(GLO)- Bác sĩ Nguyễn Thụy Điển-Khoa Cấp cứu-Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: Tai nạn thương tích ở trẻ có thể phòng tránh được nhưng đáng buồn là chỉ một vài phút lơ là bất cẩn đã khiến tai nạn xảy ra. Tai nạn thương tích thường gặp nhất đối với trẻ là bỏng, chấn thương, gãy tay chân, đuối nước… Vào mùa hè, số trẻ nhập viện do tai nạn thương tích thường có chiều hướng gia tăng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích đối với trẻ nhưng phần nhiều là do trẻ nghịch ngợm, hiếu động, thích khám phá, thêm vào đó sự chủ quan, lơ là, thiếu giám sát của người lớn… Nhiều trường hợp hết sức đau lòng không chỉ để lại di chứng về sau mà còn có thể cướp đi sinh mạng của trẻ.
Không được cho trẻ chơi gần những vùng nước nguy hiểm. Ảnh: N.N |
Từng công tác tại Khoa Nhi-Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nay tại Khoa Cấp cứu-Bệnh viện Nhi Gia Lai, bác sĩ Nguyễn Thụy Điển đã cấp cứu nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích. “Cách đây 2 năm, một cháu bé 4 tuổi được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê. Theo lời người nhà thì bé bị ngã vào xô nước. Khi phát hiện gia đình đã có sơ cứu tại nhà, tuy nhiên khi đưa vào viện thì bé đã bị chết não… Dù đã được cấp cứu bảo toàn tính mạng nhưng bé phải sống đời thực vật những tháng ngày còn lại”-bác sĩ Điển chia sẻ.
Đầu tháng 6-2017, một em bé 11 tháng tuổi ở tỉnh Kon Tum được gia đình đưa xuống Bệnh viện Nhi Gia Lai cấp cứu do bị bỏng nước sôi. Đây là tai nạn hết sức đáng tiếc xảy ra do lỗi bất cẩn của người lớn (người mẹ chuẩn bị nước sôi pha sữa cho con để trên bàn, bé bò đến với tay lên lấy thì bị đổ nước sôi lên người). Hiện bé đã được chuyển lên tuyến trên điều trị.
Theo bác sĩ Điển, đối với các trường hợp bỏng lửa, bỏng nước sôi, nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thương tổn có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, do đó sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời. “Tuyệt đối không được dùng nước mắm, kem đánh răng,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến tình trạng bỏng nặng thêm gây khó khăn trong điều trị. Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ hoặc người thân cần bình tĩnh, nhanh chóng, nhẹ nhàng khi sơ cứu tránh trẻ bị sốc. Có thể làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 đến 20 phút. Không dùng nước lạnh, nước đá trong tủ lạnh để làm mát da cho trẻ”-bác sĩ Điển nhấn mạnh.
Đối với đuối nước, khi phát hiện nạn nhân ngạt nước phải nhanh chóng sơ cứu kịp thời, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên (tức là trong vòng 1-4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước), đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo-đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống, nếu không có thể khiến nạn nhân tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời…
“Chủ động phòng tránh tai nạn thương tích là việc cần làm trong mỗi gia đình nhất là các gia đình có con nhỏ cần chú ý quan sát, giám sát trẻ. Không để trẻ tiếp cận những nguy cơ gây tai nạn thương tích như những vùng nước nguy hiểm, ao hồ, sông suối; nên bố trí các vật dụng nguy hiểm như: dao, kéo, nước sôi, xăng, dầu, ổ điện... xa tầm với của trẻ. Ngoài ra, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức trong phòng-chống tai nạn thương tích để tăng cường khả năng bảo vệ mình khi sự cố xảy ra…”-bác sĩ Điển khuyến cáo.
Như Nguyện