(GLO)- Năm rồi, tôi sang Pháp và may mắn gặp được bác Thiều Văn Mưu-người gốc Phú Thọ. Bác là tác giả cuốn sách “Đứa con xa quê”- “Un enfant loin de son pays”, xuất bản năm 2003 tại Pháp. Được biết, cuốn sách này sau khi phát hành bán rất chạy. Nó được người Việt tại Pháp và cả người Pháp đánh giá cao. Cuốn sách đã bày tỏ nỗi lòng của người Việt xa xứ. Toàn bộ số tiền bán sách sau đó được bác Mưu gom góp gửi về giúp đỡ quê hương Phú Thọ.
Đến nay, bác Mưu xa Việt Nam đã hơn 74 năm, lúc ra đi mới 19 tuổi. Cũng như bao thanh niên khác, ngày ấy bác sang Pháp trong đội quân lính thợ, thay cho người anh lớn ở nhà lo việc thờ cúng tổ tiên; một số người khác thì đi lính đánh thuê… Tất cả đều chung một hoàn cảnh là xa gia đình, xa quê hương; lưu lạc ở đất khách quê người, cách xa Tổ quốc đến hàng tháng trời lênh đênh trên biển. Trong số đó, có người mãi mãi nằm lại nơi đất lạ, có người may mắn được trở về với quê hương, có người phải sống phiêu bạt xứ người…
Ảnh: Bùi Duy |
Bác Mưu kể về sự hy sinh của những người sáng lập ra Chi hội người Việt vùng Rhône. Những người Việt đầu tiên ấy đã góp tiền mua căn nhà số 38 đường Sainte Geneviève, quận 6, thành phố Lyon để làm Hội quán người Việt, nơi sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Lyon. Cũng từ đó đã hình thành nên một nghĩa trang mà người Việt xa xứ khi về cõi vĩnh hằng sẽ được chôn cất tử tế tại nơi này.
Điều làm tôi ngưỡng mộ nhất là mỗi khi nghe tin ở Việt Nam có thiên tai, vợ chồng bác Mưu không ngần ngại góp tiền lương, tiền tiết kiệm, kịp gửi về quê để giúp đỡ bà con. Cùng với nhiều người Việt khác, ở những lễ hội nhân đạo, vợ chồng bác đã bỏ công làm tới cả hàng ngàn chiếc nem để bán gây quỹ từ thiện. Quỹ này dùng để mua các dụng cụ y tế gởi về nước và phân thành các suất học bổng cho các em học sinh nghèo ở khắp các vùng quê khó khăn của Việt Nam. Cho đến nay, có hàng trăm trẻ em nghèo hiếu học ở vùng đồng bằng Nam bộ đã nhận được những suất học bổng này, hàng chục thư viện của các trường học ở miền Tây Nam bộ đã được tặng sách của Chi hội người Việt vùng Rhône.
Suốt buổi tiếp chuyện, tôi không nghe bác Mưu nói gì về cá nhân mình. Tuy nhiên, khi trao đổi thêm với hai anh Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Quang Hùng Anh-người của Chi hội vùng Rhône cùng đi thì mới biết, bác Mưu tham gia Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1954. Suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bác luôn hướng về Tổ quốc ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Ảnh: Bùi Duy |
Bác đã từng kéo lá cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trên Quảng trường Bellecour năm 1952 để ủng hộ chính phủ của Cụ Hồ. Bị Cảnh sát Pháp rượt bắt nhưng bác trốn thoát được nhờ vợ là người Pháp. Bác Mưu cũng vinh dự được đi đón Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lần qua dự Hội nghị Fontainebleau ở Paris vào năm 1946. Ghi nhận công lao của bác Thiều Văn Mưu ở hải ngoại, Nhà nước ta đã trao tặng ông Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huy hiệu, bằng khen khác.
Không có nhiều thời gian để nối dài cuộc trò chuyện với bác Mưu, tôi đành phải cảm ơn về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và hiếm hoi này. Cảm ơn anh Hóa và anh Hùng Anh đã đưa tôi đến gặp bác Mưu. Lúc rời xa, bác Mưu cầm chặt tay tôi với nụ cười đôn hậu trên môi. Còn tôi chân bước đi với niềm vui như mở hội. Bác Mưu là điển hình của những người con đất Việt xa xứ, vẫn còn giữ mãi núm ruột với quê hương.
Bùi Duy