(GLO)- Không cập nhật thông tin, đơn vị thi công đường dây 500 kV Pleiku- Phước Mỹ-Cầu Bông tự ý tiến hành đào hố, đổ móng, dựng trụ mà không hề được sự thỏa thuận nào của chủ đất. “Khi họ tiến hành làm có đưa một tập giấy tờ gì đó để ký nhưng gia đình không đồng ý, tưởng chuyện dừng ở đấy, nào ngờ họ lén lút xây dựng và còn nói với xã là đã được sự đồng ý của chủ đất”-theo anh Trần Tuấn Lâm chủ lô đất tại làng Bak, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai phản ánh.
Trong đơn được anh Lâm gửi đến Báo Gia Lai: Bởi có nhu cầu xây dựng nhà xưởng chế biến nông sản, vào tháng 2-2012 được biết tại làng Bak, xã Ia Băng, Chư Prông có ông Trần Văn Thời và Phạm Duy Thành chào bán 2 lô đất với tổng diện tích 4.927 m2, sau thỏa thuận các hộ đồng thuận sang nhượng lại cho gia đình anh Lâm 2 lô đất này với giá 900 triệu đồng, sau đó chủ đất được UBND huyện Chư Prông đồng ý cho hợp thức, cấp quyền sử dụng đất. Để phục vụ cho nhu cầu về sau, chủ lô đất là anh Trần Tuấn Lâm xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất nhà ở và phi nông nghiệp để xây dựng kho, bãi. Trong lúc chờ giải quyết thì UBND xã Ia Băng đã mời anh Lâm đến và thông báo: Lô đất này nằm trong diện thu hồi để phục vụ công trình xây dựng đường dây 500 kV.
Móng trụ đường dây 500 kV được xây dựng khi chưa có sự đồng ý của chủ đất. Ảnh: Nguyễn Giác |
Sau khoảng 2 tháng, thì anh nhận được thông tin từ xã hỏi: Lô đất đã ký nhận đền bù chưa mà đơn vị thi công lại xây dựng xong móng trụ và đang tiến hành dựng trụ kéo dây rồi. Ngỡ ngàng, cả 2 cha con anh Lâm đến xem thì tá hỏa khi thấy phần đất của mình dự tính xây kho đã mọc lên một trụ điện to tướng. Bức xúc về chuyện này chủ đất đề nghị UBND xã làm rõ sự việc trên. Tại buổi họp tại UBND xã Ia Băng ngày 7-8 vừa qua, đại diện các bên gồm: Ban Đền bù Giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông, đơn vị thi công, chủ đất và chính quyền xã. Tại đây, đơn vị thi công và Ban Đền bù Giải phóng mặt bằng của huyện cho rằng đã lập hồ sơ đền bù cho ông Trần Văn Thời, sau đó ông Thời lại bán đất cho ông Lâm, khi chuyển trả tiền đền bù đất thì ông Thời lại không nhận và nói rằng đã bán cho người khác. Về phía hộ dân có đất thì cho rằng: Khi thi công, đơn vị xây dựng đã xây dựng trái phép trên đất khi chưa được sự chấp thuận của dân, không nhận được quyết định thu hồi đất. Điều mà chủ đất quan tâm nhất trong việc đền bù để Nhà nước hoàn thành đường điện Quốc gia là vấn đề về giá đền bù, bởi với gần 5.000 m2 đất gia đình bỏ ra mua với giá 900 triệu đồng, quy ra giá cho mỗi m2 đất khoảng 18 triệu đồng, thì nay vì lý do xây dựng đường điện tầm cỡ Quốc gia này thì đơn vị xây dựng lại áp giá đền bù cho mỗi m2 đất chỉ là 9.000 đồng. Diện tích đất của anh Lâm bị thu hồi trên 2.173 m2 và giá đền bù cho gần nữa lô đất 900 triệu mà anh đã mua với giá khoảng 19 triệu đồng.
Qua ghi nhận tại phần đất nơi thi công, phần móng trụ đã được đúc hoàn chỉnh kiên cố, trụ điện đã lắp ráp được hơn 1/3 công đoạn, nhiều vật dụng đang đổ trên phần đất này.
Tìm hiểu về vấn đề trên, ông Đoàn Ngọc Hải-Phó Trưởng ban Đền bù Giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông cho biết: Vào thời điểm triển khai dự án, đơn vị thi công cùng cán bộ của Ban đã khảo sát toàn bộ khu vực có đường điện đi qua gồm các xã Ia Phìn, Ia Băng, Ia Bang, Ia Pia, Ia Vê, diện tích đất thu hồi là 20.688 m2, trong đó 51 hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp nằm trên tuyến đường dây 500 kV. Đến nay, phần lớn đã chấp thuận đền bù, trong đó có hộ Trần Tuấn Lâm vẫn chưa đồng ý về giá. Với hộ anh Lâm tôi thấy cũng quá thiệt thòi cho họ bởi mức giá đền bù được quy định hiện nay, hiện đang chờ nhà thầu EVN đến làm việc vào đầu tuần tới để thống nhất, thỏa thuận lại-ông Hải cho biết thêm.
Trong lúc tìm hiểu việc sang nhượng đất giữa hộ ông Trần Văn Thời, Phạm Duy Thành cho ông Trần Tuấn Lâm, thì ông Thời cho rằng, năm 2011 tôi không biết ai đến đo đạt gì trên đất của mình, tôi thiếu tiền rồi chuyển cho người khác, còn chuyện xây dựng trụ điện trên đất, tôi không hề đồng ý lúc nào cả. Ngược lại khi hỏi chuyện này từ đơn vị thi công thì họ một mực cho rằng: Đã làm việc với ông Thời và được sự đồng ý của ông, khi chủ đất mới đến đề nghị dừng thì chúng tôi mới biết-ông Lê Thanh Nhã-cán bộ chỉ đạo thi công đường dây 500 kV tại Gia Lai.
“Điều mong muốn nhất của gia đình lúc này là đơn vị thi công xem lại giá đền bù cho dân, mặt khác để thuận lợi kinh doanh, chúng tôi mong muốn được huyện quan tâm cho mua lại một lô đất khác với cùng diện tích đang xây trụ điện nhằm phục vụ công việc kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp”-anh Lâm chủ lô đất nói.
Nguyễn Giác