Để có nguồn thú rừng bán cho nhà hàng, quán nhậu, các thợ săn còn vào vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để săn lùng, sẵn sàng nhả đạn về phía những người bảo vệ rừng
Sau 1 tháng bị các thợ săn mai phục bắn hàng chục viên đạn vào người, đến nay anh Ngô Đức Liên, cán bộ phụ trách pháp chế Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), vẫn đang phải chống chọi với những cơn đau buốt vì chưa lấy được viên đạn nào ra.
Mai phục, bắn kiểm lâm
Trước tình trạng săn bắn thú rừng diễn biến phức tạp, tháng 9-2018, VQG Chư Yang Sin đã thành lập tổ tuần tra, truy quét thợ săn trộm gồm 22 cán bộ, kiểm lâm được trang bị 4 khẩu súng AK và các công cụ hỗ trợ. Ngày 12-9, tổ tuần tra phát hiện 4 đối tượng mang theo 4 khẩu súng tự chế và 3 chó săn nên yêu cầu hạ vũ khí. Tuy nhiên, nhóm đối tượng bỏ chạy, vứt lại 1 khẩu súng tự chế và 1 túi đựng đạn. Theo lời kể của anh Ngô Đức Liên, đến khoảng 12 giờ cùng ngày, tổ tuần tra rút về. Lúc này anh Liên đi đầu thì gặp 3 trong 4 đối tượng đang nấp sau gốc cây phía trên đồi chĩa súng về phía tổ tuần tra. Anh Liên vội hô lớn "không được manh động", đồng thời ra hiệu cho lực lượng kiểm lâm nằm xuống. Tuy nhiên, 3 đối tượng vẫn xả súng khiến anh Liên chưa kịp ẩn nấp, bị hàng chục viên đạn găm vào người.
|
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yók Đôn trên đường làm nhiệm vụ |
Ngay sau đó, anh Liên được các đồng nghiệp cõng xuống núi, cởi hết quần áo ngoài của hơn 10 kiểm lâm để làm võng khiêng anh Liên ra khỏi khu vực sông Krông Nô (nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông và Lâm Đồng). Từ đây, lực lượng kiểm lâm đã chặt các cây lồ ô làm bè đặt anh Liên nằm lên rồi thay nhau kéo hàng chục km trên sông. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, mọi người mới đưa được anh Liên ra khu vực ôtô vào được để chở vào bệnh viện.
Trước đó, vào tháng 1-2018, nhận được tin báo của người dân có nhóm hàng chục người vào rừng săn thú, VQG Chư Yang Sin cũng thành lập tổ truy quét. Anh Đỗ Văn Lâm (kiểm lâm VQG Chư Yang Sin) cho biết hôm đó ngoài lực lượng kiểm lâm, còn có nhiều hộ nhận quản lý bảo vệ rừng đi cùng. Do địa bàn rừng núi hiểm trở nên đoàn phải men theo sông Krông Nô lên khu vực mà các thợ săn thường săn thú. Khi đến khu vực có tảng đá lớn nhô ra, đoàn phải lội qua suối và đã gặp gần 20 đối tượng mai phục sẵn. Mọi người nghe tiếng hô lớn "giết" từ trên bờ sông và ngay lập tức, gần 20 đối tượng trang bị súng kíp, dàn hàng ngang nã đạn từ trên xuống. Do tảng đá chỗ nấp nhỏ nên tay phải của anh Tạ Ngọc Trọng (kiểm lâm) bị trúng chùm 3 viên đạn. Anh Trọng bị dập nát xương, được đưa xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) phẫu thuật ghép lại các mảnh xương vỡ.
Khó bắt được kẻ săn trộm
Những năm trước đây, phương thức săn thú chủ yếu là đặt bẫy, nhưng nay thú rừng khan hiếm nên thợ săn thường dẫn theo chó, trang bị súng đạn vào rừng săn bắn. Do các đối tượng manh động và những quy định nghiêm ngặt về sử dụng vũ khí khiến việc bắt giữ các đối tượng này rất khó khăn.
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, cho rằng các đối tượng săn bắn động vật hoang dã ngày càng manh động, dù lực lượng bảo vệ rừng được trang bị súng quân dụng nhưng cũng rất khó bắt. Trong thời gian qua, lực lượng truy quét đã nhiều lần bắt gặp các đối tượng săn thú nhưng khi vừa tiếp cận, các đối tượng này đã nổ súng về phía kiểm lâm rồi bỏ chạy. Nếu lực lượng kiểm lâm nổ súng bắn lại chẳng may trúng vào vùng nguy hiểm hoặc trúng sau lưng (tư thế bỏ chạy) các đối tượng thì sẽ phải đối mặt với vấn đề pháp lý. "Các đối tượng săn thú manh động, trong khi lực lượng kiểm lâm liên tiếp bị thương nhưng không được hưởng chế độ chính sách khiến anh em có phần nhụt chí. Chúng tôi cũng chỉ biết khi thành lập đoàn truy quét thì phân công một lãnh đạo vườn phụ trách để động viên anh em kiểm lâm hoàn thành nhiệm vụ" - ông Nghĩa tâm sự.
Cả một vùng rộng lớn ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk hiện nay chỉ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar) là còn thú rừng. Do đó, hằng ngày, các thợ săn tứ phía xâm nhập khu bảo tồn để săn thú. Trước thực trạng này, những năm qua, khu bảo tồn phải tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét các đối tượng săn thú nhưng rất khó để bắt giữ.
Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, cho biết các đối tượng săn thú thường mang theo súng tự chế, súng quân dụng nên lực lượng kiểm lâm không thể đối đầu trực tiếp mà phải mật phục, tấn công bất ngờ may ra mới bắt giữ được thợ săn trộm. "Lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn đã nhiều lần đụng độ với thợ săn và có 4 kiểm lâm bị bắn gây thương tích nặng. Đến nay chỉ duy nhất 1 kiểm lâm được hưởng chế độ thương binh. Ba kiểm lâm còn lại mặc dù khu bảo tồn đã nhiều lần đề nghị nhưng được trả lời không đủ điều kiện hưởng chế độ thương binh nên anh em cũng buồn" - ông Ý cho
biết thêm.
Gỡ bỏ 4.000 bẫy thú, thu 10 khẩu súng Tại VQG Yók Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), tình trạng săn bắn động vật rừng trong thời gian gần đây cũng diễn biến phức tạp. Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yók Đôn, cho biết chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng kiểm lâm của vườn đã phát hiện truy đuổi hàng chục vụ săn bắn động vật hoang dã, thu giữ 10 khẩu súng. Ngoài ra, vườn cũng tổ chức tuần tra, gỡ được gần 4.000 bẫy thú các loại. |
Cao Nguyên (Người lao động)