(GLO)- Những năm đầu giải phóng đất nước khó khăn, cuộc sống của người dân cũng thiếu thốn đủ bề, nhất là những cư dân mới. Đó là công nhân các công-nông-lâm trường, các vùng kinh tế mới. Địa bàn đứng chân của họ chủ yếu là vùng sâu, vùng xa; giao thông cách trở, sốt rét hoành hành, FULRO quấy phá… Điều này cũng đồng nghĩa với sự đói khát đời sống tinh thần. Trong bối cảnh mà tờ báo in cũng là của hiếm, ti vi hãy còn là mơ tưởng xa vời thì ước muốn thật bình thường là có tấm ảnh để tặng người yêu, bạn bè cũng trở thành một niềm vui tinh thần không nhỏ. Nói theo ngôn ngữ cơ chế thị trường bây giờ “có cầu ắt có cung”-vậy là đội quân chụp ảnh dạo ra đời…
Một phó nháy ảnh dạo đang “tác nghiệp”. Ảnh: HUY TỊNH |
Nói “đội quân” nghe có vẻ đông đúc, thực tế cả Pleiku bấy giờ chỉ có chừng hai chục tay máy với đủ chủng loại: nào Yashica, Canon, Minolta của Nhật, Praktica của Đông Đức, Zenit của Liên Xô… Cổ kim từ đầu bằng, đầu gù, ngắm trên xuống, một tốc độ… thôi thì đủ thứ “tả pí lù”… “Hạch toán kinh tế” cho thấy: Mỗi cuốn phim (bấy giờ chỉ có phim đen trắng) nếu không bị trục trặc thì chỉ 30 tấm thôi cũng giúp thu về 150 đồng. Trừ chi phí tiền mua phim, tráng ảnh còn lãi được 70 đồng, hơn cả tháng lương của một cử nhân đại học mới ra trường lúc ấy. Thế nên không có gì là bất ngờ khi trong “đội quân ảnh dạo” này có không ít tay máy là cán bộ ngành Văn hóa, dân làm báo. Họ xem đó là cách “cải thiện đời sống” khá hữu hiệu, lại phù hợp với mình trong bối cảnh mà muốn kiếm thêm thu nhập thì chỉ có cách… nuôi heo!
Nghề chụp ảnh dạo bấy giờ có thể kiếm ăn quanh năm nhưng “trúng” nhất vẫn là dịp Tết. Và đó cũng là thời điểm phân chia “đẳng cấp”. Những tay máy “đẳng cấp cao” thì bám trụ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum (lúc ấy thường gọi là Nhà Lưu niệm Bác). Bấy giờ, cả Pleiku duy nhất địa điểm này có cảnh quan đẹp để chụp và tất nhiên là phải trả tiền thuê. Nhóm “đẳng cấp thấp” thấy khó cạnh tranh thì xuống các nông-lâm trường… 3 ngày Tết chẳng thể đi đâu, họp nhau uống rượu thì đã là chuyện thường ngày, vậy là chụp ảnh bỗng trở thành một thú vui với mọi nhà… Ai hoàn cảnh tươm tất một tí thì mọi người sắp hàng trước bàn thờ bày biện bánh trái “làm vài kiểu” để gửi về quê. Đặc biệt nhà nào năm rồi sắm được vật gì có giá-có thể là cái xe đạp mới, cái radio cassette cũ thì nhất nhất phải chụp vào để… khoe với “các cụ” ở nhà… Cánh thanh niên thì đòi hỏi phải “hiện đại” hơn, vì vậy phó nháy nào có cái xe máy (có cóc cáy, cùi ghẻ tí cũng được) thì quả là dịp “hốt tiền”… Cứ chống chân giữa lên rồi lần lượt các nam thanh nữ tú ngồi lên. Người kính đen, mũ phớt nhìn qua thấy vẻ bặm trợn; người buông xõa tóc toe toét cười… Muốn “sang” hơn chút thì mượn cái… vỏ máy ảnh của phó nháy mà khoác vào… Tiếng cười râm ran cứ thế lan hết nhà này qua nhà khác. Chỉ tội cho phó nháy ta toát mồ hôi chạy từ đầu làng đến cuối xóm, ngày Tết mà phải nhịn đói từ sáng tới chiều…
Nhưng mà sự ấy có thấm gì so với công đoạn đi trả ảnh. Công bằng mà nói, cũng là nghề bán dạo kiếm tiền nhưng các phó nháy nhìn chung vẫn được tôn trọng. Có lẽ người ta nghĩ cái máy ảnh ấy là một tài sản đáng nể, cũng lại là nghề không phải ai cũng có thể làm… Nhưng nể là một chuyện, tiền bạc lại là chuyện khác. Cả nguồn thu nhập ít ỏi tiêu cho cái Tết cả rồi. Chờ lương thì chưa biết đến bao giờ… Vậy là bắt đầu xảy ra chuyện kỳ nèo. Đầu tiên là tìm cớ để… bớt tiền. “Cái mặt tôi không đến nỗi, sao chú chụp lại “ngáo” thế này!”. “Nhà tôi một người bị nhắm mắt rồi, chú phải bớt”. Không có gì chê được thì khất: “Lần sau chú xuống, nhất định tôi sẽ trả sòng phẳng”. Nhưng lần sau rồi lần sau, lại lần sau nữa… Cũng có người thật thà một cách hồn nhiên: “Hay để tôi thế cho chú mấy cân… mì khô trừ nợ vậy”.
Kể chuyện vui thời ảnh dạo không thể không nói tới bà con dân tộc thiểu số. Với họ, thú vui chụp ảnh có khi còn hơn cả người Kinh. Ngặt nỗi thời đó đồng bào cũng rất khổ, rất ít nhà có sẵn tiền. Nhưng điều đó không hề gì. Hễ gặp tay máy dạo xuống làng “gạ” là bà con sẵn lòng đổi gà, đổi gạo để được “phim rúp”. Cũng vì vậy mà thời đó có gã thợ ảnh láu cá đã lợi dụng để lừa đồng bào. Gã thường dụ bà con vào chụp chung. Mỗi tấm ảnh bấy giờ giá 5 đồng, nhưng có bao nhiêu người chụp là gã cứ nhân lên bấy nhiêu để tính tiền với lý do: Chụp nhiều người khó hơn, cái máy cũng phải làm việc nhiều hơn chụp một người!
Chẳng riêng ảnh dạo, thời đói khổ cái gì cũng có thể nên chuyện bi hài; chứ cứ phẳng lặng như cuộc sống bây giờ thì có gì đáng để kể lại?
Ngọc Tấn