Thực tế cho thấy, những năm gần đây, việc trẻ em tại Việt Nam bị xâm hại đang ngày càng nghiêm trọng và đã trở nên đáng báo động...
Các ông bố, bà mẹ không nên im lặng, phải tố cáo những kẻ đã gây tội ác với đứa con bé bỏng của mình (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại trẻ em gây phẫn nộ và bức xúc dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, luật pháp hiện hành đang có những lỗ hổng rất lớn trong việc xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em...tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội lách luật “nhờn” luật để phạm tội.
Bên cạnh đó, một thực tế cũng đáng báo động không kém, đó là hầu hết cả tội phạm và nạn nhân đều thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống dẫn đến những hậu quả đáng tiếc gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của nạn nhân.
Trong khi dư luận còn chưa nguôi ngoai với một số vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gần đây như, vụ xâm hại bé gái 9 tuổi xảy ra ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh lớp 10 ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và trước đó là nhiều vụ việc khác như thầy giáo dâm ô học sinh ở Bắc Giang, bố dượng xâm hại con vợ…, thì vụ việc mới nhất về việc xuất hiện trên mạng xã hội clip bé gái 7 tuổi bị một người đàn ông dâm ô trong thang máy lại khiến không ít người cảm thấy bị tổn thương. Thực tế này cũng cho thấy thực trạng xâm hại trẻ em tại Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng.
Hình ảnh vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TPHCM khiến dư luận bức xúc. Ảnh cắt từ clip. |
Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, mỗi năm trung bình có từ 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và đây chưa phải là con số thực bởi con số thực tế lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, số vụ được đưa ra xét xử chỉ chiếm con số rất nhỏ, thậm chí nhiều vụ việc không được giải quyết nhanh chóng, quyết liệt và triệt để. Trong năm 2018, chỉ 47 vụ xâm hại trẻ em bị khởi tố.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư-Hội Bảo vệ quyền trẻ em) phân tích, phần lớn các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em bị trả lại hồ sơ, không được xét xử vì thiếu chứng cứ.
“Đối với những vụ án xâm hại trẻ em thì cái quan trọng nhất vẫn là chứng cứ và phải là chứng cứ hiện hữu thì công an với vào cuộc và mới khởi tố. Tôi cho rằng vấn đề giám định cần phải thay đổi, phải nhanh chóng kịp thời và các cơ quan giám định pháp y, thấy bé có vấn đề về xâm hại phải cho giám định ngay chứ không phải làm đơn. Làm đơn tới lui, lúc bé mắc tiểu là mất hết chứng cứ. Tức là khi trẻ bị xâm hại, cho dù 1 tuổi, 2 tuổi hay bé dưới 13 tuổi cho đi giám định liền rồi sau đó mới làm thủ tục. Nhưng bây giờ dính đến tố tụng thì bảo phải làm đơn, yêu cầu giấy khai sinh, lấy sổ này, sổ kia”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ em bị xâm hại sẽ ám ảnh các em đến suốt cả cuộc đời. Chính những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đang khiến những vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng.
Nếu khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại thì đây là một điều rất khó khăn bởi đối với các vụ dâm ô không để lại dấu vết hoặc gia đình nạn nhân phát hiện muộn rất khó để thu thập chứng cứ.
“Làm thế nào để tuyên truyền được cho phụ nữ và trẻ em là khi bị xâm hại tình dục, trong vòng 24 giờ phải đến cơ sở y tế gần nhất, nhưng điều này vô cùng khó khăn. Thường khi phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục thì người ta hay giấu kín, không khai với bác sĩ hoặc cán bộ y tế mà thường nói là bị tai nạn trong sinh hoạt”, Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc nhìn nhận.
Xâm hại tình dục trẻ em- Tội ác không thể dung thứ. |
Trong khi đó, tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, cố tình xóa mọi dấu vết, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân. Đối với người bị hại chưa thành niên, nhận thức của các cháu còn rất non nớt, nhiều cháu bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại thường giấu kín và không trình báo với cơ quan chức năng.
Nhiều trường hợp các điều tra viên, kiểm sát viên là nam xác minh, điều tra cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người bị hại. Theo tiến sĩ Trần Thị Lịch, Thẩm tra viên chính Tòa án nhân dân Tối cao, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ xâm hại trẻ em bị kéo dài, thậm chí không xử lý. Đồng thời là những trở ngại cho việc xét xử.
“Nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và bị cáo để xét xử thì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh. Theo điều 25 của Bộ luật tố tụng hình sự, các vụ án xâm hại tình dục là những vụ án phải giữ gìn thuần phong mỹ tục, cần phải được xử kín, bảo vệ người dưới 18 tuổi và bảo vệ bí mật đời tư nên thông thường tòa án sẽ xét xử kín. Xét xử kín nhưng tuyên án thì công khai. Đây cũng là trở ngại mà bị hại không mong muốn”, Tiến sĩ Trần Thị Lịch nói.
Chính những lỗ hổng pháp luật đã khiến cho nhiều vụ án xâm hại trẻ em không được xét xử do thiếu chứng cứ, kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đồng thời, nhiều vụ việc xảy ra do cả nạn nhân và tội phạm đều không hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay giáo dục luật pháp ở trong trường học hầu như chỉ dừng lại ở Luật Giao thông đường bộ, còn những luật như: Luật Nhân thân, quyền danh dự nhân phẩm…rất cần thiết để học sinh có thể tự bảo vệ lại không được học.
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng: “Hành vi xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em không thể được chấp nhận. Chúng ta cần phải tăng cường phòng ngừa, áp dụng nghiêm khắc những khung hình phạt theo quy định của luật. Bên cạnh đó là truyền thông rộng rãi những chế tài và những vụ việc đã được xử lý để làm biện pháp giáo dục và răn đe chung nữa. Khi đầu chúng ta đưa thông tin chi tiết về vụ việc nhưng khi vụ việc kết thúc thì không phân tích, mổ xẻ các chế tài, các biện pháp xử lý của pháp luật như thế nào để mà có tính răn đe chung đối với người dân, trở thành giáo dục chung trong toàn xã hội”.
Khoảng trống pháp luật khiến nhiều kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hoặc chỉ bị phạt ở mức chưa đủ sức răn đe đã vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của những nạn nhân là trẻ em của nạn xâm hại tình dục và gia đình, người thân. Đây là thực tế cần sự vào cuộc các cơ quan chức năng để xem xét, nghiên cứu, xác định lại từng nhóm hành vi và có những chế tài hay hình thức xử lý nghiêm khắc hơn để đảm bảo an toàn và đảm bảo quyền của trẻ em.
Kim Thanh/VOV1