Gia Lai: Khai thác trái phép rừng đầu nguồn hồ chứa Ia Mláh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một buổi chiều cuối tháng 8-2011, theo chân một cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, chúng tôi có mặt tại khu vực đê kè của hồ thủy lợi Ia Mláh, xã Ia Mláh, huyện Krông Pa. Dưới ánh nắng chiều, vùng “chảo lửa” này càng thêm ngột ngạt. Tuy nhiên không khí ngột ngạt ấy cũng không thể “nóng” hơn cảnh hàng trăm “lâm tặc” đang ngang nhiên dùng cưa máy để xẻ từng khối gỗ thành phẩm ngay tại chân đập hồ chứa và ùn ùn vận chuyển gỗ đi qua trước cổng UBND xã.

Phía bên trong đập, hàng chục con buôn đang trao đổi, buôn bán gỗ trắc. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi kg gỗ trắc tại đây có giá 10.000 đồng. Trò chuyện với chúng tôi, một người đàn ông tên Hải cho biết: Quê anh ta ở Hải Hậu-Nam Định. Nhiều năm nay, vào lúc rảnh, Hải kéo theo hàng chục người quen biết vào rừng đốn gỗ, đốt than đem bán. Nhưng than củi ngày một rẻ mạt, lại phải tốn thời gian nên anh ta sắm một bộ cưa máy để vào rừng chặt cây lớn bán. Theo Hải, đã mang tiếng là “lâm tặc” thì chặt một cây hay chặt cả rừng cũng đều là “lâm tặc”. Giờ gỗ lớn còn rất ít, phải vào thật sâu mới có thể đốn được. Bây giờ, Hải chuyển sang đi “mót” gỗ trắc. Mỗi ngày kiếm được 30 đến 50 kg, bán cũng được vài trăm ngàn đồng.

Việc mua bán gỗ trắc diễn ra một cách công khai. Ảnh: D.P
Việc mua bán gỗ trắc diễn ra một cách công khai. Ảnh: D.P
Không chỉ có Hải, “lâm tặc” từ các nơi kéo về rừng đầu nguồn hồ thủy lợi Ia Mláh ngày một đông, nhất là từ khi con đường được bê tông hóa vào tận khu vực lòng hồ. Người dân địa phương thấy vậy cũng thi nhau mua xe máy cũ để độ chế thành xe chở gỗ. Các cửa hàng bán máy cưa, thiết bị chuyên phá rừng cũng xuất hiện ngày càng nhiều.


Ông Phạm Mạnh Nhân- Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Ia Mláh (Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai) cho biết: “Cứ sáng ra thì hàng trăm người ùn ùn đi xe máy, nẹt pô ầm ầm kéo vào, hạ thuyền rồi vượt hồ lên núi phá rừng. Chiều đến, họ lại ầm ầm chở gỗ, bán gỗ. Mặc dù trụ sở UBND xã nằm ngay yết hầu con đường ra vào nhưng gỗ vẫn vô tư “chảy” qua. Thỉnh thoảng họ mới bắt một vụ. Cứ tình trạng này tôi sợ lòng hồ chưa kịp sử dụng đã sớm bị cạn kiệt?”.

Theo chỉ dẫn của cánh “lâm tặc”, chúng tôi vào buôn Oi Đak và quan sát cách trữ gỗ của người dân nơi đây cũng khá “công khai, minh bạch”. Đa phần chỉ dùng mấy tấm ván, tôn hoặc bạt che đậy sơ sài, có người chất gỗ ngay trước sân ngày này qua tháng nọ nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý. Một người bảo: “Lâm tặc thì quá đông mà kiểm lâm địa bàn thì chỉ có một nên không làm gì được đâu!”.

Rừng đầu nguồn hồ chứa Ia Mláh không chỉ điều hòa không khí cho dân cư huyện Krông Pa mà còn giữ mạch nước ngầm cho hồ để điều hòa tưới tiêu cho hơn  5.100 ha cây trồng và cấp nước sinh hoạt cho hơn 36.000 dân, trong đó hơn 70% là người dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc 5 xã: Ia Mláh, Đất Bằng, Chư Gu, Chư Ngọc, Phú Cần và thị trấn Phú Túc. Nếu tình trạng khai thác gỗ bừa bãi này tiếp tục diễn ra mà cơ quan chức năng địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn triệt để thì những cánh rừng ở đây sẽ chỉ còn lại trong chuyện cổ tích. Dĩ nhiên công trình hồ chứa được Nhà nước đầu tư hơn 750 tỷ đồng sẽ bị cạn kiệt nước là điều khó tránh khỏi.
Phạm Duy- Công Bắc

Có thể bạn quan tâm