(GLO)- Làm những việc dân cần, tập trung giải quyết những vấn đề nhân dân bức xúc, quan tâm xây dựng các tổ chức đoàn thể, chú trọng công tác tập hợp đoàn viên, hội viên đó là những kết quả đã đạt được trong công tác dân vận trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Những việc làm hướng về cơ sở
Thời gian qua, công tác dân vận ở Gia Lai được triển khai có hiệu quả, các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận được cấp ủy các cấp triển khai tổ chức thực hiện sâu rộng và đi vào đời sống xã hội.
Lữ đoàn 273 giúp dân làm kinh tế. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đến giờ, ông Rơ Mah B’Lêm, làng Ring 1, xã Hbông, huyện Chư Sê vẫn còn nhớ như in hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ oằn mình trong cái nắng như thiêu, như đốt để vận chuyển nước tưới, nước sinh hoạt phục vụ bà con trong thôn. Ông tâm sự: “Nắng hạn vừa qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã về giúp bà con làng mình đào giếng, vận chuyển nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng. Nếu không có những việc làm ấy, chắc làng mình sẽ cực khổ hơn trong cơn đại hạn.
Đợt hạn hán lịch sử ấy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và hàng chục xe bồn có khối lượng từ 8 đến 10 m3 của các đơn vị để cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho nhân dân xã Hbông, huyện Chư Sê.
Thời gian qua, công tác dân vận đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia, mỗi tổ chức đoàn thể có một phong trào, việc làm cụ thể để giúp đỡ đoàn viên, hội viên của mình. Hội Phụ nữ các cấp có phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội đã vận động quỹ để giúp gia đình hội viên khó khăn không tính lãi hoặc lãi suất thấp, tham gia 1.542 ngày công lao động giúp đỡ hội viên nghèo. Mặt trận các cấp có phong trào “Ngày vì người nghèo” tập trung hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho hộ nghèo với số tiền trên 458 triệu đồng; khám-chữa bệnh cho 253 người nghèo với số tiền trên 274 triệu đồng...
Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác dân vận còn được thể hiện qua việc nhân dân giám sát các hoạt động của chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 134/222 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, 2.156 tổ hòa giải ở thôn, làng, tổ dân phố. Cùng với đó, công tác dân vận của các cấp chính quyền, các sở, ngành, lực lượng vũ trang có nhiều chuyển biến; thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở trong công tác tiếp dân và giải quyết tốt các ý kiến, kiến nghị, đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, tăng cường tổ chức đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, qua đó hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp.
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động, trong đó tập trung hướng về cơ sở, phát huy vai trò tập hợp mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình, các phong trào thi đua như: “Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi”, phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Ông Võ Thanh Hùng-Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết ông: Trọng tâm của công tác dân vận trong thời gian tới là phối hợp với cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những bức xúc trong nhân dân và những vấn đề “nóng” phát sinh trên địa bàn đó là vấn đề đất đai, người vượt biên, an ninh trật tự, tôn giáo và làm tốt công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
Từ tháng 10-1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng tháng 8-1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên báo Sự Thật số ra ngày 15-10-1949. Chính vì vậy, vào tháng 10-1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15-10 hàng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận của cả nước”. |
Bên cạnh đó, công tác dân vận phải đi đôi với xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải làm dân vận để nhân dân noi theo. Tập trung xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền, giải quyết những vấn đề nổi cộm trong nhân dân, chủ động nắm chắc tình hình ở cơ sở với phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có tinh thần trách nhiệm với dân”. Cùng với đó, công tác dân vận phải gắn với nhiệm vụ cụ thể từng cơ quan, đơn vị, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới.
Có thể nói công tác dân vận trong thời gian qua đã góp phần tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, quy chế dân chủ ở cơ sở, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Hoàng