Gần 8 năm không giải quyết được

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một mâu thuẫn nhỏ không đáng có, hai người phụ nữ cãi vã dẫn đến xô xát làm một người bị thương phải đi cấp cứu. Tình tiết của vụ án hết sức đơn giản nhưng từ sự tắc trách của cơ quan tố tụng dẫn đến sự việc kéo dài gần 8 năm, qua 3 lần giám định, 3 lần thay đổi điều tra viên, 3 lần thay đổi kiểm sát viên và 4 phiên tòa bị hoãn, đến nay bị hại tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền.

Bị hại thắc mắc kết quả giám định lần 3

Diễn biến vụ cố ý gây thương tích này như sau: Ngày 7-6-2005, bà Lê Thị Mười đến nhà bà Phương Thị Thạch (454 Lê Đại Hành, TP. Pleiku) để mua vải may đồ, sau đó đem khoe với hàng xóm. Lúc này, bà Nguyễn Thị Hữu Hiếu (450 Lê Đại Hành) đang ngồi chơi và có ý chê vải “nhà quê”, nghe vậy bà Mười không hài lòng nên đem trả lại cho bà Thạch (trong đó nói rõ bà Hiếu chê vải xấu).

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoảng 15 giờ ngày 8-6-2005, bà Thạch đến gian hàng của bà Hồ Thị Ngọc Hoa để mua trái cây thì thấy bà Hiếu đi đến. Nhớ lại lời bà Hiếu nói hôm trước, bà Thạch hỏi: “Mỗi người mua bán một mặt hàng khác nhau, sao bà chê vải nhà quê?”. Bà Thạch vừa dứt lời thì bà Hiếu lên tiếng khích bác nên hai bên cãi nhau.

Khi bà Thạch vừa quay lưng đi về, bà Hiếu lấy một chiếc bình (dùng để cắm hoa) bằng sứ đang bày bán trong quầy đập vào đầu bà Thạch, sau đó cầm cổ bình hoa bể còn lại đâm liên tục về phía trước mặt, bà Thạch đưa tay lên đỡ thì trúng vào cánh tay phải. Lúc này mọi người thấy đầu và tay bà Thạch máu ra nhiều nên đến can ngăn nhưng không được. Bà Hiếu còn lấy một con dao giơ lên và nói “mày vào đây tao đâm”, vừa lúc đó con trai bà Thạch đi tới nên bà Hiếu bỏ dao vào buồng trốn.

Theo giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện 331 thì bà Thạch bị 1 vết thương chẩm trái 8 cm, chảy máu nhiều, lộ xương sọ; 1 vết thương đỉnh chẩm 2 cm; 1 vết thương mặt trước cánh tay phải 4 cm hình chữ V; 1 vết thương ngay nếp liên đốt 1-2 ngón III tay phải. Giấy chứng nhận giám định pháp y số 209 ngày 30-6-2005 của Tổ chức Giám định Pháp y tỉnh Gia Lai xác định bà Thạch bị tổn hại sức khỏe ở 4 vết thương là 14%.

Công an TP. Pleiku đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Hiếu về tội “Cố ý gây thương tích”. Từ đó, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP. Pleiku ra cáo trạng số 04/KSĐT ngày 21-12-2005, truy tố bà Hiếu với tội danh trên theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự. Song, khi hồ sơ được chuyển sang Tòa án thì không hiểu sao Tòa án yêu cầu giám định lại. Ngày 14-2-2006, VKSND TP. Pleiku đưa bà Thạch đi giám định lần 2 (Cáo trạng số 04A/KSĐT-TA ngày 10-3-2006), Tổ chức Giám định Pháp y tỉnh kết luận còn 13% tổn hại sức khỏe (giấy chứng nhận giám định pháp y số 76 ngày 14-2-2006) và VKSND TP. Pleiku tiếp tục truy tố bà Hiếu về tội “Cố ý gây thương tích”.

