Ngày 29-6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012.
Theo ông Đỗ Thức- Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là mức tăng trưởng thấp do khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nhưng nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực từ quý 2, đặc biệt với khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 2,94% quý 1 lên 4,52% trong quý 2-2012. Trong 6 tháng qua, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó nông nghiệp tăng 3%, lâm nghiệp tăng 5,7% và thủy sản tăng 5,8%.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5%. Chỉ số này thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý một số ngành công nghiệp có mức tăng cao là đóng và sửa chữa tàu, chế biến bảo quản rau quả, sản xuất sản phẩm bơ sữa... Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến 6 tháng chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của năm ngoái. Chỉ số tồn kho của ngành này tăng 26%. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất giấy và bao bì 130%, sản xuất xe có động cơ 116,7%, chế biến và bảo quản rau quả 113,3%...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,26% so với tháng trước, 3 tháng liên tiếp trước đó chỉ tăng ở mức dưới 0,2%. Đây là lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 2,52% so với tháng 12-2011. Tổng thu ngân sách nhà nước tính từ đầu năm tính đến 15-6 đạt 316,8 ngàn tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa 203,2 ngàn tỷ đồng, thu từ dầu thô 52,3 ngàn tỷ đồng.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng cục Thống kế công bố kết quả rà soát số lượng doanh nghiệp năm 2012. Theo đó, tổng số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước tồn tại về mặt pháp lý là 541.103 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2012 đã có thêm trên 36.195 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 232.577 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn bộ nền kinh tế có 92.710 doanh nghiệp hiện nay không thể xác minh được. Tại thời điểm này có 60.454 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích. Các doanh nghiệp này thực chất là các doanh nghiệp hoạt động trá hình, thành lập để buôn bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng, không thực hiện nghĩa vụ thuế, không có địa chỉ. Tỷ lệ doanh nghiệp không xác minh được chiếm phần lớn ở các thành phố lớn như: TP. HCM 48.531 doanh nghiệp, Hà Nội 23.174 doanh nghiệp, Hải Phòng 3.431 doanh nghiệp...
Theo sggp