Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 3.561 cán bộ y tế, trong đó có 530 bác sĩ, 145 dược sĩ, 853 điều dưỡng. Tỷ lệ bác sĩ đang công tác tại tuyến xã đạt 60%.
Theo đánh giá của Sở Y tế, trong thời gian qua nhìn chung các cơ sở điều trị trong toàn tỉnh đều đảm bảo duy trì tốt việc cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân, đồng thời đã nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. 100% cơ sở điều trị đã đảm bảo cung ứng đủ thuốc chủ yếu, vật tư phục vụ công tác điều trị.
Riêng trong năm 2010, công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh là 106,8%, trong đó Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh (111%), BVĐK khu vực Ayun Pa (116,7%), BVĐK khu vực An Khê (107,7%), Trung tâm Y tế TP. Pleiku (168,2%)…
Khám-chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa. Ảnh: Thái Bình |
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn mà các cơ sở điều trị đang gặp phải, trong đó có những vấn đề từ lâu đã được coi là “chứng bệnh kinh niên” như cơ cấu giường bệnh thiếu, số giường thực kê luôn cao hơn giường kế hoạch (năm 2010, tính chung trong toàn tỉnh con số này là 457 giường, trong đó tuyến huyện kê vượt 213 giường), nguồn nhân lực thiếu với 9/17 bệnh viện và TTYT không đủ số cán bộ, viên chức theo quy định.
Bởi vậy, đa số cơ sở điều trị tuyến huyện chưa thực hiện đầy đủ các danh mục kỹ thuật theo tuyến bệnh viện, đặc biệt là các chuyên khoa lẻ; một số huyện vẫn chưa triển khai tốt công tác phẫu thuật cấp cứu ngoại-sản để giải quyết các trường hợp cấp cứu thông thường; một số TTYT chưa chú trọng đến công tác khám-chữa bệnh ngoại trú…
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn mà đơn vị mình đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc TTYT huyện Đak Đoa cho biết: “Đội ngũ cán bộ y tế ở Đak Đoa còn thiếu, đặc biệt là tuyến xã. Hiện mới có 9/17 trạm y tế xã có bác sĩ, một số trạm xây dựng quá lâu nay đã xuống cấp mà chưa có kinh phí để sửa chữa, trang-thiết bị y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ cơ số thuốc, do đó công tác khám-chữa bệnh ban đầu còn gặp nhiều khó khăn. Tại tuyến huyện, việc khám-chữa bệnh luôn quá tải. Bệnh viện huyện dù đã được đầu tư xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhưng lại chậm tiến độ, đến thời điểm này vẫn chưa bàn giao cho Trung tâm nên việc khám-chữa bệnh cho người dân lại càng gặp nhiều trở ngại hơn…”.
Còn tại TTYT TP. Pleiku, những tồn tại được bác sĩ Nguyễn Tự Tín-Giám đốc Trung tâm nêu ra cũng không nằm ngoài chữ “thiếu và quá tải”. “Riêng với Bệnh viện Đa khoa thành phố thì trong 3 năm vừa qua, công suất sử dụng giường bệnh luôn luôn tăng vượt mức kế hoạch, có năm tới 182%. Tình trạng này diễn ra thường xuyên dẫn tới việc thiếu nhân lực, theo đó đội ngũ y-bác sĩ luôn phải làm việc quá tải.
Trên thực tế, để giảm cường độ làm việc cho y-bác sĩ trong bệnh viện, chúng tôi đành phải sử dụng đội ngũ những nữ hộ sinh tình nguyện làm việc mà không hưởng lương, hiện Khoa Sản có 7 nữ hộ sinh như vậy. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng tôi đã có đề án nâng quy mô giường bệnh của bệnh viện từ 70 giường như hiện tại lên 120 giường với biên chế khoảng 142 công chức, viên chức; cùng với việc mở thêm một số khoa còn thiếu như: Khoa Dược, Khoa Dinh dưỡng, Khoa Hồi sức Cấp cứu-Chống độc... Đề án đã được trình lên Sở Y tế và UBND thành phố”.
Bác sĩ Tín còn cho biết thêm: Khi đề án nhận được sự đồng thuận thì BVĐK thành phố sẽ ngày một đáp ứng tốt nhu cầu khám-chữa bệnh của nhân dân TP. Pleiku và người dân các vùng lân cận đồng thời sẽ góp phần giảm tải cho BVĐK tỉnh…”.
Thái Bình