Giải thích về nguyên nhân có 2 kết quả giám định theo Công văn số 205/VKS ngày 10-3-2006 của VKSND TP. Pleiku thì vết thương liên đốt 1-2 ngón III tay phải của bà Thạch qua điều tra xác minh không đủ căn cứ kết luận do bà Hiếu gây ra. Vậy, vết thương này ở đâu ra trong khi giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện 331 thể hiện bà Thạch khi nhập viện có vết thương này?

Qua hai lần xét xử không thành, phiên tòa sơ thẩm lần 1 bị hoãn do nhân chứng triệu tập không đến, nhân chứng không triệu tập lại đến; phiên tòa thứ hai tiếp tục hoãn vì có hai ý kiến: VKSND TP. Pleiku ra 2 cáo trạng số 04/KSĐT ngày 21-12-2005 và số 04A/KSĐT-TA ngày 10-3-2006, nội dung diễn biến vụ án như nhau nhưng có hai kết quả giám định: 14% và 13% cần phải được làm rõ.

Theo bà Thạch, tại giấy xác nhận thương tích của Bệnh viện 331 cùng những hình ảnh có được thì việc giám định lần 2, trong đó bỏ bớt một vết thương là chưa hợp lý bởi giám định pháp y là căn cứ vào giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện và vết thương thực tế. Trong khi không có ai khiếu nại về kết quả giám định trước đó vậy có cần thiết giám định lần 2 hay không nhưng các cơ quan tố tụng của TP. Pleiku lờ đi.

Hai kết quả giám định trên là vậy nhưng khi đưa ra xét xử vẫn không thành buộc phải điều tra bổ sung. Ngày 12-8-2008, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku kết luận: bà Thạch bị bà Hiếu đánh gây ra thương tích có 4 vết thương; bà Thạch bị tổn hại 14% sức khỏe. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 29-10-2008, Tòa án tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu giám định lại nhưng không cho bị hại biết nguyên nhân mặc dù ngày 7-8-2007 Tổ chức Giám định Pháp y tỉnh có Văn bản số 282/CV-GĐPY khẳng định kết quả 2 lần giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe do Tổ chức Giám định Pháp y tỉnh thực hiện là chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ngày 29-12-2008, tức là sau gần 4 năm xảy ra sự việc, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku đưa bà Thạch đi giám định lần thứ 3. Ngày 29-12-2008, Viện pháp y Quốc gia đã kết luận sức khỏe của bà Thạch bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là… 3% (ba phần trăm). Vì vậy, hành vi cố ý gây thương tích của bà Hiếu không cấu thành tội phạm.

Viện Kiểm sát thừa nhận sai sót…

Trong Kết luận điều tra bổ sung số 02/KLĐT, ngày 12-8-2008 do Thiếu tá Nguyễn Lộc Oanh ký, nêu: Bà Hiếu lấy bình bông “đập” vào đầu bà Thạch thay cho từ “ném” trước đây. Kết luận này cũng ghi: Kết luận số 209/BV-GĐ-PY ngày 30-6-2005 của Tổ chức Giám định pháp y tỉnh Gia Lai kết luận tổn hại sức khỏe của bà Phương Thị Thạch 14% là có cơ sở và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án, bị can đến VKSND TP. Pleiku đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Hữu Hiếu về tội cố ý gây thương tích.

Ngày 20-9-2010, Thượng tá Nguyễn Văn Long- Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Pleiku có Quyết định số 679/QĐ, nội dung: Quá trình điều tra bổ sung, Công an TP. Pleiku ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, phục hồi điều tra bị can. Và, 4 vết thương một lần nữa được khẳng định là có cơ sở nhưng tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bà Thạch không được chấp nhận. Vì vậy, Quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 03 và Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01 đối với bà Hiếu ngày 4-6-2009 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku ký là đúng quy định của pháp luật.

