niêm mạc.

Trong khi đó, hạt hút ẩm clay bentonite (bản chất là đất sét được hoạt hóa ở nhiệt độ cao) thân thiện với môi trường nhưng là loại ít phổ biến hơn do khả năng hút ẩm hạn chế hơn so với hạt silica gel. Loại này ít gây tổn thương cho niêm mạc tiêu hóa và mắt. Tuy nhiên, sẽ có tác hại nếu nuốt phải với một số lượng lớn. Nếu lọt vào đường hô hấp có thể gây tổn thương nhẹ niêm mạc hô hấp bên cạnh tác hại do có vật lạ trong đường hô hấp.

Nguy hiểm tắc ruột

ThS Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho biết đặc điểm của hạt silica gel là hấp thu nước rất mạnh vì trong phân tử có nhiều mao quản nhỏ (tương tự như than hoạt tính). Dù trơ về phương diện hóa học, tức là không có phản ứng và cũng không được hấp thu vô ống tiêu hóa nhưng hạt này lại có thể hấp thụ nước và trương nở dẫn đến tắc ruột nếu lỡ nuốt phải với số lượng đủ lớn.

Khi rơi vào miệng, hạt sẽ làm khô khoang miệng, gây bỏng loét, nếu số lượng nhiều có thể gây lở loét miệng. Nếu nuốt vào bụng, có thể làm viêm loét ruột, dạ dày. Nếu hít phải ở dạng bột, có thể bị bụi phổi (bụi silic).

Theo các bác sĩ, đáng sợ nhất là những gói hút ẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa bột canxi clorua - dạng bột màu trắng. Loại hút ẩm này rẻ tiền, thường có nhiều tạp chất, hút ẩm mạnh nhất nhưng nguy hiểm hơn silica gel rất nhiều vì phản ứng với nước sẽ tạo thành kiềm mạnh, có khuynh hướng ăn mòn da (như vôi bột). BS Thanh Long cho biết loại canxi clorua có thể gây dị ứng, nhất là trên da ẩm.

"Loại canxi clorua rơi vào miệng gây lở loét miệng, đau rát họng, khạc ra máu. Rơi tới ống tiêu hóa gây lở loét nặng nề, xuất huyết tiêu hóa, đau bụng dữ dội. Nếu hít phải có thể bị kích ứng hô hấp dữ dội, lở loét đường hô hấp, kích ứng hen suyễn, suy hô hấp, thậm chí là tử vong" - BS Lưu Phương cảnh báo.

Lưu ý trẻ nhỏ

BS Thanh Long nhấn mạnh hầu hết các loại gói hút ẩm đều gây hại cho trẻ nếu bị xé rách và nuốt phải, hít phải hoặc bị rơi vào mắt và loại canxi clorua có tiềm năng gây hại cao nhất. Để tránh tai nạn từ các gói hút ẩm, phụ huynh nên chú ý không để trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa biết chữ tiếp xúc với các gói hút ẩm cho dù là loại nào.

BS Lưu Phương cho rằng người lớn nên vứt ngay gói hút ẩm hoặc đặt những sản phẩm có gói hút ẩm ở vị trí cao, kín đáo để tránh trẻ em nghịch phá. Khi nuốt phải hạt hút ẩm silica gel thì phải súc miệng ngay và uống thật nhiều nước để hạn chế tác hại của hạt tới ống tiêu hóa. Riêng trường hợp hạt văng vào mắt thì phải dùng nước muối sinh lý nhỏ thật nhiều vào để hạt no nước, không được dụi mắt vì càng dễ làm giác mạc tổn thương. Sau tất cả, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Mạnh Khang (TTO)


Tràn lan hạt hút ẩm không rõ nguồn gốc, thành phần

Theo khảo sát tại nhiều chợ ở TP.HCM, gói hút ẩm được bày bán đủ loại với mức giá 50.000 - 60.000 đồng/túi 100 gói. Mỗi túi thường chứa khoảng 100 gói loại nhỏ hoặc 10 gói loại lớn.

Thành phần hóa học và những lưu ý khi sử dụng thì lúc có lúc không. Một số gói có ghi tiếng Việt, nhiều gói chỉ ghi bằng tiếng nước ngoài. Khi được hỏi về xuất xứ các sản phẩm này, người bán đều lắc đầu vì... không biết rõ.

 

Có thể gây mù mắt

Khi bị bắn hạt hút ẩm vào mắt, nếu là silica gel thì hạt sẽ hút nước làm khô giác mạc. Lúc này sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu dụi mắt vì giác mạc dễ bị tổn thương kéo theo hàng loạt các biến chứng khác có thể dẫn đến mù mắt. Nếu là vôi bột, ngoài việc hút nước rất mạnh còn xảy ra phản ứng hóa học gây bỏng nặng, làm hỏng giác mạc dẫn tới mù. Cách sơ cứu khi bị bắn vào mắt là phải rửa mắt ngay với vòi nước (nhúng mắt vào chậu, cốc nước và cố gắng mở mắt), nhỏ nước muối sinh lý liên tục, tuyệt đối không được dụi mắt và đưa tới cơ sở y tế.

TS Trịnh Thị Bích Ngọc (Bệnh viện Mắt quốc tế Hà Nội)

Có thể bạn quan tâm

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.