Gia Lai: Chung tay kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông LÊ VĂN HẠNH-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh xung quanh giải pháp để kiềm chế, kéo giảm TNGT.

- P.V: Xin ông cho biết khái quát về tình hình TNGT và kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Ông  LÊ VĂN HẠNH: Năm 2017, TNGT trên địa bàn toàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với năm 2016. Tuy nhiên, TNGT của tỉnh vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động phức tạp, khó lường.

 

Kiểm tra phương tiện vận tải hành khách. Ảnh: L.A
Kiểm tra phương tiện vận tải hành khách. Ảnh: L.A

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu kéo giảm các chỉ số TNGT một cách bền vững. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018, tình hình TNGT vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa được kiềm chế. Cụ thể, TNGT tăng 11 vụ (171/160 vụ), tăng 17 người chết (123/106 người), giảm 59 người bị thương (171/230 người) so với cùng kỳ năm 2017. Qua điều tra, cơ quan chức năng đã kết luận nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT là do các lỗi vi phạm như: lấn đường 63 vụ; vi phạm tốc độ, khoảng cách an toàn 34 vụ; tránh vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định 31 vụ; không chú ý quan sát 27 vụ... Theo tổng hợp, có đến 92,4% số vụ TNGT  xảy ra trên địa bàn tỉnh là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

- P.V: Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT trong 5 tháng đầu năm 2018 gia tăng là gì?

Ông  LÊ VĂN HẠNH: Đó chính là ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thật sự tác động mạnh mẽ để làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, giúp họ chủ động phòng ngừa tai nạn cho chính mình và cho người khác. Đơn cử,  dù quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã có từ hơn 10 năm qua nhưng trong 5 tháng đầu năm 2018, qua công tác tuần tra kiểm soát, các lực lượng chức năng vẫn phát hiện, xử lý 5.822 trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn phát hiện, xử lý 4.068 trường hợp không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; 1.369 trường hợp vi phạm nồng độ cồn... Trong phần lớn các vụ tai nạn, người điều khiển phương tiện khi đi qua các đoạn đường vắng bóng lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông đã cố tình phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu.     

- P.V: Ban An toàn Giao thông tỉnh đã đề ra giải pháp gì để kiềm chế, kéo giảm TNGT trong thời gian tới, thưa ông?

Ông LÊ VĂN HẠNH: Trong thời gian đến, để phấn đấu đạt được mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5% trở lên so với năm 2017, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh, các địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tỉnh về phát động phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì ATGT”. Qua đó huy động sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong công tác bảo đảm TTATGT. Gắn kết quả công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách với kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, coi đây là một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả công tác, xem xét thi đua đối với các ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương, của người đứng đầu và cán bộ, chiến sĩ, công chức trong các lực lượng chức năng.

Tiếp tục đổi mới và kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; trọng tâm là bảo đảm ATGT cho trẻ em theo chủ đề Năm ATGT 2018 “ATGT cho trẻ em”và chú trọng hướng về cơ sở, địa bàn dân cư. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, các tổ chức đoàn thể, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng trọng tâm là lứa tuổi thanh-thiếu niên.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm an toàn các công trình giao thông, nhất là các dự án, công trình xây dựng dự kiến hoàn thành trong năm 2018, các dự án trong nội thành Pleiku; tập trung rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; giải tỏa, xử lý việc chiếm dụng lề đường, hành lang an toàn đường bộ làm nơi mua bán, họp chợ trái phép, gây cản trở và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT; đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô ngay tại địa bàn cơ sở cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật, sớm thực hiện đăng kiểm, đăng ký quản lý và tổ chức đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi.

Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT để hỗ trợ hiệu quả công tác tuyên truyền, đồng thời cưỡng chế thi hành pháp luật về TTATGT; bố trí lực lượng, phương tiện, trang-thiết bị tuần tra kiểm soát trong khoảng thời gian và trên các đoạn tuyến thường xảy ra TNGT, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng thanh-thiếu niên ban đêm tụ tập uống rượu bia rồi chạy mô tô độ chế, không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô gây mất trật tự xã hội và ATGT trên các tuyến đường bộ để phòng ngừa tai nạn.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Lê Anh (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm