Gia Lai: Coi chừng bệnh dại!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh dại đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn quốc có 16 người tử vong do bệnh dại. Tại Gia Lai, dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại nhưng ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kịp thời phòng-chống căn bệnh này.

Bệnh dại có thể gây tử vong

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh dại, không có tử vong. Còn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận người mắc bệnh dại. Tuy vậy, số lượng người đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại do bị chó, mèo cắn rất nhiều. Năm 2017, Trung tâm đã tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại cho gần 3.000 người bị động vật cào, cắn. Riêng từ đầu năm đến nay, có gần 1.300 người đến Trung tâm để tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại.

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người bị động vật cào, cắn. Ảnh: H.S
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người bị động vật cào, cắn. Ảnh: H.S

Đa phần người đến tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh là do bị chó, mèo cào hoặc cắn. Cụ thể, có 1.179 người bị chó cào, cắn và 41 người bị mèo cào, cắn. “Bình quân mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 25 người (đa phần có độ tuổi từ 15 đến 50) đến tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại do bị động vật cào, cắn. Khi có trường hợp đến tiêm phòng dại do bị động vật cào hoặc cắn, chúng tôi tiêm vắc xin, huyết thanh theo phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời tư vấn cho họ theo dõi sát sao loại vật đã cào hoặc cắn mình và có lịch tiêm cụ thể”-bác sĩ Nguyễn Mai Tuyết Trinh-Phó Trưởng phòng Khám-Tư vấn và Điều trị dự phòng (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) chia sẻ.

Có mặt tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh vào sáng 26-4, chúng tôi ghi nhận có gần 30 người đến tiêm vắc xin phòng dại do bị động vật cào hoặc cắn. “Tôi bị con chó của một người trong làng cắn vào ngày 23-4. Dù con chó này vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng lo nhiễm bệnh dại nên tôi đến đây để tiêm phòng. Tôi được tiêm mũi thứ 2 rồi”-ông Rơ Mah Huet (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho hay.

Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: Bệnh dại rất nguy hiểm, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được điều trị và tiêm vắc xin, huyết thanh kịp thời. Tại Gia Lai, dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại, tuy nhiên, với số lượng người đến tiêm phòng dại hàng năm rất đông cho thấy nguy cơ phát sinh bệnh dại vẫn tiềm ẩn. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện cho bệnh dại phát sinh.

Chủ động phòng ngừa

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực triển khai phòng-chống bệnh dại. Thực hiện chỉ đạo trên, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phòng-chống bệnh dại, trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân thận trọng khi tiếp xúc với các động vật có nguy cơ mang theo mầm bệnh dại như chó, mèo; khi bị động vật cắn hoặc cào cần đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí  tuyên truyền về tác hại của bệnh dại để người dân có biện pháp phòng tránh; vận động các gia đình có nuôi các con vật nguy cơ mang mầm bệnh dại như chó, mèo cần tiêm phòng và thực hiện việc nuôi nhốt, xích, hoặc đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người.

Song song với đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã có văn bản gửi Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đề nghị cập nhật tình hình bệnh dại ở người; tổ chức tuyên truyền phòng-chống bệnh dại. “Thời gian tới, bên cạnh hoạt động truyền thông cho người dân về tác hại của bệnh dại, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh để truyền thông về bệnh dại, các biện pháp phòng tránh nhằm giúp các em học sinh biết và tự phòng tránh; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, huyết thanh để kịp thời tiêm cho người dân. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng-chống bệnh dại cho đội ngũ y tế các huyện, thị xã, thành phố để họ về triển khai thực hiện tại địa bàn”-bác sĩ Hồ Ngọc Gia cho biết thêm.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.