Duyên phận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Con bé gọi chị bằng “xiếm” từ ngày nó còn bé tí, đớt đát và bệnh rề rề. Ngày đó, chị mang danh thím Sáu được gần hai năm.
Chị về làm dâu sát nhà chú út con bé. Ba nó bị tai nạn mất, má nó buồn sao đó, bỏ về nhà mẹ. Chú Út ẵm nó về nuôi, con nhỏ khó tính như yêu, mở mắt ra là nhèo nhẹo khóc, ăn khóc, ngủ khóc, nằm một mình khóc, bồng trên tay cũng khóc. Chị ở bên này nghe nó khóc mà sốt ruột, hai nhà cách nhau khu vườn, chị là dâu, bên đó nhà đàn ông cô độc, dù thèm tiếng con nít, dù quặn lòng xót ruột, chị cũng không dám bước sang.
 
Sáng đó, chị đang trải rơm che cho đám cải mới gieo, đột nhiên nghe con bé khóc thét, tiếng khóc của nó rất khác, hoảng hốt, đau đớn, không phải tiếng khóc hờn hàng ngày, chị lắng tai nghe, không thấy tiếng chú Út nó dỗ. Buông mớ rơm, chị lách rào, chạy sang.
Con bé nằm dưới đất, chân tay giang rộng, mắt nhắm nghiền và miệng mở to. Trên giường đùm đề chăn gối. Hẳn con nhỏ ngủ dậy rồi lật, rớt xuống giường. Chị nhẹ nhàng đụng vào tay nó, con nhỏ chợt im bặt, mở mắt nhìn chị. Chỉ một thoáng, cái nhìn của nó khiến tim chị rung lên. Rồi ngay sau đó, nó lại ngoác miệng nức nở. Chị không ngần ngại, nâng nó lên, con bé nhẹ như búi rơm khô, rất nhanh, nó bám lấy chị, quắp chặt như con mèo nhỏ. Nó dụi khuôn mặt nhỏ vào ngực chị như tìm hơi. Chị tỉ mẩn kiểm tra đầu, tay chân nó, tiếng khóc của nó đã nhỏ đi, chỉ còn là những tiếng thút thít nho nhỏ đầy tủi thân.
Chị ôm con bé về nhà, bắc vội lon gạo kiếm miếng nước cơm bón cho nó. Con bé tóm tém nhai, cái mỏ hớn lên đòi. Được lau rửa sạch sẽ, con bé nhìn cũng sáng sủa, hai mắt to, đen láy, môi đỏ và gầy đến thương. Lúc chị đang chơi với con nhỏ sạch tinh thì chú nó đến. Anh gãi đầu “xin lại” con nhỏ. Rồi anh bối rối: Sáng tui đi bán mớ cá, tính về ngay, tui chèn chăn gối quanh nó nhiều lắm, lúc về cái xe trở chứng...
Khi ấy, Sáu, chồng chị về tới, kêu đói và rủ anh hàng xóm:
- Làm một ly, anh Bảy!
Anh từ chối, đón con bé và bưng luôn chén nước cơm về. Chị thấy hai tay mình trống tênh, trong lòng cũng trống tênh. Chị thích con nít lắm, hồi còn ở nhà, con nít trong xóm đứa nào cũng quý chị, sân nhà chị lúc nào cũng có vài đứa trẻ lớn nhỏ, cũng do chị hay tước lá dừa kết cào cào, bông hoa hay con ngựa cho chúng chơi.
Lấy chồng, chị mong con lắm mà chưa thấy, nhà hai người lớn ra vào đụng nhau vậy mà vẫn thấy trống trải. Lấy nhau rồi, khác với hồi mới quen, hồi đó đi đâu cũng muốn đi cùng nhau, nói chuyện linh tinh cũng thấy vui. Về cùng nhà rồi, thấy chẳng còn gì để nói, vợ chồng rồi còn chở nhau ra quán uống trái dừa thấy kỳ kỳ, trời còn sớm, ngồi coi ti vi cạnh nhau đụng chân đụng tay cũng thấy kỳ kỳ, nhìn nhau cười cũng thấy kỳ kỳ..., má chồng ngồi đó, sao dám.
Cũng chạy cũng chữa, Sáu càng về sau càng ơ hờ, đi nhiều hơn, đêm không về là thường. Một ngày không về là thường, một tuần không về là thường, vắng nhà cũng thường. Lâu lâu có tin thấy anh cùng ai đó, khi vùng trên, khi miệt dưới. Má chồng đau ốm, mình chị tay lau tay ẵm, anh thi thoảng có sang, khi biếu con cá mới bắt, khi miếng thịt tươi mới mua. Con bé lẽo đẽo theo chân chị, nheo nhẻo gọi “xiếm” ơi. Má chồng nhìn chị thở dài.
