Euro giữa lòng chợ đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không biết có phải ngẫu nhiên, mà cái ngày tôi đi viết đề tài này, trời Pleiku bập bùng mưa bão. Cơn gió hung dữ rít qua những tấm bạt của sạp hàng, nhưng ở một góc nhỏ của chợ đêm Pleiku, vẫn tồn tại một Euro. Một Euro rất khác…

Quả bóng Tango 12 đang lăn những vòng xoay hấp dẫn của nó bên trời Âu. Nhưng với bác xe ôm Nguyễn Thái Bình-phường Phù Đổng, TP. Pleiku, thì ký ức về Euro đã xa mờ lắm. Bác là một người đàn ông nhỏ thó, hai má hóp lại, gương mặt dạn dày vì sương gió của chợ đêm. Hai vợ chồng bác có với nhau bốn mặt con, hai đứa đã nên vợ nên chồng, còn hai đứa đang tuổi ăn học nên hàng ngày bác vẫn kiếm tiền trên chiếc xe Honda cũ kỹ.

Tâm sự với tôi bằng một giọng khàn của người bị viêm họng mãn tính, bác Bình trầm ngâm: “Làm cái nghề xe ôm này đã 24 năm, trải qua bao nhiêu sóng gió, không tranh đua được với cánh xe ôm ban ngày nên bác đành về nơi chợ đêm. Chạy suốt từ 10 giờ đêm đến gần sáng, nên đâu có thời gian mà bóng với banh. Nhớ hồi 95 hay 96 (1995, 1996-N.V) gì đó còn được coi Euro, chứ từ đó đến nay có bao giờ được xem nữa đâu.

 

Những bác xe ôm tránh tạm vào quán cà phê cóc xem bóng đá. Ảnh: L.N
Những bác xe ôm tránh tạm vào quán cà phê cóc xem bóng đá. Ảnh: L.N

Cả năm được nghỉ đúng tối 30 Tết, thì cậu bảo xem lúc nào”. Bác Bình kết thúc câu bằng tiếng thở dài thườn thượt và ánh mắt lại đưa về phía xa len lỏi tìm khách. Tôi đùa: “Thế đến bao giờ bác mới định thưởng cho mình một trận đá banh đây?”. Bác cười nói chua chát: “Cứ chạy đến khi nào thân già này không thể chạy nổi nữa, khi ấy rồi coi hoài mà chán”. Dứt câu, bác tạm biệt tôi để đi đón những bạn hàng, lúc đó là 1 giờ sáng.

Nếu ai đó đã đứng giữa chợ đêm, hẳn sẽ chứng kiến những cảnh chạy đua đến rợn người. Mỗi khi một xe tải hàng trờ vào, hàng chục xe gắn máy cũ kỹ đến thô kệch, nhiều xe bị chế, xe nào cũng gắn gác chở hàng ập đến. Những tiếng rú ga xé trời, tiếng người nhộn nhạo giữa đêm khuya làm một khoảng chợ đêm thêm phần náo nhiệt. Từng kiện hàng được chất lên, rồi chiếc xe gắn máy lại vút đi tua tủa đến từng điểm giao hàng trong thành phố. Không ở đâu, tôi cảm nhận được sự tranh đua của cuộc sống mưu sinh như ở đây.

Tôi nói với một người thanh niên đứng cạnh đang chờ chất hàng: “Sắp đá rồi đó anh ơi”. Anh hiểu ý cười: “Cứ từ từ, hết xe này đã”. Trời đổ mưa tầm tã với những cơn gió lớn phần phật trên mái bạt. Những chiếc xe vẫn cứ thế lao đi, gồng gánh trên lưng những lo âu về cơm áo gạo tiền. Tôi tránh tạm vào quán cà phê cóc nhỏ, nơi có chiếc ti vi đang chiếu trận Đức gặp Đan Mạch. Trong quán, mấy bác xe ôm đang ngồi tụm lại tránh những cơn mưa tạt, miệng ôm ly trà nóng đôi mắt hướng lên màn hình. Khi tôi đưa chiếc máy ảnh chớp lấy phô hình, mấy bác xe ôm quay sang cười, vẻ thấu hiểu. Không ai nói với ai lời nào, nhưng có lẽ cùng chung một nỗi niềm, một nỗi niềm mưu sinh.

