Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm...
Nỗi lo thừa cung, thiếu cầu đang gây sức ép giảm mạnh lên giá dầu - Ảnh: Reuters/CNBC. |
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm, sau khi báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng mạnh.
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này tăng 6,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 31/5. Đáng chú ý, tồn kho này tăng cho dù các nhà máy lọc dầu ở Mỹ tăng hoạt động do bước vào mùa hè.
Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần cũng tăng thêm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày.
Lượng tăng tồn kho dầu của Mỹ theo báo cáo của EIA trái ngược mức giảm 849.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Sau khi báo cáo được công bố, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York chạm đáy của phiên ở 50,66 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 15/1.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giảm 1,8 USD/thùng, tương đương giảm 3,4%, còn 51,68 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên thấp nhất gần 5 tháng của loại dầu này.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, giá dầu WTI hiện đã giảm 22% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 4, đáp ứng định nghĩa thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau kết thúc phiên với mức giảm 1,34 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 60,63 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm còn 59,45 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1.
Không chỉ tồn kho dầu thô tăng, mà tồn kho xăng của Mỹ cũng tăng thêm 3,2 triệu thùng. Tồn kho các sản phẩm chưng cất tăng 4,6 triệu thùng.
Chưa kể, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại 12,4 triệu thùng/ngày.
"Bản báo cáo cho thấy Mỹ đang thừa rất nhiều dầu để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ. Điều này gây sức ép giảm giá mạnh đối với giá dầu", nhà quản lý quỹ đầu cơ John Kilduff thuộc Again Capital nhận xét.
Bản báo cáo của EIA làm gia tăng áp lực giảm giá đối với "vàng đen", trong bối cảnh năng lượng này những phiên gần đây bị bán mạnh bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Thị trường vốn đang lo ngại rằn chiến tranh thương mại kéo dài sẽ gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.
Mối lo về vấn đề thương mại càng gia tăng khi Mỹ vào tuần trước dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Mexico.
Theo ông Kilduff, ngưỡng 50 USD/thùng là một ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho giá dầu WTI. Nếu mốc này bị xuyên thủng, giá dầu sẽ giảm sâu hơn.
Hiện giới đầu tư đang chờ xem Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga sẽ ra quyết định như thế nào về thỏa thuận hạn chế sản lượng mà nhóm đang thực thi. Theo dự kiến, cuộc họp của nhóm OPEC+ này sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.
Thỏa thuận hạn chế sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày đã được OPEC+ thực thi từ đầu năm để hỗ trợ giá dầu. Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, gần đây phát tín hiệu muốn gia hạn thỏa thuận đến hết năm. Trong khi đó, Nga lại tỏ ý không muốn gia hạn thỏa thuận.
Diệp Vũ (VnEconomy)