Tạo điều kiện ổn định và cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên; bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ở các tỉnh Tây Nguyên một cách bền vững; đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa nghề rừng để rừng và đất rừng có chủ thực sự, là mục tiêu của Quyết định 304/2005/QĐ-TTg ngày 23-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Gia Lai triển khai việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng kể từ năm 2006. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong đợi.
Rừng vẫn bị phá
Ông Vũ Ngọc An- Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) thừa nhận: Năm 2008, một số hộ dân đã lén dựng chòi trên đất rừng đã giao khoán bảo vệ để phát rừng làm rẫy. Tuy nhiên, diện tích rừng bị phá không lớn và được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Một số cánh rừng được giao cho các hộ dân tại làng Dlâm, Kter 1, Kter 3, xã Hbông (huyện Chư Sê, Gia Lai) quản lý bảo vệ, hầu như hộ nào cũng chặt phá, khai hoang thêm từ 0,3 ha đến 0,5 ha để làm rẫy. Nhân dân các địa phương khác đến đây cũng đã gây ra 13 vụ phá rừng lấy đất làm nương rẫy, diện tích bị thiệt hại là 3,1 ha, mà đến nay cơ quan quản lý lẫn chủ rừng chưa tìm ra ai là thủ phạm! Chỉ tính từ ngày Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê chuyển giao 1.307 ha rừng cho 44 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Hbông quản lý bảo vệ, đã xảy ra 21 vụ xâm hại, diện tích rừng bị phá lên đến 5,3 ha.
Dọn thực bì phòng- chống cháy rừng. |
Chưa sống được từ rừng
Mục đích của chủ trương giao khoán bảo vệ rừng là tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện, nâng cao đời sống từ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và hưởng lợi lâm sản phụ dưới tán rừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 1.746 hộ dân thuộc diện nghèo, thiếu đất sản xuất (theo Quyết định 132 và 134) của tỉnh được giao rừng, khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ 10 kg gạo, mỗi năm không quá 6 tháng, giúp các hộ có thêm nguồn lương thực; tiền công bảo vệ rừng được điều chỉnh từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng/ha/năm. Ông Rơ Lah Mé ở làng Chư Có, xã Ia Puch (huyện Chư Prông) cho biết: Rừng ông nhận quản lý bảo vệ nằm ở núi Chư Pông, giáp nước bạn Campuchia. Từ nhà đến rừng mất 1 giờ chạy xe máy, nên số tiền hỗ trợ không đủ chi phí tiền xăng xe.
Lãnh đạo các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Phú Thiện cho rằng, mức hỗ trợ trên là quá thấp. Định mức hỗ trợ thấp, trong khi rừng giao khoán quản lý lại xa khu dân cư nên rừng khó tránh bị xâm hại. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét nâng mức hỗ trợ tiền lên cho các hộ nhận giao, khoán quản lý bảo vệ rừng.
Định mức hỗ trợ đã ít, nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng thì… chẳng có gì. Tiếp xúc với các hộ được giao, khoán bảo vệ rừng tại các huyện: Chư Prông, Phú Thiện, Chư Sê, Đak Đoa, Krông Pa… thì được biết: Hầu hết 44.915,4 ha diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đã được giao khoán quản lý bảo vệ thuộc đối tượng rừng nghèo, rừng khộp nên lâm sản phụ gần như chẳng có gì; đưa các loại cây trồng mới vào trồng dưới tán rừng thì không cây trồng nào sống nổi. Khẳng định như thế là vì một số huyện như Chư Sê, Đak Đoa đã hỗ trợ giống cây trồng như keo lai, bời lời đỏ, măng điền Trúc, điều… cho các hộ nhận khoán trồng dưới tán rừng nhưng không hiệu quả. Thực trạng trên hoàn toàn phù hợp với đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, rằng: Đối tượng rừng giao cho dân là rừng nghèo, không có thu nhập gì từ rừng. Muốn có lâm sản phụ để khai thác, hưởng lợi phải đầu tư nhiều vốn, nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh... trong thời gian dài. Đây là lý do vì sao công tác nhận khoán bảo vệ rừng mang lại hiệu quả chưa cao, nhân dân chưa tích cực bảo vệ rừng.
Quang Văn- Lê Nam