(GLO)- Một cô gái trẻ người Kinh sau bốn năm gắn bó với xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro) heo hút đã “phải lòng” vùng đất đá sỏi với chỉ núi và suối bao quanh. Cô đến gặp già làng xin đất làm nhà, tình nguyện trở thành một thành viên của cộng đồng Bahnar nơi này.
Ảnh: Nguyên Bình |
Ngay khi vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai (năm 2010), Đặng Thị Hoa đã tình nguyện xin về Đak Tơ Pang làm công chức xã với đồng lương vỏn vẹn 1,2 triệu đồng/tháng. “Lúc đầu, tôi xin về xã vì tò mò muốn hiểu rõ hơn về cuộc sống của người Bahnar. Hơn nữa, với tấm bằng trung cấp, có việc làm là may mắn rồi, hơn nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học ra trường mà thất nghiệp. Về Đak Tơ Pang với tôi cũng là duyên may. Trước đó, có một người trúng tuyển nhưng sau vài lần đi lại khó khăn chịu không nổi nên họ bỏ việc, cơ hội ấy dành lại cho tôi”-Hoa bộc bạch.
Suốt dọc đường vào xã, có nhiều đoạn dốc đá dựng đứng, lởm chởm đến nỗi tôi phải nín thở, cố gồng người lên để không đổ ập vào người cầm lái, vậy mà Hoa vẫn thản nhiên như không, vững vàng vượt qua. Tôi kể cho Hoa nghe cách đây vài năm trong chuyến công tác vào xã, cũng trên cung đường này, ngay các con dốc, luôn có những đám mạ non, mạ già, hay những khoảnh cây bắp lớn, nhỏ khác nhau mọc lên. Đó là dấu tích của vô số lần ngã xe của bà con khi chở lúa, bắp ra huyện để bán. Hoa nói: “Bây giờ nông sản của bà con đã có xe lớn chở ra, họ không phải chở từng bao lúa, bao bắp như trước nữa. Nhưng ngay những chỗ các con dốc này, hay đoạn qua suối, không chỗ nào tôi chưa từng bị ngã”.
Làm công tác văn hóa ở một xã nghèo, những ngày đầu, Hoa đã vấp phải rào cản, đó là sự bất đồng ngôn ngữ, không hiểu phong tục tập quán của người địa phương. Mỗi lần phát động phong trào văn hóa-thể thao, chật vật lắm mới có người tham gia. Hoa nói, vượt qua giai đoạn “làm quen” với đất và người ở Đak Tơ Pang kể ra thấy nhẹ nhàng, nhưng khi đó, là áp lực lớn với cô gái trẻ mới ra trường. “Người Bahnar không thể hiện sự vồ vập với ai, nhưng sống rất chân thành, thật thà, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tôi đã “phải lòng” họ không phải khi về xã, mà từ khi tiếp xúc với những bạn học người Jrai, Bahnar lúc còn ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai. Vì thế, tôi cứ động viên mình, hãy cố gắng hết sức với công việc, phát triển phong trào văn hóa, thể thao của xã, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở xã vùng khó”.
Thuận lợi của cán bộ văn hóa là người Bahnar vốn sẵn niềm yêu thích với văn hóa, thể thao, nhưng với các phong trào, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, xây dựng nếp sống văn minh phòng-chống bạo lực gia đình… thì hoàn toàn xa lạ. Công việc của cán bộ văn hóa xã là giúp họ hiểu được điều này. “Trong cộng cồng người Bahnar, tình trạng bạo lực vẫn còn xảy ra thường xuyên, nhưng mình nói không khéo họ cũng chẳng nghe. Nhiều hôm đi vận động, tuyên truyền ở các làng ra về đã 9-10 giờ đêm. Nếu đi ban ngày sẽ chẳng gặp được ai vì họ đi làm hết”-Hoa chia sẻ.
Ngôi nhà sàn của chị Đặng Thị Hoa không có gì khác biệt giữa những ngôi nhà sàn xinh xắn nằm lúp xúp ven bờ suối ở phía đầu làng Bòng. Đó là quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất khổ nghèo này của Hoa sau bốn năm công tác. Hoa kể: “Khi tôi thông báo sẽ về ở hẳn trong làng, nhiều bạn bè, người thân giãy nảy lên phản đối. Có người nói tôi bị điên hay sao lại về sống ở một ngôi làng xa xôi heo hút như thế, trong khi nhiều người tìm mọi cách để về trung tâm. Vả lại, tôi chưa có gia đình, nên nhiều người còn ái ngại cho thân gái một mình. Nếu cứ suy nghĩ như vậy thì chẳng có bạn trẻ nào dám về những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để đóng góp cả”.
Người thân phản đối, nhưng dân các làng hoan nghênh chào đón một thành viên mới. Khi Hoa đến gặp già làng, trưởng thôn nói rõ nguyện vọng muốn được ở hẳn dưới làng để tiện cho công việc và mong muốn được đóng góp lâu dài cho công tác văn hóa, già làng chỉ im lặng gật đầu. Không chỉ cho đất, cả làng Bòng nghỉ việc một ngày ra giúp Hoa dựng cột, đào đất, đóng ván…
Suốt đoạn đường qua các làng của xã Đak Tơ Pang, hễ thấy Hoa mọi người đều mỉm cười thân thuộc. Nhìn cách Hoa đối xử với mọi người đủ thấy cô gắn bó với nơi này thật sâu nặng. Bất giác, tôi thấy đoạn đường về không còn xa, bớt đi ấn tượng về sự gian khó…
Nguyên Bình