(GLO)- Được thực hiện từ năm 2012, phong trào “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình” (gồm xóa nghèo, xóa nhà dột nát, giúp công sức, vốn, việc làm và 3 mô hình trang trại, tổ hợp sản xuất và kinh doanh dịch vụ) của Hội Cựu chiến binh tỉnh đã giúp cho hàng ngàn hội viên cựu chiến binh vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Những tấm gương điển hình
Để triển khai phong trào này, các cấp hội đã tổ chức nhiều đợt khảo sát để nắm tình hình, vận động hội viên cựu chiến binh khá, giàu giúp cho hội viên cựu chiến binh nghèo, khó khăn. Nhờ đó, nhiều việc làm nghĩa tình của những cựu chiến binh đã trở thành phong trào được mọi hội viên hưởng ứng hơn bao giờ hết.
Đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng khi mua sản phẩm của tổ hợp sản xuất nếu khó khăn về vốn sẽ được cựu chiến binh cho trả chậm, khi sản phẩm làm ra kết quả có vốn thì trả nợ. Ảnh: Đức Thụy |
Cựu chiến binh Ngô Công Đoan (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn coi đây là điều kiện để giúp đỡ, sẻ chia với những cựu chiến binh nghèo và những đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn. Ông Ngô Công Đoan kể, trong 10 năm qua, ông đã giúp đỡ cho những hội viên cựu chiến binh nghèo trên địa bàn huyện và các huyện lân cận gần 1 tỷ đồng và xây mới 11 ngôi nhà để tặng cho 11 gia đình đồng đội khó khăn về nhà ở. Không chỉ giúp đỡ bà con nghèo trên địa bàn huyện, tỉnh, hàng năm ông Đoan còn giúp hàng chục ngàn dây tiêu giống cho bà con nghèo vùng biên giới Campuchia. Những việc làm nghĩa tình của ông Đoan, đã giúp cho nhiều gia đình cựu chiến binh, gia đình chính sách, các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Cựu chiến binh Lưu Hữu Đạo (huyện Phú Thiện) với tổ hợp sản xuất ống cống, vật dụng nông nghiệp gia đình, hàng năm đã tạo việc làm cho hơn chục con em cựu chiến binh trên địa bàn huyện, thu nhập bình quân mỗi tháng 4 triệu đồng. Cùng với đó, ông Đạo còn thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ những đồng đội khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng khi mua sản phẩm của tổ hợp sản xuất nếu khó khăn về vốn sẽ được cựu chiến binh cho trả chậm, khi sản phẩm làm ra kết quả có vốn thì trả nợ.
Những cựu chiến binh khác như: ông Hoàng Duy Hoàng (huyện Phú Thiện) với trang trại V.A.C, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Gác, ở huyện Chư Prông, với trang trại cà phê, tiêu lên đến hơn 10 ha, hàng năm thu nhập hàng tỷ đồng cũng luôn đi đầu trong việc giúp đỡ những đồng đội, hội viên cựu chiến binh nghèo làm ăn, phát triển kinh tế khá giả.
Chung tay vì hội viên nghèo
Ảnh: Đức Thụy |
Ông Hoàng Xuân Khoát-Trưởng ban Kinh tế Hội Cựu chiến binh tỉnh, nhấn mạnh: Phong trào dù mới thực hiện từ năm 2012 nhưng đã thực sự là đòn bẩy giúp cho những hội viên nghèo có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Một trong những chi hội Cựu chiến binh giúp được nhiều hội viên cựu chiến binh phát triển kinh tế, thực hiện tốt phong trào “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình” phải kể đến chi hội Cựu chiến binh làng Đe Ktu, thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang).
Chi hội có 22 hội viên đều là người dân tộc Bahnar. Mặc dù có đất canh tác, nhưng hầu hết các hội viên đều không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất sản lượng lúa đạt thấp: 4-5 tạ/sào. Ngoài việc thiếu kỹ thuật sản xuất, các hội viên trong làng cũng chỉ làm một năm một vụ lúa Hè Thu, vì vậy không ít hội viên cựu chiến binh của làng Đe Ktu bị thiếu đói.
Trước thực tế này, chi hội Cựu chiến binh trong làng đã giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn, vật tư nông nghiệp từ đầu mùa vụ, khi nào thu hoạch xong sẽ hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Nhờ vậy, hội viên trong làng rất phấn khởi, hăng hái lao động sản xuất. Đến nay, năng suất lúa tăng lên 7-8 tạ/sào. Trước đây, chỉ làm một năm 1 vụ lúa thì đến nay mỗi năm hội viên và bà con đã thâm canh 2 vụ. Từ sản lượng lúa đạt cao, những hội viên cựu chiến binh trong làng Đe Ktu không những có của ăn của để mà chi hội còn vận động hội viên xây dựng kho thóc cựu chiến binh 3 tấn lúa để giúp hội viên và người dân khi giáp hạt. Cùng với đó, chi hội Cựu chiến binh Đe Ktu còn được Hội Cựu chiến binh thị trấn Kon Dơng khuyến khích các hội viên phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ giống, vốn khoa học kỹ thuật... Nhờ đó, những năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế điển hình do hội viên cựu chiến binh làm chủ.
Đinh Yến