Trận đấu diễn ra chừng 20 phút, đội tuyển Đức ghi bàn, cả cái quán cóc rung lên vì tiếng hò reo ăn mừng. Không quá hạnh phúc như những người Đức thực sự, hay vui mừng kiểu của những tay cá độ, nhưng họ vẫn hò reo như để làm ấm cái bầu không khí lạnh lẽo đang bao trùm. Tiếng hò reo vang lên giữa góc nhỏ của chợ đã thu hút khá nhiều người xung quanh. Một anh thanh niên đang chở hàng ngang qua, hay bác hàng thịt bỏ vội con dao chạy vào hớt hải: ““Thằng Đức” ghi bàn rồi hả? Nhanh dữ vậy, thế này thì Hà Lan vẫn có cửa”.

Tôi gặp lại chàng thanh niên khi nãy ở chiếc xe chất hàng. Anh kịp trùm lên mình bộ áo mưa, dù cho người đã ướt. Anh cũng mỉm cười nhận ra tôi và trò chuyện rất cởi mở. Anh bảo: “Anh thích “thằng” Đức từ năm 2008 đến giờ, nó đá tấn công thì thôi rồi. Năm nay chắc phải dập lại “thằng” Tây Ban Nha cho sợ”. Anh ngồi cổ vũ cuồng nhiệt như một fan Đức thực thụ. Nhưng khi Đan Mạch vừa có bàn gỡ hòa, một xe hàng chất đầy chôm chôm miền Tây lại tới, anh nói lời chào vội rồi cùng những bác xe thồ khác rồ ga vụt đi trong đêm mưa bão. Anh bỏ lại đội bóng mình yêu thích, bởi trước mắt là những thùng chôm chôm, hay xa hơn, là cuộc sống.

Cơn mưa to vẫn cứ quần quật xuống cái chợ. Hai cậu bé ăn mặc phong phanh mặt lấm lem chạy vào quán với xấp vé xổ số. Hai em chừng mười tuổi, mái tóc rối bù ướt nhẹp vì mưa, khuôn mặt hốc hác quen thuộc của những kẻ đi đêm. Hai em mừng rỡ hẳn khi tôi mua tờ vé số, một em nói: “Anh mới là người thứ ba mua vé số cho em từ tối đến giờ đó. Tự nhiên hai hôm nay có bão, bán ế quá”, rồi cầm xấp vé dày cộm đi mời từng người trong quán. Lúc đó đã là gần 3 giờ sáng.

Đêm dần trôi, quả bóng vẫn cứ lăn. Và những con người ở chợ đêm này cũng có một Euro của riêng mình. Một Euro trong cơn mưa bão lạnh cầm cập, trong dòng nước mưa lênh láng giữa đường, trong những mùi hôi tanh quen thuộc của thịt cá. Và một Euro chỉ được nghe qua tiếng hò reo của số đông ở một quán cà phê nào đó. Gần thôi, ngay sau những ngôi nhà cao tầng kia. Cơn mưa vẫn tuôn, quả bóng vẫn lăn và những chiếc xe vẫn rú ga chạy đi tìm cuộc sống…

Lê Ngọc
 

Có thể bạn quan tâm

Tennis là một trong những môn thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phát triển của pickleball. Ảnh: L.V.N

Pickleball “lấn sân” tennis

(GLO)- Pickleball đang có sự phát triển mạnh mẽ trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoài cuộc. Môn thể thao mới này thậm chí còn “lấn sân” những môn thể thao truyền thống, đặc biệt là tennis.