Gặp "Nữ dũng sĩ diệt Mỹ" Rơmah Sao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ những lời giới thiệu vắn tắt của Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh-bà Rơ Châm H’Yéo về Nữ dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú Rơmah Sao, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 56 Võ Thị Sáu, phường Ia Kring (TP. Pleiku) để gặp bà, người từng được coi là “ngọn cờ tiêu diệt xe cơ giới của phụ nữ Tây Nguyên” những năm 1966-1967. Tuổi tác, bệnh tật khiến cho sức khỏe của “nữ dũng sĩ” một thời đã có phần sa sút, tuy nhiên khi nhắc nhớ lại khoảng thời gian trực tiếp tham gia đánh giặc, bà vẫn ngỡ chuyện như mới hôm qua.

15 tuổi, bông hoa nhỏ của núi rừng biên giới Đức cơ-Rơmah Sao đã sục sôi lòng căm thù giặc sâu sắc. Bởi hàng ngày, Sao phải chứng kiến lũ giặc càn quét khắp nơi, bắt và giết hại dân làng. Căm thù bọn cướp nước, Rơmah Sao về nhà xin cha mẹ cho mình tham gia vào đội du kích của xã để trực tiếp đánh giặc, giữ làng. Lời khẩn cầu của Rơmah Sao được chấp nhận, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên Sao chưa được cầm súng giết giặc mà được giao nhiệm vụ không kém phần quan trọng-nắm tình hình của địch. Ban ngày, Rơmah Sao dắt đàn trâu ra ngoài bãi, chọn những vị trí gần đồn bốt của địch để chăn thả sau đó tìm nơi thích hợp để quan sát, nắm bắt thông tin của địch và nhanh chóng truyền tin về cho Xã đội trưởng. Tối đến, o du kích nhỏ Rơmah Sao lại cùng với các anh, chị trong đội du kích tăng gia sản xuất, vận động người dân trong làng cùng góp gạo, rau, mắm… mang ra rừng để nuôi bộ đội đánh giặc.

 

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

Sau 3 năm tham gia du kích địa phương, Rơmah Sao chính thức trở thành bộ đội. Mặc dù thời gian tham gia lực lượng du kích không dài nhưng đây lại là những ký ức khiến bà không thể nào quên. Bởi, cũng chính thời gian này, o du kích nhỏ đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng-chôn mìn tại một số tuyến đường để tiêu diệt xe cơ giới của Mỹ-Ngụy. Bà Rơmah Sao kể: Đầu năm 1967, Mỹ-Ngụy tăng cường các trận càn quét, trong đó chúng dùng đến cả xe cơ giới và phi pháo yểm trợ. Vì vậy, phong trào dân quân, du kích đánh xe cơ giới được phát động rộng rãi trong toàn tỉnh. Bản thân Rơmah Sao lúc này được giao nhiệm vụ cùng một nam du kích khác ban đêm luồn đường rừng ra khu vực sông Pô Kô nhận mìn rồi gùi về giao lại cho đơn vị. Nhiệm vụ đầu tiên hoàn thành, Sao mạnh dạn đề xuất với Xã đội trưởng xin được nhận mìn trực tiếp đi tiêu diệt xe địch và được chấp nhận.

Một ngày đầu tháng 7-1967, tổ gài mìn của Sao gồm ba đồng chí: Rơmah Sao, Rơ Lan Mek và một nam du kích nhận nhiệm vụ gài mìn ở ba tuyến đường mà xe cơ giới, xe chở quân lính của Mỹ-Ngụy thường xuyên qua lại. Đêm đầu tiên, tổ của Rơmah Sao chọn tuyến đường 15 gần đồi Chư Nghé (xã Ia Krái, huyện Ia Grai). Do vị trí đường hơi thấp nên đặt mìn xong cả tổ chọn vị trí ở phía bên kia suối quan sát, chờ đến sáng xe chở lính của địch từ thị xã Pleiku lên sẽ ngang qua tuyến đường này. Đúng như dự tính, một chiếc xe GMC chở gần 30 tên lính Mỹ đi qua tuyến đường, va phải mìn, nổ tung và không một ai sống sót. Trận đầu thắng lợi đã tiếp thêm sức mạnh cho cả tổ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại các tuyến đường tiếp theo và 2 quả mìn còn lại cũng đã tiêu diệt được 2 xe tăng M113 của địch. “Bị gài mìn bất ngờ, bọn Mỹ-Ngụy điên loạn tổ chức lực lượng dò mìn nên tổ cũng lo lắng, sợ địch phát hiện ra, gỡ mất thì nguy to. Nhưng dù có dùng các phương tiện dò mìn tối tân, địch cũng chẳng thể tìm ra”-bà Sao cười vang.

Và rồi, chiến công nối tiếp chiến công khiến cho tên tuổi của chị Sao, chị Mek ngày càng vang xa và trở thành biểu tượng của phụ nữ Tây Nguyên trong phong trào tiêu diệt xe cơ giới. Đặc biệt, cùng lúc 2 chị đã được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” và “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Tại Đại hội tổng kết thành tích đánh địch trong năm (11-1967),  tổ của hai chị được nhận bằng khen và Huân chương Chiến công hạng nhất. Năm 1968, bà Sao tham gia vào quân đội và được phân công về phụ trách công tác trợ lý dân quân Huyện đội khu 4 (nay là huyện Ia Grai), rồi được cử đi học văn hóa, quân sự tại Trường Quân chính B3. Năm 1970, bà trở thành Đại đội phó của đại đội 3 thuộc Trường Quân chính B3. Đến ngày giải phóng bà về làm Tiểu đoàn phó của Trường Quân chính Tỉnh đội; tiếp đến làm công tác phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Tháng 7-1977, bà Sao được phân công về làm thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh phụ trách án dân sự. Năm 2001 phần vì sức khỏe, bà xin nghỉ hưu sớm.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm