Đột nhiên vỡ nợ(?)
Nhiều năm qua, doanh nghiệp Dung Bạch chuyên thu mua hàng nông sản (mì khô, hạt dưa, điều…) và huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để kinh doanh, chủ yếu là các hộ nông dân các xã Đak Bằng, Ia Mláh, Chư R’Căm, Chư Gu…, huyện Krông Pa. Các hộ nông dân hay tiểu thương nhỏ khi bán hàng nông sản cho bà Dung thường được bà trả tiền sòng phẳng cả vốn lẫn lãi khi người bán cắt giá.
Qua vài năm thu mua nông sản cũng như việc huy động vốn khá dễ dãi bề ngoài như việc chỉ cần giấy viết tay… với tinh thần “trọng chữ tín”, bà Dung nhanh chóng tạo được niềm tin của bạn hàng cũng như hàng chục hộ nông dân. Khi uy tín doanh nghiệp Dung Bạch ngày càng lớn nên ngoài hoạt động thu mua hàng nông sản, bà Dung còn đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác như: Vận chuyển hành khách trên tuyến đường huyện Krông Pa- TP. Pleiku (Gia Lai)- TP.Tuy Hòa (Phú Yên); thành lập các nhóm, chân hụi hè; cho vay vốn và huy động vốn để đầu tư hàng nông sản với lời hứa trả lãi suất cao hơn so với ngân hàng…
Xe khách- một trong những tài sản mang “thương hiệu” doanh nghiệp Dung Bạch ở khắp nơi nhưng không thuộc sở hữu của vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Dung, ông Nguyễn Thái Bạch. Ảnh: Thanh Luận |
Vụ vỡ nợ của doanh nghiệp Dung Bạch khiến hàng chục chủ nợ nhỏ- những người chuyên mua bán hàng nông sản vốn gắn bó làm ăn với vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Dung, ông Nguyễn Thái Bạch nhiều năm qua bàng hoàng trong cảnh trắng tay cũng như đối mặt với tình trạng truy nợ của các hộ nông dân thị trấn Phú Túc, xã Ia Mláh, Đak Bằng, Phú Cần, Chư Gu, Chư R’Căm...
Những chủ nợ “bất đắc dĩ”…
Doanh nghiệp Dung Bạch đột ngột vỡ nợ là một điều rất lạ lùng. Lạ lùng thứ nhất ở thời điểm doanh nghiệp này vỡ nợ là ngay sau khi thu gom hàng tỷ đồng của bạn hàng, người thấp thì vài trăm triệu, người nhiều cũng gần 2 tỷ đồng với mục đích mua hàng nông sản nhưng… chưa mua. Điều lạ lùng thứ hai là khi tuyên bố “vỡ nợ”, một nguồn tài sản rất lớn của doanh nghiệp Dung Bạch luôn hiện hữu trước mắt bao nhiêu người bỗng dưng… “biến mất” hay nói đúng hơn là được “thay tên đổi họ”, chuyển chủ sở hữu như đã được chuẩn bị “vỡ nợ” từ trước.
Đơn cử như ngày 23-4-2011, bà Dung làm giấy tờ chuyển sở hữu xe ô-tô vận chuyển hành khách cho người khác, thậm chí những người thân trong gia đình bà như người em tên Khánh, thị trấn Phú Túc- xưa nay không làm việc ổn định bỗng dưng trở nên giàu có, vung tiền ra thu mua bất động sản… Việc người thân của bà Trần Thị Ngọc Dung bỗng tự nhiên giàu lên trước khi doanh nghiệp Dung Bạch tuyên bố vỡ nợ làm cho người dân không khỏi nghi vấn.
Bức xúc trước vụ vỡ nợ khá lạ lùng của doanh nghiệp Dung Bạch, nhiều tiểu thương cung ứng mặt hàng nông sản cho doanh nghiệp này chỉ còn biết gửi đơn thư khiếu kiện đến UBND, Công an huyện Krông Pa nhờ can thiệp nhưng tất cả đều phải dắt nhau ra tòa, khởi kiện bà Trần Thị Ngọc Dung về tranh chấp hợp đồng thu mua nông sản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay, TAND huyện Krông Pa đã xét xử 10 vụ án dân sự, thương mại liên quan đến vụ vỡ nợ của doanh nghiệp Dung Bạch, trong đó bà Trần Thị Ngọc Dung là bị đơn. Kết quả xét xử hàng chục vụ án dân sự này đều buộc vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Dung, ông Nguyễn Thái Bạch phải có trách nhiệm trả nợ cho các nguyên đơn là Phạm Thị Hương 150 triệu đồng; Phạm Thị Hường gần 608 triệu đồng; Hồ Thị Lan Thanh 260 triệu đồng; Nguyễn Thị Út 410 triệu đồng; Phạm Thị Mơ 660 triệu đồng; Đào Thị Thơ 220 triệu đồng và nhiều nhất là bà Lê Thị Thu 1,95 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dường như đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho tình huống “vỡ nợ” của mình, bà Trần Thị Ngọc Dung, chủ doanh nghiệp Dung Bạch vẫn điềm nhiên với điệp khúc “không còn tiền để trả nợ” nên… vẫn ung dung trước khoản nợ hơn 5,5 tỷ đồng được bà dùng uy tín của mình huy động trước đó bỗng dưng… “biến mất” khó hiểu!?
Lẽ nào “thắng” cũng như “thua”?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi thông tin doanh nghiệp Dung Bạch vỡ nợ đến được tai người dân thị trấn Phú Túc và các xã lân cận, bà Trần Thị Ngọc Dung, chủ doanh nghiệp vẫn không chứng minh được nguồn tài sản khoảng chục tỷ đồng của doanh nghiệp này bỗng dưng “không cánh mà bay”. Nên những chủ nợ như đã nói ở trên sau khi được TAND huyện Krông Pa xử thắng kiện vẫn loay hoay không biết đến bao giờ mới lấy được tiền từ vợ chồng Dung-Bạch.
Được biết, tài sản được xem là có giá trị nhất còn lại của doanh nghiệp Dung Bạch là căn nhà số 100 Hùng Vương, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Nhưng căn nhà này được bà Trần Thị Ngọc Dung thế chấp Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa để vay 400 triệu đồng và đã được kê biên vào ngày 22-11 vừa qua nhằm trả vốn và lãi cho ngân hàng cũng như án phí cả 10 vụ án dân sự được TAND huyện Krông Pa thụ lý xét xử.
Như vậy, có thể khẳng định, những nguyên đơn- chủ nợ trong vụ vỡ nợ của doanh nghiệp Dung Bạch dù có thắng kiện thì cũng như “thua” bà Trần Thị Ngọc Dung khi họ phải đối mặt với hệ luỵ nhãn tiền là tán gia bại sản, nợ nần chồng chất cũng như chấp nhận bị truy nợ, đòi tiền của hàng chục chủ nợ nhỏ hơn đã bán nông sản hay cho họ vay.
Thiết nghĩ, vụ đột ngột vỡ nợ của doanh nghiệp Dung Bạch rõ ràng có dấu hiệu bất thường. Nói như lời của bà Lê Thị Thu, một trong các chủ nợ của bà Trần Thị Ngọc Dung với khoản nợ gần 2 tỷ đồng nghe rất chua chát: “Tiền bà Dung vay của chúng tôi không phải tự nhiên mất đi mà chỉ có thể chuyển từ túi người này sang túi người khác mà thôi!”.