(GLO)- Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Gia Lai đã thu được những thành quả đáng ghi nhận. Đó là tiền đề vững chắc để tỉnh triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Gia Lai có diện tích tự nhiên 1.553.693 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.300.226 ha, dân số 1,3 triệu người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,6%, hơn 71% dân số sống ở nông thôn và thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, bước vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành cụ thể hóa 31 nội dung của chương trình dự án về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh với quy mô lớn như: Cao su, cà phê (tập trung ở các huyện Chư Sê, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pah); điều (ở các huyện Krông Pa, Kông Chro); hồ tiêu (ở huyện Chư Sê, Chư Pưh); lúa (huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa); mía (tập trung tại các huyện Kbang, Đak Pơ và thị xã An Khê)…
Kbang-huyện điểm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Thi |
Tại các vùng chuyên canh, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến. Để phục vụ nước tưới cho cây trồng, tỉnh đã xây dựng 267 công trình thủy lợi, với năng lực thiết kế tưới cho gần 35.000 ha cây trồng. Năm 2011, toàn tỉnh đạt tổng sản lượng lương thực 500.674 tấn. Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đã đầu tư phát triển ngành chăn nuôi cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ bò lai chiếm 36%, tỷ lệ heo lai chiếm 66%, các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm được khống chế và đẩy lùi.
Trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở để triển khai các chương trình quốc gia nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Theo thống kê, toàn tỉnh có 864,455 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất 652,456 ha, rừng phòng hộ 153,862 ha, rừng đặc dụng 57,736 ha. Diện tích rừng trồng ngày càng được mở rộng, nhất là rừng phòng hộ. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, vài năm trở lại đây, tỉnh tiến hành giao đất cho các doanh nghiệp triển khai các dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt.
Làng định cư. Ảnh: Huy Hoàng |
Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng mới 1.700 ha rừng sản xuất, 12.646 ha cao su (trong đó trồng cao su trên đất lâm nghiệp 10.894 ha, cao su tiểu điền 1.752 ha; tính chung đến hết năm 2011 chương trình trồng cao su trên đất lâm nghiệp đã thực hiện 22.214 ha, các doanh nghiệp đã tuyển dụng 5.631 lao động vào làm việc; riêng đồng bào dân tộc thiểu số là 1.259 người, chiếm 60,1%).
Các chương trình quốc gia về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phát huy hiệu quả bước đầu. Giải quyết việc làm mới cho 23.000 lao động, đạt 100% kế hoạch; xuất khẩu 754 lao động, đạt 58%; đào tạo nghề cho 6.363 lao động nông thôn, đạt 100% kế hoạch, triển khai lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 giảm 3,5% (tương đương 10.083 hộ thoát nghèo).
Kinh tế hộ gia đình và đời sống của nông dân ngày càng nâng cao. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, gắn với đào tạo giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo trên 27%, tăng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 85%.
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hà Đức Thành |
Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã thực hiện xong các chương trình điện, đường, trường, trạm, thông tin và nước sạch. Hơn 1.700 km đường giao thông nông thôn được trải nhựa hoặc bê-tông hóa. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện, 90% số hộ nông dân được sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt. 96% xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày, bình quân 104,7 thuê bao điện thoại/100 dân. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch chiếm 82%. Bình quân có 5,78 bác sĩ/1 vạn dân, có 64/222 đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn được chuẩn hóa. Toàn tỉnh có 754 trường học ở tất cả các cấp, trong đó có 51 trường đạt chuẩn quốc gia, 14 trường phổ thông dân tộc nội trú, tỷ lệ huy động trẻ đủ độ tuổi ra lớp đạt 99%...
Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh cùng với phát triển chung, bộ mặt nông thôn Gia Lai đã có sự thay đổi đáng kể nhưng vẫn còn nhiều hạn chế với mặt bằng chung của cả nước. Các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Trong điều kiện như vậy, Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ được xem là “luồng gió mới” làm chuyển biến bộ mặt nông thôn ở Gia Lai.
Mùa vàng trên thung lũng Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy |
Gia Lai đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 100 xã, nhưng trước mắt đến năm 2015 là 45/186 xã (toàn tỉnh hiện có 222 đơn vị hành chính cấp xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khóa XIV đã đề ra một số tiêu chí như: Có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Năm 2012, năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh, cũng là năm Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Và, xây dựng nông thôn mới không chỉ là chủ trương, mục tiêu mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của cán bộ, đảng viên và các giai tầng trong xã hội.
Trần Văn Nghĩa
Toàn tỉnh hiện có 186 xã đã hoàn thành việc rà soát đánh giá thực trạng nông thôn, lập xong đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, với mục tiêu: Sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 25% số xã đạt xã nông thôn mới và trong năm 2012 giảm 3,06% tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho 24.000 lao động; 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập trung học cơ sở; bình quân có 6,15 bác sĩ/1 vạn dân… |