Đối với sinh hoạt của người dân, việc cúp điện 1 lần/tuần không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. “Cùng lắm là mất một ngày giặt quần áo bằng tay, nấu cơm bằng bếp ga. Nhưng phiền phức nhất là cúp điện đột xuất, lịch báo cúp điện 1 ngày nhưng có tuần cúp tới 2 ngày khiến gia đình tôi không chủ động được việc bơm nước sinh hoạt, các sinh hoạt khác vì thế cũng bị ảnh hưởng không ít”- chị Thanh Huyền (phường Thống Nhất- TP. Pleiku) chia sẻ.
|
Khách hàng không biết làm gì hơn là ngồi đọc báo cùng chủ tiệm gò hàn, chờ điện. Ảnh: H.N |
Đối với “thủ phủ” điện như tỉnh ta, việc cúp điện đối với nhiều người là “việc lạ”. Chủ tiệm gò hàn Vĩ- 64 Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku cho biết, do công việc của anh “gắn bó mật thiết” với điện, nên cúp điện coi như ngồi chơi xơi nước cả ngày: “Tôi không hiểu một nơi có tiếng sản xuất điện như tỉnh ta lại để dân lâm vào tình cảnh thiếu điện? Tôi chỉ làm một tiệm gò hàn nhỏ đã gặp không ít khó khăn khi cúp điện, những doanh nghiệp lớn sẽ xử trí như thế nào với tình trạng này”. Anh cho biết, không ít lần bị khách hàng phàn nàn vì không giao sản phẩm đúng hạn.
Đã quen với lịch cúp điện và có kế hoạch sản xuất bù giờ, nhưng cúp điện đột xuất khiến nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười vì không kịp đối phó. Ông Ngô Tấn Giác- chủ doanh nghiệp Cà phê Thu Hà, TP. Pleiku cho biết: Có lần, chúng tôi đang rang cà phê thì đột nhiên điện cúp mặc dù ngày đó không có lịch cúp điện. Sự cố chỉ xảy ra trong vòng nửa tiếng nhưng toàn bộ mẻ cà phê coi như bỏ đi”. Việc cúp điện khiến quy trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn, thậm chí ngừng trệ, làm giảm năng suất cũng như phát sinh thêm nhiều chi phí, chưa kể thiệt hại như doanh nghiệp kể trên. “Tôi chia sẻ với tình trạng thiếu điện chung của cả nước. Vì thế, tôi đã cho gắn các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng cho gia đình cũng như hệ thống máy móc phục vụ kinh doanh, dù chịu chi phí cao hơn. Nhưng tôi mong ngành Điện lực không để xảy ra những sự cố về điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp”- ông Giác đề xuất.
Việc cúp điện đột xuất không những gây phiền toái, ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt mà gây hậu quả nhãn tiền, nhất là phải kể đến các trung tâm y tế hay các bệnh viện, đặc biệt những trường hợp cấp cứu. Vì thế, để đối phó với tình trạng cúp điện như nhiều năm trước, các bệnh viện đã trang bị máy phát điện dự phòng với công suất lớn. Với các siêu thị, việc cúp điện 2 lần/tuần, chưa kể cúp đột xuất ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo quản các mặt hàng đông lạnh, hàng tươi sống. Theo đại diện Siêu thị Vinatex, Co.op Mart, việc trang bị máy phát điện là tất yếu mặc dù chấp nhận chi phí cao hơn cho hoạt động kinh doanh. Đại diện Siêu thị Co.op Mart khẳng định: “Chúng tôi không để mất điện ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa”.
Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, cúp điện một ngày cũng khiến hàng trăm công nhân, viên chức ngồi chơi do công việc liên quan trực tiếp đến máy móc, thiết bị điện. Với đơn vị “đặc biệt” như Báo Gia Lai, việc phát hành một tờ báo đến với bạn đọc phải qua hàng loạt công đoạn từ dàn trang, in ấn... Chỉ một khâu trục trặc do mất điện dẫn đến ngưng trệ cả hệ thống. Để báo đến với bạn đọc kịp thời, những ngày mất điện, nhân viên Phòng Tòa soạn phải làm việc 9-10 giờ đêm mới được nghỉ. Ông Trần Văn Nghĩa- Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai chia sẻ: “Mỗi tuần cúp điện một ngày cũng khiến cho phát hành báo đến bạn đọc gặp nhiều khó khăn, (kể cả báo điện tử) thường chậm hơn so với bình thường 1-2 tiếng. Nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để đảm bảo ra đều đặn 7 kỳ báo/tuần”.
Tỉnh ta tập trung nhiều công trình thủy điện với công suất lớn, từ nhiều năm nay vẫn “chia lửa” cho các tỉnh khác. Thế nhưng, không biết đến khi nào dân mới hết khổ, doanh nghiệp hết kêu trời vì cúp điện.
Nguyên Bình
Từ 1-8, cắt điện không thông báo sẽ bị phạt gấp 10 lần. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị định số 68/2010 Chính phủ vừa ban hành, thay thế Nghị định 74/2003 quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Theo Nghị định mới, mức phạt tối đa các hành vi vi phạm trong điện lực tăng từ 30 triệu đồng lên 40 triệu đồng, thấp nhất tăng từ 50 ngàn đồng lên 500 ngàn đồng (gấp 10 lần mức phạt cũ). Cụ thể, đơn vị phân phối điện sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng nếu ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng nội dung đã thông báo (mức cũ là 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng); không tiến hành xử lý sự cố để khôi phục việc cấp điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện mà không có lý do chính đáng (mức phạt cũ từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng)... |