Gia Lai: Dấu ấn 39 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 39 năm giải phóng, Gia Lai đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong cả nước và cả khu vực. Minh chứng là thời gian qua, giai đoạn được coi là vô cùng khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế, song Gia Lai đã nỗ lực vượt bậc để đạt được những kết quả đáng lạc quan về kinh tế-xã hội. Trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ vị trí 51 của năm 2011, Gia Lai đã bứt phá ngoạn mục lên vị trí 32 ở năm 2012, và tiến thêm 1 bậc nữa khi năm 2013, Gia Lai xếp ở vị trí 31, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.
 

 Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Ngày 17-3-1975, Gia Lai được giải phóng. Sau bom đạn, cả tỉnh ngổn ngang một bãi chiến trường. Khi ấy, toàn tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, trình độ kỹ thuật thấp kém, lạc hậu. Bằng quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Gia Lai đồng sức, đồng lòng, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo tiền đề để kinh tế-xã hội của tỉnh cho bước phát triển tiếp theo.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 công trình thủy điện, trong đó có thủy điện lớn như: Ia Ly, Ayun Hạ, Sê San 3, Sê San 4, H’Chan... Các khu công nghiệp dần thành hình và đi vào hoạt động ổn định như Khu Công nghiệp Trà Đa với 42 dự án đầu tư, tổng vốn là 1.466 tỷ đồng; Khu Công nghiệp Tây Pleiku đã công bố quy hoạch, đang lập dự án đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp 2010 gấp 8,4 lần so với năm 2000; năm 2013 đạt 7.513 tỷ đồng, tăng 10,54% so với năm 2012. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001-2005 đạt gần 13 ngàn tỷ đồng; 2006-2010 đạt trên 31,5 ngàn tỷ đồng; riêng năm 2013 đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 2001-2005 đạt 11,3%; 2006-2010 đạt 13,6%/năm, tuy gặp khó khăn nhưng năm 2013 GDP vẫn đạt 12,3%. Hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, từ năm 2001 đến năm 2005 đạt 190 triệu USD; 2006-2010 đạt 604 triệu USD, riêng năm 20l3 đạt 260 triệu USD. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 2.300 tỷ đồng và năm 2013 đạt 3.550 tỷ đồng. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 19,5 triệu đồng gấp 6,5 lần so với năm 2000; năm 2013 đạt 30,23 triệu đồng, tăng 15,56% so với năm 2012.

 

Công tác thu hút đầu tư được tỉnh đặc biệt chú trọng. Từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho trên 70 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 11.500 tỷ đồng. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II, tỉnh đã kêu gọi đầu tư với những dự án có quy mô lớn hơn, có dự án lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Công tác đầu tư ra nước ngoài cũng được đẩy mạnh. Hiện đã đầu tư sang các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia 7 dự án, số vốn đăng ký khoảng trên 367 triệu USD; đầu tư sang các tỉnh thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào 7 dự án với số vốn đăng ký khoảng trên 436 triệu USD. UBND tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh Rattanakiri, Preah Vihear, Stung Treng (Campuchia); Attapeu (Lào) thực hiện nhiều dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội như: Trường Dạy nghề Làng Thiên nhiên Hun Xen, Đài Tưởng niệm Quân Tình nguyện Việt Nam, trường tiểu học…
 

Ảnh: Hoàng Anh Phượng
Ảnh: Hoàng Anh Phượng

Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Hiện nay, 100% xã đã có điện sinh hoạt và có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, 95% hộ  sử dụng điện, trên 80% hộ ở nông thôn dùng nước sạch...; một số công trình nhà máy lớn, khu đô thị mới, nhà cao tầng, bến xe, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, cơ sở văn hóa, trung tâm hoạt động thể thao... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Mạng lưới hoạt động và chất lượng các dịch vụ thương mại, du lịch, ngân hàng, vận tải, viễn thông, hàng không ngày càng phát triển.

Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, vận tải đạt được những kết quả đáng khích lệ. Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG, Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh, Bến xe Đức Long Gia Lai, Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai... là các mô hình xã hội hóa đã phát huy được hiệu quả. Sự thành công của Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc thiểu số Tây Nguyên năm 2006, Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009, các giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên quốc tế năm 2011… đã khẳng định khả năng đăng cai và tổ chức tốt các hoạt động lớn tầm cỡ khu vực, quốc gia và quốc tế được nâng cao. Năm 2012, kỷ niệm 80 năm thành lập tỉnh, Gia Lai đã quyết định xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku-nơi diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam ngày 19-4-1946. Công trình kiến trúc này được ví như là trái tim của Gia Lai, là niềm tự hào của nhân dân trong tỉnh.

Nhìn lại chặng đường 39 năm, chúng ta có quyền tự hào khi nhân dân các dân tộc tỉnh nhà anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù và sáng tạo trong xây dựng, một lòng, một dạ đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta tin tưởng rằng, dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh chính trị, tâm huyết, tài năng, trí tuệ cộng với sự nỗ lực phấn đấu, tỉnh ta sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, nhanh chóng thoát nghèo, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và phát triển, trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh, phong phú về văn hóa và đậm đà bản sắc dân tộc.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm