(GLO)- Đó là đánh giá của ông Lê Hồng Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường về thực trạng “móc túi” khách hàng, trục lợi bất chính của một số cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Quản lý Thị trường, toàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu dưới hình thức tổng đại lý. Cùng với đó là 6 trạm cấp phát của quân đội, 66 cửa hàng và 220 đại lý bán lẻ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu với tổng cộng 928 vòi cấp phát được kiểm định. Thị trường lưu thông xăng dầu có 3 nguồn chính là Petrolimex, Pvoil, Mipecorp với các loại hàng hóa chủ yếu: dầu Diezel 0,25%S, 0,05%S; xăng Ron 92, 95 và dầu hỏa.
Các cơ sở kinh doanh thực hiện gian lận với chiêu thức ngày càng tinh vi. Ảnh: Hồng Thi |
Ông Hà cho hay, thời gian qua, Chi cục Quản lý Thị trường đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, tăng cường công tác thanh-kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý và chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi bất chính. Đoàn cũng đã tập trung kiểm tra sàng lọc, không dàn trải, đồng thời thực hiện trinh sát thường xuyên, đảm bảo công tác kiểm tra bí mật, bất ngờ để đạt hiệu quả cao nhất.
Tính đến hết tháng 9-2014, đoàn đã tiến hành kiểm tra 42 cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, trong đó, có 11 vụ vi phạm với các hành vi chủ yếu như: không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực; sử dụng phương tiện đo có tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực; sử dụng phương tiện đo bị sai, sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép…
Đặc biệt, qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 4 cơ sở đã có hành vi vi phạm làm thay đổi tình trạng kỹ thuật, đặc tính đo lường trên 7 cột đo nhiên liệu điện tử nhằm làm sai lệch kết quả đo thông qua việc lập trình can thiệp vào thiết bị điện tử của phương tiện đo và hoạt động gian lận bằng cách đóng, ngắt nguồn điện cung cấp cho cột đo để xóa sai số (sai lệch kết quả đo đến +5,5%). Đó là: Đại lý bán lẻ xăng dầu-Công ty TNHH Bắc Biển Hồ (919 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku); Cửa hàng bán lẻ xăng dầu-Doanh nghiệp tư nhân Hiền Hòa (298 Hùng Vương, huyện Chư Sê); Cửa hàng bán lẻ xăng dầu-Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải Gia Lai (42 Lê Duẩn, TP. Pleiku) và trong đợt kiểm tra gần nhất vào ngày 12-9 là Đại lý bán lẻ xăng dầu-Doanh nghiệp tư nhân Văn Cường (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro). Đáng nói hơn, cách thời điểm kiểm tra đúng 9 tháng (11-12-2013), cửa hàng Văn Cường cũng đã phải chịu mức phạt 138 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự, song vẫn tiếp tục ngoan cố tái phạm.
Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lập biên bản, tịch thu tang vật… tại cơ sở vi phạm. Ảnh: Hồng Thi |
Tại thời điểm phát hiện hành vi gian lận, đoàn kiểm tra đã kịp thời niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và phối hợp với cơ quan công an để điều tra làm rõ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đến nay hơn 734 triệu đồng, trong đó, tiền xử phạt hành chính là 511 triệu đồng, tiền truy thu là hơn 196 triệu đồng và tiền bán hàng hóa tịch thu là gần 27 triệu đồng.
Nhận định về thực trạng gian lận xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng như khó khăn trong việc quản lý của ngành chức năng, ông Hà chia sẻ: “Mặc dù chưa hết năm song có thể khẳng định tình hình vi phạm đã giảm nhiều (năm 2013, kiểm tra 76 cơ sở, vi phạm 25 cơ sở-N.V). Các cơ sở đã phần nào nâng cao ý thức và biết sợ vì mức phạt tương đối cao. Tuy nhiên, thủ đoạn gian lận thì lại ngày càng tinh vi hơn, sử dụng công nghệ cao với chip điện tử rất bé để can thiệp, tạo sai lệch kết quả đo lường, làm khó cơ quan chức năng. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải liên tục cập nhật và nghiên cứu kỹ càng, chi tiết về các thiết bị gian lận. Hơn nữa, các cơ sở đều biết cách làm thế nào để qua mắt và đối phó với các cơ quan chức năng. Do đó, muốn biết họ sai phạm phải tăng cường trinh sát và phối hợp tin báo từ người dân”.
Hồng Thi