Trong khi nông dân “đứng ngồi không yên” vì giá lúa tụt giảm, thậm chí còn thấp hơn so với hồi đầu vụ đến 5, 6 giá thì, nhiều nhà máy xay xát lúa ở Phú Thiện cũng “ngồi trên lửa” vì không bán được hàng mà lãi suất ngân hàng thì tăng cao.
Anh Nguyễn Thành Tâm- chủ một cơ sở xay xát lúa ở tổ dân phố 1, thị trấn Phú Thiện lo lắng: “Những ngày gần đây máy nghỉ liên tục, chỉ chạy cầm chừng, được vài hôm lại nghỉ, gạo bán không được trong khi kho ứ đọng cả trăm tấn lúa. Mà đâu chỉ nợ ngân hàng, để có tiền trữ lúa còn phải vay nóng với lãi suất cao. Dù giá gạo thương phẩm khá “bèo” khoảng 8.900- 9.000 đồng/kg nhưng vẫn phải chạy máy để trả bớt nợ. Nếu kéo dài thì cơ sở càng bị lỗ, do lúa bị hao hụt, rồi tiền công nuôi thợ…”.
|
Chị Thảo (thị trấn Phú Thiện) lo lắng vì lúa tồn đọng nhiều tại kho trong khi lãi suất tiền vay ngân hàng liên tục tăng. Ảnh: Lê Lan |
Chị Thảo (vợ anh Tâm) cho hay, vốn vay trữ lúa khá lớn, ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều lên đến cả tỷ đồng. Với tình hình giá lúa như hiện nay thì chỉ trả lãi cũng “mờ mắt”. Những cơ sở làm lúa nếp thì tình hình còn “căng” hơn, giá năm ngoái khá cao (trên 7.000 đồng/kg) nhưng năm nay cứ xuống thấp và hiện chỉ còn 6.200 đồng/kg. Vậy mà muốn bán cũng không có người mua.
Không chỉ các cơ sở thu mua, xay xát điêu đứng, các cơ sở trữ đậu xanh còn thê thảm hơn, do giá rớt chỉ còn một nửa. “Năm ngoái giá đậu xanh trên 30.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 14.000 đồng- 15.000 đồng/kg. Tính ra, trữ 10 tấn đậu xanh cũng đã lỗ cả trăm triệu đồng. Ngay cả giá mì năm ngoái “sốt” là vậy mà hiện nay cũng rơi vào tình trạng tương tự, giảm một lúc đến mười mấy giá luôn”-chị Thảo cho biết thêm.
Tại chợ Phú Thiện, bà Hoàng Thị Sinh, buôn bán gần 30 năm, than vãn: Ngồi cả buổi cũng chỉ bán được 5 kg gạo. Chợ ế ẩm, ngày nào đắt lắm cũng chỉ bán được vài chục kg, chủ yếu là gạo nếp. Nhưng một thực tế khá “ngược đời”, đó là người dân ở đây chỉ thích ăn gạo nếp Thái hoặc gạo nếp Bắc, nếp miền Tây, dù giá đắt hơn nhiều so với gạo nếp Phú Thiện. Lý do là vì gạo nếp ở đây không ngon bằng, lại lẫn nhiều gạo tẻ... Hiện nếp Thái có giá 28.000- 30.000 đồng/kg, còn nếp Phú Thiện chỉ bằng một nửa: 14.000 đồng-15.000 đồng/kg. Nhưng đó là giá bán lẻ, còn giá nhập tại kho thì chỉ 9.500- 9.600 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân khiến lúa gạo Phú Thiện đứng giá và tồn đọng khá nhiều trong kho. Trước hết là do sự biến động bất thường của thị trường gạo. Năm ngoái giá lúa khá cao và tăng dần về cuối vụ, nhưng năm nay ngay từ đầu vụ giá lúa đã tụt giảm, nhiều nông dân đợi giá lên mới bán. Nhưng oái ăm thay càng cuối vụ giá lúa chẳng những không tăng mà còn giảm hơn khiến nhiều hộ trữ lúa “dở khóc dở mếu”. “Hiện gia đình tôi còn trữ mười mấy tấn lúa nếp, chấp nhận bán giá thấp (6.200 đồng/kg) nhưng cũng chẳng có người mua, trong khi số tiền mua nợ phân bón với lãi suất 3% thì ngày càng lớn”-bà Sinh nói.
Huyện Phú Thiện có khoảng 6.500 ha lúa, nếu tính bình quân mỗi ha đạt năng suất bình quân 6,8 tấn thì sản lượng lúa thu hoạch đạt khoảng 44.200 tấn – là vựa lúa lớn nhất Gia Lai. Ngoài lượng lúa để lại sử dụng làm lương thực tại địa phương thì khả năng 2/3 sản lượng lúa còn lại đang tồn đọng tại các kho của các cơ sở xay xát lúa và trong các hộ nông dân. |
Nguyên nhân thứ hai là do nông dân thấy giá lúa nếp năm ngoái cao nên ồ ạt trồng mà không theo quy hoạch dẫn đến cung vượt quá cầu. Chưa kể một số nông dân hoặc cơ sở kinh doanh do hám lợi đã làm “dối” như trộn lẫn gạo tẻ với gạo nếp, thậm chí còn băm cả gốc mì trộn vào mì thành phẩm gây mất uy tín trên thị trường, khiến việc tiêu thụ đã khó càng thêm khó…
Bình ổn giá nông sản, nhất là giá lúa là điều không chỉ người nông dân huyện Phú Thiện mong chờ mà còn là mối quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong việc quy hoạch, tìm đầu ra… Bên cạnh đó, bản thân người nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng thì mới có thể xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện một cách bền vững.