(GLO)- Theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Gia Lai được chuyển 50.000 ha đất rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã cho phép 44 dự án của 17 doanh nghiệp (DN) triển khai trồng cao su trên địa bàn 5 huyện. Đến nay, diện tích đã giao 32.555,6 ha, diện tích đã khai hoang 27.642,7 ha, diện tích đã trồng 25.547,4 ha, diện tích đã cấp quyền sử dụng đất 19.212,5 ha. Diện tích cao su chết, sinh trưởng kém 2.598,8 ha, diện tích đã khai hoang nhưng chưa trồng cao su 2.089 ha.
Bên cạnh hiệu quả bước đầu mà các dự án trồng cao su mang lại về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh theo mục tiêu dự án đã được phê duyệt thì xuất hiện tình trạng một số DN, người trồng cao su tự ý chuyển đổi diện tích cao su kém phát triển sang trồng cỏ, mía, bắp, mì… xây dựng trang trại nuôi bò. Tuy diện tích tự chuyển đổi không lớn nhưng cũng đã và đang tạo ra hiệu ứng lan truyền không hề nhỏ và dễ trở thành phong trào, nhất là giá cao su tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian dài.
Thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su nay không còn nữa, bởi vì giá 1 kg mủ còn thấp hơn giá bán một cốc cà phê vỉa hè. Điều đó đã khiến nhiều DN nhất là DN “tay ngang” thiếu năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm đang rơi vào cảnh lao đao vì cây cao su chết, chậm phát triển. Họ nhìn vườn cây càng xót công, xót của, thậm chí ăn không ngon ngủ không yên với những khoản nợ đã bỏ ra để trồng cao su. Dù cố xoay xở duy trì vườn cây song cây cao su trồng ở những vùng đất không phù hợp thì tương lai hiệu quả đầu tư vẫn không có gì sáng sủa cả.
Mặt khác giá cao su lại chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí theo dự báo tình trạng khó khăn vẫn còn kéo dài trong những năm tới. Chính vì vậy, một số DN, người trồng cao su đã và đang “xé rào” phá vỡ quy hoạch, tự ý chuyển đổi sang trồng cỏ, mía, bắp… làm chuồng trại chăn nuôi bò. Không ít hộ dân đành phải chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, tiêu, mì, bắp… và cây ngắn ngày khác. Qua giám sát thực tế cho thấy, các dự án trồng cao su tại các huyện: Ia Pa, Chư Pưh, Đức Cơ, Chư Prông đều có những diện tích cao su chậm phát triển hoặc tự chết do trồng ở trên đất rừng khộp nghèo, tầng đất canh tác nông, mùa mưa thì ngập úng, mùa khô thì thiếu nước, không được đầu tư chăm sóc… với tổng diện tích là 2.598,8 ha. Tại dự án trồng cao su Ia Pa, Công ty cổ phần Hoàng Anh đang cấp tập hoàn thành chuồng trại, kho tàng… Đã thu hoạch cỏ, mía chế biến thức ăn cho bò trên diện tích khá lớn đã trồng cao su trước đây (theo báo cáo khoảng gần 100 ha). Tại dự án trồng cao su thuộc huyện Chư Pưh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long cũng đã và đang cấp tập triển khai, tự chuyển đổi hàng chục ha cao su đã trồng sang mục đích khác. Tại các dự án đã trồng cao su trước đây cũng xuất hiện một số diện tích đã trồng cỏ, mì, bắp…
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê có 781,3 ha cao su trồng trên đất rừng khộp bị chết rải rác hoặc cây sinh trưởng kém, nay cũng không dám tiếp tục đầu tư bài bản cho những diện tích này nữa, bởi lẽ diện tích cao su này sẽ cho chất lượng mủ và năng suất thấp hơn mức bình thường dĩ nhiên càng đầu tư thì càng bị lỗ. Để dự án chuyển rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao su phát triển bền vững thì Nhà nước sớm có giải pháp đồng bộ nhất là tạo đầu ra, cũng như ổn định giá mủ cao su, đây là vấn đề then chốt quyết định sự tồn vong của cây cao su. Các DN, người trồng cao su tiếp tục thủy chung, tính toán đầu tư hợp lý, giảm chi phí nhằm duy trì diện tích đã trồng phù hợp với cây cao su. Không nên vì giá cao su sụt giảm mà nhanh chóng phá cao su chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Riêng diện tích đất không phù hợp với cây cao su, diện tích cây cao su sinh trưởng kém cũng cần khẩn trương khảo sát đánh giá khoanh vùng, tìm ra các giải pháp phù hợp, đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Hoặc là trồng rừng thay thế hoặc trồng các loại cây khác phù hợp nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh và huyện thường xuyên kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các DN, người trồng cao su tự ý phá bỏ cao su chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về quy hoạch trong sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đang rộ lên phong trào trồng cỏ nuôi bò và liệu có lặp lại những bất cập tương tự của ngành trồng trọt. Việc chuyển dần từ trồng trọt sang phát triển chăn nuôi vốn là hai lĩnh vực cốt yếu của ngành nông nghiệp, để trồng trọt và chăn nuôi phát triển cân đối hài hòa đó là quy luật trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Bởi lẽ khi xã hội ngày càng phát triển mức tiêu dùng của người dân về các sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng lên cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu sản phẩm. Như vậy, việc một số DN “xé rào” tự ý chuyển diện tích cao su kém phát triển, diện tích đất không phù hợp với cây cao su, sang trồng cây phục vụ phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng công nghiệp có đúng quy luật, đúng thực tiễn khách quan của ngành nông nghiệp tỉnh nhà?
Đinh Duy