Không đồng tình với cách trả lời của Công an TP. Pleiku, bà Thạch tiếp tục viết đơn khiếu nại, nêu rõ: Vết thương do bà Hiếu gây ra đến ngày giám định lại lần thứ 3 là gần 4 năm nhưng các giám định viên không căn cứ vào hồ sơ ban đầu mà chỉ căn cứ vào vết tích còn lại sau gần chừng đó năm điều trị để kết luận tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bà liệu có chính xác? Sau khi nghiên cứu đơn, ngày 22-10-2010, Viện trưởng VKSND TP. Pleiku ra Quyết định số 389/QĐ/VKS-KT khẳng định Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra đối với bị can Nguyễn Thị Hữu Hiếu của Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Pleiku là có căn cứ. Đồng thời, ngày 7-12-2010, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh cũng có QĐ số 01/QĐ/VKSND- P1A đồng tình với cách trả lời trên.

Ngày 21-2-2013, bà Thạch nhận giấy báo tin của VKSND tỉnh Gia Lai (số 149/VKS-P.1A), thừa nhận: Việc đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku là đánh giá tính chất, mức độ của vụ án thiếu chính xác, bỏ lọt tội phạm. Nhưng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết, không thể phục hồi để điều tra, xử lý đối với bị can trong vụ án được, đề nghị bà gửi đơn đến Tòa án Nhân dân TP. Pleiku giải quyết bồi thường theo thủ tục dân sự?

Tiếp theo đó ngày 13-3-2013, bà Lê Thị Thu Hà-Viện trưởng VKSND TP. Pleiku cũng mời bà Thạch đến xin lỗi và nhận hai vấn đề sai sót trong quá trình xử lý vụ án, như: Công an TP. Pleiku bỏ lọt tội phạm; VKS truy tố bà Hiếu theo khoản 1, điều 104 Bộ luật Hình sự là không đúng mà phải vào khoản 2, điều 104 của Bộ luật này vì “dùng hung khí nguy hiểm”.

Tại buổi làm việc với chúng tôi, bà Thạch cho rằng: Là cơ quan giữ vai trò thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật thử hỏi trách nhiệm của VKS ở đâu; một vụ án hết sức đơn giản, lẽ nào Cơ quan Cảnh sát Điều tra không biết mình bỏ lọt người lọt tội?

Theo bà, nếu tính từ ngày bà Hiếu thực hiện hành vi phạm tội (8-6-2005) đến ngày 21-2-2013 (ngày VKSND tỉnh ban hành văn bản số 149) về việc thừa nhận sai sót chỉ mới 7 năm 8 tháng 13 ngày nên VKS trả lời thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết là không đúng. Bên cạnh đó, với cách yêu cầu giám định quá kỳ lạ của cơ quan tố tụng để có kết quả giám định khác nhau liệu có thực sự công bằng? Và kết quả giám định của Tổ chức Giám định Pháp y tỉnh lâu nay có tin cậy?

Lệ Hằng

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý; nghiên cứu và lập các dự án đầu tư trồng rừng đối với diện tích đất rừng khộp chưa có rừng...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Hùng Hoa Lư

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo trước Quảng trường Đại Đoàn Kết

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn trước Quảng trường Đại Đoàn Kết; phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng nước tràn qua đường tại Ngã ba Di tích Quốc gia chiến thắng Plei Me trên tỉnh lộ 665. 

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP.Pleiku

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh quản lý đang xuống cấp, lãng phí; cải tạo hồ nước trước Bảo tàng tỉnh để trồng sen; cơ chế cho thuê rừng trồng dược liệu...

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Theo vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sinh, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông được cấp năm 2005, đường hẻm rộng 7 m tiếp giáp với thửa đất của bà Nguyễn Thị Duyên. Ảnh: T.D

Cần giải quyết thỏa đáng khiếu nại liên quan đến đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng

(GLO)- Từ năm 2020 đến nay, một số hộ dân ở tổ 2 (phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã nhiều lần kiến nghị vì cho rằng cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chồng lên đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và mất mỹ quan đô thị.