Nghịch lý “tăng cao, giảm ít”
(GLO)- Không thua gì xăng, với mức tăng kỷ lục này giá gas đang gây biến động thị trường. Sự việc không chỉ khiến nhiều người dân lo lắng mà ngay cả giới kinh doanh, các đại lý gas cũng “nhức đầu”.
Theo ông Nguyễn Sỹ Tiến- Cửa hàng trưởng Cửa hàng gas và dầu mỡ nhờn của Petrolimex cho biết: “Giá gas liên tục biến động gây khó khăn cho việc kinh doanh. Nhiều khách hàng mỗi khi gọi gas đều hỏi giá và liên tục thắc mắc, trong khi nghịch lý: “Tăng cao, giảm ít” luôn là vấn đề khó giải thích”. Cụ thể, lần điều chỉnh giá gas của Petrolimex ngày 13-2 chỉ giảm xuống 5.000 đồng/bình 12 kg nhưng lần điều chỉnh ngày 1-3 lại tăng 56.000 đồng/bình gas 12 kg và nếu tính từ ngày 1-1-2012 đến nay thì gas Petrolimex đã tăng trên 100.000 đồng/bình.
Ảnh: Lê Lan |
Với Đại lý gas Hải Lưu (TP. Pleiku) chuyên kinh doanh gas Petronas thì lượng khách hàng đã giảm rõ rệt, đặc biệt là tuyến huyện giảm khoảng 50%. Bình quân một điểm bỏ gas của đại lý thường lấy là 20 bình thì ngày 1-3 chỉ gọi có 10 bình. Bà Võ Thị Lưu- Chủ đại lý cho biết: “Gas tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của cửa hàng. Về tâm lý, thực sự chẳng ai muốn tăng giá. Thế nhưng, giá gas tăng từ đầu nguồn nên đại lý buộc phải bán tăng theo. Trữ hàng rất khó vì gas là một loại hàng đặc biệt, muốn trữ phải mua thêm bình và phải có kho bãi. Hiện giá một vỏ bình đựng gas 12 kg là trên 200.000 đồng, vì vậy, không phải đại lý nào cũng dám đầu tư trữ hàng”. Còn với ông Nguyễn Sỹ Tiến, thì: “Theo quy định về đảm bảo an toàn cháy nổ, cửa hàng chỉ được phép chứa dưới 500 kg gas nên số lượng tồn kho của mỗi cửa hàng chỉ nằm ở con số vài chục bình”.
Người dân khốn đốn
Sau Tết, người tiêu dùng liên tục chịu sức ép tăng giá “vô lý” của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thì nay lại thêm “gánh nặng” bởi giá gas-mặt hàng gần như không thể thiếu trong bếp ăn mỗi nhà, nhất là khu vực thành thị-nơi chưa có loại hàng hóa nào hữu hiệu hơn để thay thế. “Chỉ trong ngày 1-3, đại lý đã có sự cố: Khách gọi gas vì không biết giá nên khi nhân viên mang gas tới thì không đủ tiền trả. Để giữ khách cũng như khỏi phải chở gas quay ngược về, đại lý đã phải đồng ý”- bà Lưu cho hay.
Tại một số quán cơm, nhà hàng giá gas tăng đã tác động khá lớn, nhiều quán ăn đang sử dụng gas để nấu đã tính thêm phương án tăng cường bếp than hoặc tăng giá phần ăn. Tuy nhiên, tăng giá phần ăn là điều không dễ, nhất là những bếp ăn tập thể, các nhà khách của Nhà nước. Một nhân viên Nhà khách 20 Lê Hồng Phong (TP. Pleiku) cho hay: Theo quy định suất cơm bình thường chỉ từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng; đối với tiệc chiêu đãi, hội nghị là 100.000-150.000 đồng nên không thể tăng giá cao hơn. Tình hình này rất khó cho nhà bếp cũng như đơn vị đặt món”. Bên cạnh đó, một bộ phận chịu tác động không nhỏ từ việc gas tăng giá là đối tượng sinh viên, người lao động xa nhà phải tự nấu ăn hay ăn cơm bụi. Họ đang phải đối mặt trước bài toán nan giải về chi tiêu.
Lê Lan
Tại thị trường Gia Lai, giá bán một bình gas 12 kg của Petrolimex là 485.000 đồng (tăng 56.000 đồng/bình); VT gas và Petronas và Saigon gas (bình màu xanh) đồng giá 480.000 đồng (tăng 60.000-62.000 đồng), gas Đặng Phước 470.000 đồng (tăng 60.000 đồng); Efl gas (bình màu đỏ) có giá 530.000 đồng… |