Gia Lai: Vẫn nóng bỏng nạn buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ trên các tuyến quốc lộ như 19, 14, 25 mà còn trên nhiều tuyến tỉnh lộ, tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là một số địa phương như: Ia Grai, Chư Prông, Krông Pa và một số vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận. Lâm tặc lợi dụng các vùng có dự án chuyển đổi rừng trồng cao su, những khu vực chuẩn bị quy hoạch để chặt phá, vận chuyển lâm sản trái phép. Lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng vẫn chưa ngăn chặn được.
Gỗ bị tịch thu. Ảnh: Nguyễn Diệp
Gỗ bị tịch thu. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 432 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 60 vụ so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan chức năng đã xử lý 385 vụ, tịch thu 12 xe ô tô, 161 xe máy cùng 513 m3 gỗ tròn, trên 460 m3 gỗ xẻ. Đặc biệt, dù số vụ vi phạm giảm nhưng mức độ và hành vi do lâm tặc gây ra rất nguy hiểm cho các đơn vị quản lý rừng và lực lượng chức năng. Chi cục Kiểm lâm đã đề xuất UBND tỉnh thành lập thêm 9 chốt chặn tại nhiều địa phương để kiểm soát.
Cùng với sự xuất hiện nhiều kiểu buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép, một số địa phương cũng xuất hiện những đầu nậu buôn bán, chặt phá rừng. Khi bị phát hiện vi phạm, chúng thường huy động nhiều đối tượng đe dọa những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điển hình nhất là vụ xảy ra ngày 22-3 tại tiểu khu 444a thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang. Tổ tuần tra của đơn vị phát hiện tên Đinh Tiến Hùng, thôn 1, xã Hải Yang (huyện Đak Đoa) khai thác gỗ trái phép, lập biên bản tại hiện trường và yêu cầu các đối tượng này ra khỏi khu vực cấm khai thác.
Trước đó, các đối tượng đã chặt hạ 3 cây gỗ sao. Ngày 21-3, các đối tượng này tiếp tục đưa xe độ chế, máy cưa vào khai thác và khi bị phát hiện, lại bỏ chạy. Hôm sau, chúng huy động khoảng 14 tên mai phục tại tiểu khu trên và đánh anh Lê Văn Thơm- cán bộ của Ban Quản lý Rừng phòng hộ bị thương nặng, gây bức xúc trong nhân dân. Mới đây, tại huyện Ia Grai và Krông Pa, khi bị phát hiện, nhiều đối tượng cũng đã huy động hàng chục người hăm dọa lực lượng chức năng khiến công tác bắt giữ gặp không ít khó khăn.
Ông Đào Xuân Liên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Tài nguyên rừng bị thiệt hại là do sự quản lý lỏng lẻo của các chủ rừng và sự phối- kết hợp giữa các ngành chưa cao, không triển khai các biện pháp liên tục nên mới xảy ra tình trạng trên. Đặc biệt, tình trạng buôn bán, vận chuyển đang hết sức phức tạp, lâm tặc lộng hành… là do các lực lượng của xã như công an, dân quân chưa có sự phối hợp với lực lượng kiểm lâm, ngại va chạm…
Trước tình hình này, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và ngành chức năng khẩn cấp củng cố các lực lượng tổ chức truy quét lâm tặc tận gốc ở các xã trọng điểm… Tỉnh cũng đã tính đến khả năng thành lập thêm 3 trạm kiểm soát lâm sản ở các vùng trọng điểm Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Krông Pa… với hy vọng hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép đang có xu hướng gia tăng.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.