Co hẹp tín dụng phi sản xuất, tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh là mục tiêu nhiều ngân hàng phải đạt được trong năm nay. 3 tháng đầu năm 2011, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt thấp, khả năng giảm tăng trưởng dưới 20% có thể thực hiện.
Thu hẹp tín dụng phi sản xuất
Qua hơn 1 tháng triển khai Đề án số 104/NHNN-GLA2 ngày 1-3-2011 của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2011, việc điều hành của ngành đã có nhiều tích cực, từng bước kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất theo mục tiêu kiềm chế lạm phát. Cụ thể, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ trọng này tối đa là 22% so tổng dư nợ đến hết quý II và giảm dần về mức dưới 16% cho đến hết năm.
Nhiều ngân hàng phải xây dựng lại kế hoạch cho vay, thu hồi nợ, thắt chặt các món vay kinh doanh bất động sản, cho vay mua nhà, xây và sửa chữa nhà, đầu tư chứng khoán… Hiện tỷ lệ này không nhỏ trong tổng dư nợ của một số ngân hàng trên địa bàn.
Bà Võ Thị Nhược Thủy-Giám đốc Sacombank Gia Lai cho biết: “Chi nhánh đang tính toán, cơ cấu lại tỷ trọng tín dụng. Theo đó, sẽ nâng tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn trong quý II-2011 lên thêm 10% và đạt trên 25% vào cuối năm nay, tập trung vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực phi sản xuất”.
Với các Chi nhánh mới việc tăng trưởng tín dụng thường được Hội sở giao khá cao. Vì thế, hạn chế tăng trưởng theo mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu lợi nhuận, khi mà nguồn thu từ hoạt động này chiếm phần lớn trong tổng thu nhập của hầu hết ngân hàng.
Theo ông Hoàng Văn Ánh-Phó Giám đốc Vietinbank Gia Lai: Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng chậm, hiện dư nợ của Chi nhánh đạt 2.300 tỷ đồng (tăng 0,2%). Ngân hàng tập trung mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn, đồng tài trợ các dự án thủy điện, dự án trồng cao su, khu đô thị, làm đường theo hình thức BOT, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm dần tỷ trọng tín dụng phi sản xuất.
Ông Ánh cho biết thêm, nhiều năm nay tỷ trọng cho vay tiêu dùng của Vietinbank chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng dư nợ, mức này tương đối thấp, nên việc cơ cấu lại dư nợ không ảnh hưởng nhiều, bởi từ đầu Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch rất kỹ. Ngoài duy trì tăng trưởng vốn cho nông nghiệp, nông thôn, Chi nhánh tiếp tục đầu tư vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay thu mua hàng xuất khẩu, xuất khẩu trực tiếp…
Dè dặt vốn vay
Nhiều ngân hàng ngay từ đầu năm đã đặt mục tiêu tăng trưởng rất mạnh nhưng nay buộc phải thắt chặt tín dụng nên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Mặt khác, một số nhóm khách hàng sẽ gặp khó khăn vì thiếu vốn. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng chậm. Quý I-2011, doanh số cho vay 5.241 tỷ đồng, giảm và chỉ bằng 81% so cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ đạt 24.200 tỷ đồng, tăng 19,8% so cùng kỳ năm trước.
Ngành Ngân hàng Gia Lai phấn đấu đến cuối quý II dư nợ cho vay đạt 26.320 tỷ đồng; trong đó cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 7.500 tỷ đồng (chiếm 28,5%/tổng dư nợ), cho vay lĩnh vực phi sản xuất 3.500 tỷ đồng (chiếm 13,3%), vay lĩnh vực xuất khẩu 1.200 tỷ đồng (chiếm 4,6%).
|
Theo lý giải của nhiều ngân hàng, với lãi suất cao như hiện nay khách hàng rất dè dặt tiếp cận vốn vay. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay rất cao, từ 16 đến 21,6%/năm, khiến nhu cầu về vốn bị hạn chế rõ rệt. Các ngân hàng lại sàng lọc rất kỹ khách hàng vay vốn, ưu tiên chuyển dịch vốn theo những ngành chủ chốt, cung ứng vốn có trọng tâm, trọng điểm, bám sát danh mục lĩnh vực dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Nguồn tín dụng ngoại tệ cũng đang bị siết chặt hơn khi Thông tư số 07 quy định về hoạt động này sắp có hiệu lực. Để được vay ngoại tệ, khách hàng phải đảm bảo có nguồn vốn đối ứng để trả nợ.
Việc nâng một số lãi suất chủ chốt từ ngày 1-4 như lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại tăng từ 12% lên 13%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và lãi suất cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng khác được nâng thêm 1% lên 13%/năm là tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ.