(GLO)- Với hàng loạt chỉ số thành phần sụt giảm, năm 2014, Gia Lai đã bị tụt hạng không phanh trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với chỉ 56,16 điểm, xếp vị trí 48 trên bảng tổng sắp, và xếp thứ 3 trong khu vực Tây Nguyên, sau Lâm Đồng (vị trí 29) và Đak Lak (vị trí 30).
Năm 2012, chúng ta đã rất hoan hỉ khi lần đầu tiên, Gia Lai dẫn đầu khu vực Tây Nguyên với số điểm 56,5, xếp vị trí 32 trên bảng xếp hạng PCI. Đến năm 2013, lại một lần nữa tỉnh ta dẫn đầu khu vực với số điểm 57,96 và xếp vị trí 31 trên bảng tổng sắp. Chúng ta đã rất hy vọng vào sự ổn định bền vững của vị trí này khi nhiều chỉ số thành phần đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước cũng như so với các tỉnh bạn. Tuy nhiên, đến năm 2014, chẳng những thứ hạng đã không được giữ vững mà còn tụt hạng chóng mặt.
Một trong những chỉ số được coi là vô cùng quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, và là yếu tố đầu tiên doanh nghiệp (DN) quan tâm là chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Năm 2013, ở chỉ số này, Gia Lai đạt 5,68 điểm thì năm 2014, chỉ đạt 3,97 điểm. Một chuyên gia ở Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận xét: “Chỉ số thành phần về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh có thể được xem như “hàn thử biểu” đo lường thái độ của DN đối với chính quyền, để chính quyền “bốc thuốc” và “dùng thuốc” phù hợp cho những trường hợp “nóng sốt” cần điều trị và phòng ngừa giúp môi trường đầu tư của địa phương mình phát triển lành mạnh, hấp dẫn các nhà đầu tư”. Nếu vậy, kết quả đánh giá tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh của Gia Lai năm 2014 cho thấy, niềm tin của DN đối với lãnh đạo tỉnh nói chung đã giảm sút.
Một chỉ số giảm mạnh nữa là chi phí không chính thức. Chi phí không chính thức được hiểu nôm na là chi phí “lót tay” của DN cho cơ quan công quyền, đo lường các khoản chi phí không chính thức mà DN phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của DN như hoa hồng để có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước, tiền “lót tay” để công việc được giải quyết nhanh, thuận lợi… Chỉ số này giảm dần qua từng năm, nếu năm 2012 đạt 6,63 điểm thì năm 2013 chỉ còn 6,17 điểm và đến năm 2014 thì chỉ còn 3,81 điểm. So sánh với các tỉnh trong khu vực thì chỉ số này của tỉnh ta đứng chót khi Lâm Đồng đạt 5,15 điểm, Đak Lak 4,61 điểm, Kon Tum 4,29 điểm và Đak Nông 4,96 điểm.
Bên cạnh một số chỉ số thành phần sụt giảm khác như: tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý thì có 2 chỉ số thành phần là gia nhập thị trường và đào tạo lao động vẫn giữ nguyên với năm 2013. Cũng có một số chỉ số tăng phấn khởi như chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp với 6,2 điểm (năm 2013 là 5,23 điểm), chỉ số tính minh bạch 6,01 điểm (tăng 0,49 điểm so với năm trước). Chỉ số về chi phí thời gian cũng nhích hơn một chút với 5,87 điểm. Trong các chỉ số tăng trên với sự tăng dần đều qua các năm của chỉ số hỗ trợ DN cho thấy, các DN có phần hồ hởi khi triển khai thực hiện đầu tư tại Gia Lai. Điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư, hỗ trợ về vốn, nhân lực cho phát triển sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đổi mới trang-thiết bị công nghệ; đào tạo lao động… của tỉnh trong thời gian qua phần nào đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của khu vực kinh tế dân doanh.
Có thể thấy, chỉ số PCI ngày càng được coi trọng ở cấp tỉnh một phần vì tính hữu ích của nó đối với chính quyền, từ đánh giá của DN địa phương giúp chính quyền nhận rõ những lĩnh vực cần cải thiện, cần thay đổi. Nhưng lý do khác tạo ra ảnh hưởng quan trọng của PCI là ngày càng được các nhà đầu tư tham khảo sử dụng trong các quyết định đầu tư của mình. Một DN nhấn mạnh rằng: “Đối với những nhà đầu tư thì chỉ số PCI giúp xác định và so sánh môi trường kinh doanh tại các địa phương khác nhau. Chúng tôi sử dụng dữ liệu PCI như một nguồn thông tin giá trị cho việc xem xét ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại một địa phương nào đó”. Chỉ số PCI cũng là một động lực quan trọng cho quá trình cải cách môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Riêng với DN thì PCI là công cụ quan trọng nhất để họ nói lên tiếng nói và yêu cầu của mình đối với chính quyền.
Hà Duy