Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 20 khóa IX cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có rất ít khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố chưa có nhiều khu vui chơi dành riêng cho trẻ em…
Hiện nay, toàn tỉnh có 11 nhà văn hóa huyện, thị xã, thành phố; 4 nhà văn hóa của ngành, đoàn thể; 17 đội thông tin lưu động, 15 thư viện, phòng đọc sách cấp huyện; 1 thư viện tỉnh; có 672 nhà rông, trong đó 206 nhà rông văn hóa, 1 nhà văn hóa thiếu nhi, 1 trung tâm hoạt động thanh niên, 1 trung tâm huấn luyện thể dục thể thao do tỉnh quản lý.
Riêng thành phố Pleiku có 15 cơ sở vui chơi do Nhà nước đầu tư, trong đó, 3 cơ sở do cấp tỉnh quản lý, 12 cơ sở do thành phố quản lý; 5 cơ sở và 21 trường mầm non do tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Điển hình như Nhà Thiếu nhi, Nhà Văn hóa Lao động, Siêu thị Co.op Mart... Một số điểm du lịch hàng năm trong dịp lễ, Tết thu hút rất nhiều trẻ em đến vui chơi, giải trí như Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Khu Du lịch Sinh thái Về Nguồn, Quảng trường 17-3...
Ảnh: Huy Tịnh |
Qua khảo sát của HĐND tỉnh cho thấy: Các trung tâm văn hóa ở cơ sở chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt giải trí của mọi tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất, trang, hiết bị phục vụ cho hoạt động còn thiếu, dụng cụ, đồ chơi sắm được nhưng khi bị hư hỏng các ngành chức năng chưa quan tâm đầu tư sửa chữa. Một số huyện, thị xã, thành phố bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước cho hoạt động vui chơi của trẻ em chưa đáng kể. Nguồn vốn các chương trình, dự án do quốc tế tài trợ còn rất nhỏ bé. Nguồn vốn huy động từ công tác xã hội tuy có nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Một số địa phương chưa chú trọng đến quy hoạch, ưu tiên quỹ đất xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em. Các ngành chức năng chưa làm tốt công tác tham mưu, xây dựng quy hoạch tổng thể và các chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa được quan tâm, chưa có quy định cụ thể về quản lý và sử dụng một số cơ sở vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng....
Chúng ta đều biết, qua hoạt động vui chơi trẻ em sẽ phát triển hoàn thiện về thể chất, đồng thời phát triển về trí tuệ. Việc tạo một không gian vui chơi, học tập tự nhiên, hấp dẫn đối với các em cũng góp phần giúp các em tránh được những rủi ro gặp phải khi chạy chơi ở bên ngoài hay những khu vực nguy hiểm khác… Hơn nữa, mọi hoạt động của các em cũng được quan sát quản lý chặt chẽ hơn.
Việc xây dựng phải quan tâm đến các yếu tố như: Địa điểm xây dựng phù hợp, giao thông thuận tiện, gần khu dân cư để thu hút được đông đảo các em tham gia sinh hoạt thường xuyên. Cần đầu tư một cách đồng bộ về cơ sở vật chất cũng như các thiết chế văn hóa; đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt huyết để quản lý các nơi vui chơi này hoạt động phong phú, hiệu quả; đặc biệt đẩy mạnh mô hình xã hội hóa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em để kêu gọi nhiều nguồn lực tham gia đầu tư các khu vui chơi cho trẻ em đồng thời cũng quản lý chặt chẽ hơn các khu vui chơi tư nhân để các em thực sự có một sân chơi lành mạnh. Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sẽ có nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em được đầu tư trên khắp địa bàn tỉnh.
Kiều Trang