(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, các tỉnh Tây Nguyên đã nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên và không chuyển đổi đất rừng nghèo sang mục đích khác. Tuy nhiên, tình trạng lén lút khai thác, vận chuyển gỗ trái phép thời gian qua vẫn xảy ra, đặc biệt là tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực rừng giáp ranh giữa các địa phương.
Vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak có chiều dài khoảng 155 km, thuộc 5 huyện Krông Pa, Chư Prông, Ayun Pa, Phú Thiện và Chư Pưh của Gia Lai và 4 huyện Ea H’leo, Krông Năng, Ea Kar và Ea Súp của Đak Lak. Đây là vùng có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, trữ lượng gỗ lớn, có nhiều loại động-thực vật và dược liệu quý hiếm… Do đó, trong thời gian qua, tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak, nhiều đối tượng lén lút phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng này lợi dụng di chuyển từ vùng rừng thuộc địa phận tỉnh này sang địa phận tỉnh kia để trốn tránh.
Lâm tặc dùng xe máy độ chế chở gỗ lậu tại khu vực hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: L.N |
Huyện Chư Pưh giáp ranh tỉnh Đak Lak với chiều dài hơn 23 km. Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng huyện phát hiện, bắt giữ và xử lý 96 vụ vi phạm và có đến 69 vụ có nguồn gốc xuất xứ từ các huyện của tỉnh Đak Lak. Trong số hơn 143 m3 vi phạm thì có đến 109 m3 gỗ có xuất xứ từ tỉnh Đak Lak. Mới đây nhất vào ngày 28, 29 và 30-1-2017, lực lượng chức năng bắt giữ 15 vụ với hơn 32,9 m3 gỗ các loại và 45 trụ gỗ xẻ, 10 xe công nông. Toàn bộ số gỗ trên được khai thác từ huyện Ea Súp (Đak Lak) khi vận chuyển qua địa bàn xã Ia Le và Ia Blứ thì bị bắt giữ.
Ông Lê Anh Dục-Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh cho hay: Các đối tượng chủ yếu dùng xe công nông, máy cày, xe độ chế và cưa xăng, cưa tay vào các khu vực rừng của huyện Ea H’leo và Ea Súp (tỉnh Đak Lak) khai thác, vận chuyển gỗ đi qua địa bàn huyện. Đặc biệt, tại khu vực giáp ranh trên quốc lộ 14, đoạn cầu 110 thuộc địa phận tỉnh Đak Lak, các đối tượng thường tập kết gỗ và các loại lâm sản khác để vận chuyển qua địa phận của huyện bằng xe khách, xe du lịch, xe tải… nên việc phát hiện, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.
Huyện Krông Pa hiện có diện tích đất lâm nghiệp hơn 110.899 ha (đất có rừng 86.287 ha) phân bổ trên địa bàn 14 xã, thị trấn. Thời gian qua, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng diễn biến phức tạp, nhất là 5 xã phía Nam của huyện gồm xã Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng. Đây là những xã giáp ranh với tỉnh Đak Lak với chiều dài hơn 46,6 km.
Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết: Việc triển khai công tác bảo vệ rừng tại các khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Đak Lak rất khó khăn. Lâm tặc chủ yếu ở tỉnh Đak Lak lén lút sang khu vực rừng giáp ranh khai thác gỗ rồi vận chuyển theo hướng tỉnh Đak Lak. Ngoài ra, một số người dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc đăng ký hộ khẩu ở tỉnh Đak Lak thường qua khu vực xã Ia Hdreh và Ia Rmok phá rừng và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Ngược lại, người dân tại huyện lại lén lút vào khu vực rừng giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đak Lak) để khai thác gỗ.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, mới đây, UBND 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh đã thống nhất ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh. Ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm 2 tỉnh đã làm khá tốt vai trò trách nhiệm của mình theo quy chế phối hợp đã ký kết. Qua đó, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh giảm đáng kể. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai những giải pháp và kế hoạch, chỉ đạo các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản…
Gia Hưng