(GLO)- Để triển khai Chỉ thị số 13-CT/CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Chương trình số 38-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPT) rừng, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 3671/KH-UBND chỉ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các sở ngành, các lực lượng chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị chủ rừng tổ chức tuyên truyền quán triệt thường xuyên về công tác QLBVPT rừng.
Lực lượng chức năng lập hồ sơ tang vật vi phạm. Ảnh: T.N |
UBND tỉnh yêu cầu: Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng phù hợp với thực tế, đưa toàn bộ diện tích đang có rừng ngoài quy hoạch vào quy hoạch đất lâm nghiệp. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp để kịp thời xử lý phù hợp, đẩy mạnh công tác trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng cây phân tán, xây dựng thí điểm mô hình QLBVPT rừng bền vững. Tổ chức quy hoạch phát triển rừng sản xuất, rừng đặc dụng. Hoàn thiện và thực hiện Đề án giao đất, giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư và các đơn vị, tổ chức để sản xuất, hưởng lợi từ các mô hình trồng rừng sản xuất...
Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, QLBVPT rừng chuyên trách đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ. Bố trí các chốt, trạm kiểm lâm của rừng theo phương án đã được phê duyệt, tổ chức kiểm tra, truy quét, chốt chặn các điểm nóng thường xảy ra vi phạm. Tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác, diện tích rừng nghèo chuyển sang trồng cao su nhưng bị chết và kém phát triển. Xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về QLBVPT rừng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả, phương án phòng cháy chữa cháy rừng, Đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng 2017-2021, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời hiệu quả khi có vụ cháy…
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND cấp huyện và các địa phương tăng cường quản lý đất đai, không đề xuất chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác, thu hồi theo quy định đối với đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, chấm dứt tình trạng hợp thức hoá việc mua bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp... Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương kiểm tra rà soát lại các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, di dời về khu công nghiệp hoặc khu tập trung để quản lý, thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh các cơ sở vi phạm, không cấp mới chứng nhận đăng ký kinh doanh các cơ sở không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất…
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả công tác QLBVPT rừng. Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng, các xã trên địa bàn làm tốt công tác QLBVPT rừng; phối hợp các đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về QLBVPT rừng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, khu vực có người dân sống gần rừng, gắn với ký cam kết các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sống gần rừng, các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản chấp hành quy định pháp luật QLBVPT rừng. Tham mưu đề xuất xử lý kịp thời tình trạng dân di cư tự do vào phá rừng lấy đất sản xuất.
Thanh Nhật