Má chồng mất, Sáu có về, chu đáo tang ma. Chị với Sáu như người xa lạ. Chuyện của má xong, Sáu nói: Tui không ở xứ này nữa đâu, nhà này em cứ ở, nhờ em hương khói ba má giùm. Chị nuốt nước mắt:
- Anh thương người khác rồi phải không? 
Sáu lắc đầu, ngồi y thinh vậy cả đêm, sáng sớm khe khẽ lách cửa đi. Chị biết nhưng không cản. Chân người muốn đi, lòng người muốn rời, giữ sao được. Chị ra vào lủi thủi, có đi cũng không biết đi đâu, quê nhà giờ đâu còn ai, về chi để nghe tiếng chì tiếng bấc. Thôi thì nơi này ít ra cũng còn cái nhà che mưa tránh nắng. Con nhỏ hàng ngày chui rào qua với chị, như con chó nhỏ vui vẻ. Chú Út nó vụng nhưng con nhỏ dễ tính dễ nuôi, cho gì cũng ăn, ru là ngủ. Nó lanh lợi và khôn sớm. Từ ngày biết lạ quen, nó đã bám chị. Ban ngày nó qua ăn cơm, kêu chị nấu ngon, tối đến ngủ luôn không về. Chú nó qua rước một lần, trúng bữa đó chị gội đầu, chị hất tóc nhìn, thấy anh đỏ mặt rồi hấp tấp về. Chị ngẩn người, lúc đóng cửa mới thấy ngực áo mình ướt đẫm. Sau đó anh không sang nữa, nhắn tin nói, cho tui gửi con bé bên đó nha.
Con nhỏ cười khanh khách, lộn mèo lùng nhùng trong cái võng y con cá mắc lưới. Nó nói ngủ giường “xiếm” ấm ghê, thơm ghê. Nhà “xiếm” thứ gì cũng thơm. Giường chú Út con cứng quèo tội nghiệp quá hà, hôm qua đó, chú Út kêu con đưa “xiếm” con cá to, nói sợ “xiếm” mắc xương, mấy con nhỏ chú ăn. Chú Út thương “xiếm” quá trời!
Chị đỏ mặt, không biết nói sao, ngẩng lên thấy chú nó đứng sựng bên kia rào, mặt đỏ lựng. Con nhỏ a lên: “Con hông về đâu, con ở nhà “xiếm” hà, chú có ở hông?”. Anh đưa nó trái bắp nướng, tất tả bỏ đi. Có lần nào đó, chị hỏi, mai mốt con nhỏ lớn, nó sống cuộc đời của nó, anh Bảy mình ên hoài sao?
Con bé đi học, người ta đòi giấy khai sinh mới chưng hửng, cả tuần lên lên xuống xuống, cuối cùng con bé cũng có tên, nó đánh vần tên má trong tờ giấy, tên ai vậy, con muốn “xiếm” là má hà! Anh quăng tờ giấy, bồng thốc con nhỏ về nhà, chị ngó theo mắc cười, sao cấm được miệng con nít, người lớn phức tạp, sao không học tụi nhỏ, thương nói thương, ghét nói ghét, giấu lòng chi?
- Con nhỏ như chui trong bụng tui, Sáu thấy sao? - Anh nói lúc giúp chị vãi hạt.
- Ổng tên Sáu chớ tui thứ Tư.
- Con nhỏ cần một gia đình, tui biết Tư thương nó hổng hết, con nhỏ thương Tư, tui… cũng vậy. Chi bằng..., nhà bên này cứ để thờ ba má anh Sáu.
Sớm tinh sương, rìa con lộ có ba dáng người chờ đón xe lên thành phố. Con nhỏ tóc hai sừng nhảy cà tưng, đó giờ nó mới được đi ô tô, sáng nay kêu cái nó dậy liền, không ỏn ỉ như mấy bữa. Lúc chị nắm tay con bé kéo mở cánh cửa, đã thấy anh ngồi ngoài hiên, cạnh cái túi, vai áo âm ẩm. Anh ngượng nghịu:
- Tui… ngủ không được, sợ… Tư đổi ý.
Con nhỏ đã ngủ say trong lòng anh, anh lấy cái áo khoác đưa chị đắp, nói ngủ đi, còn lâu mới tới. Chị lắc đầu, nghĩ tới lúc gặp Sáu, biết nói gì. Người ta có giễu chị ham chồng quá mà mang đơn ly hôn tìm chồng cũ nhờ ký không. Anh nhìn quanh, đưa tay kéo đầu chị gục vào vai mình:
-Tui nghĩ ảnh không khó khăn đâu. Ngủ đi, có tui ở đây, đừng lo.
NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
(Dẫn nguồn theo SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.