“Duyên nghiệp” với chiếc dao mổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 4-1966, vừa hoàn thành khóa học đặc biệt chuyên khoa Ngoại- Chấn thương để về phục vụ cho chiến trường miền Nam, y sĩ Nguyễn Hữu Nam được điều về công tác ở khu 4 (huyện Chư Pah cũ). Chiến sự lúc bấy giờ đang rất ác liệt. Trên đường đi, người giao liên bị địch phục kích bắn bị thương; y sĩ cùng đi bèn dẫn Nguyễn Hữu Nam chạy thẳng xuống chỗ trú của du kích B6- nay là xã Ia Hrung (huyện Ia Grai, Gia Lai). Nhiều ngày sau, lực lượng quân báo báo cáo về tỉnh: 1 y sĩ tăng cường đã mất tích trên đường về khu 4 nhận công tác.
Người đàn ông đang trò chuyện cùng tôi lúc này vẫn là bác sĩ Nguyễn Hữu Nam, nhưng câu chuyện ông vừa kể đã cách xa mốc thời gian hiện tại đến 45 năm. Người thanh niên đầy nhiệt huyết năm ấy giờ đã có thể an tâm nghỉ ngơi sau khi hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ công tác, trong thời chiến lẫn thời bình.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nam và người bạn đời-bà Nguyễn Thị Thính. Ảnh: Phương Duyên
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nam và người bạn đời- bà Nguyễn Thị Thính. Ảnh: Phương Duyên
Đa số những người mới gặp lần đầu đều e ngại với vẻ bề ngoài của ông. Vậy nhưng, rất nhiều người biết đến danh tiếng người thầy thuốc ưu tú này cùng những cống hiến hết mình trong chuyên môn. Anh xe ôm ở đầu cầu sông Ba (thị xã An Khê) nhanh nhẹn chở giùm tôi đến ngôi nhà khiêm tốn, giản dị của ông trên đường Hùng Vương, cũng tranh thủ nói thêm trên quãng đường ngắn ngủi: “Bác sĩ Nam giỏi lắm à nghen!”.
Ăn rừng, ngủ núi
Chỉ sau một lúc trò chuyện, tôi đã “bắt mạch” được một tật xấu của ông, đó là thuốc lá. Ông cười: “Biết làm sao được, thói quen lâu ngày, khó bỏ lắm”. Có vẻ như trong những sợi khói thuốc vấn vít, ông đang tìm kiếm lại những câu chuyện xưa cũ.
…Bác sĩ Nguyễn Hữu Nam vốn là học sinh miền Nam học tập ở miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1963. Sau đó, với yêu cầu bức bách về đội ngũ y-bác sĩ phục vụ cho chiến trường miền Nam, ông tham gia một khóa học đặc biệt đào tạo y sĩ chuyên khoa Ngoại-Chấn thương. Lý do cũng hết sức đơn giản: “Lúc đó tôi nhớ quê (xã Song An-thị xã An Khê-P.V), nhớ miền Nam quá, nên đăng ký học khóa này để được về sớm hơn, vì học khóa này chỉ mất có 2 năm, những khóa khác thì phải mất đến 3 năm”. Ông quay trở về Gia Lai khi vừa tròn 23 tuổi. Mảnh đất quê hương “chào đón” ông bằng một trận phục kích thẳng thừng như đã kể trên.
Mùi bom đạn, sự khốc liệt của chiến tranh lập tức bao vây lấy chàng thanh niên vừa rời cán bút. Tuy chỉ là y sĩ, nhưng Nguyễn Hữu Nam xử lý các vết thương rất tốt và phẫu thuật cũng rất khá do những lần phụ mổ cùng các thầy ở trường. “Không biết mổ thì qua thực tế nhiều lần rồi cũng mổ được”-ông nói. Lúc bấy giờ, chiến trường chính là thực tế sống động nhất và cũng nghiệt ngã nhất. Trong trí nhớ của ông vẫn thường trở đi trở lại những ngày phối hợp với bộ phận hậu phẫu của Bệnh viện 211 khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra.
Trong chiến dịch này, bộ đội bị thương hàng loạt, ông mổ suốt ngày, hàng trăm vết thương các loại từ sáng sớm cho đến tối mịt và không thể nhớ mình đã mổ bao nhiêu ca, chỉ biết mỗi khi buông dao mổ xuống để kiếm tìm một giấc ngủ thì hai chân đã sưng to vì phải đứng cả ngày. “Trong núi, điều kiện mổ xẻ không như bây giờ: Cả bệnh xá chỉ có 2 bộ đồ dành cho các y sĩ mặc khi phẫu thuật. Mổ đến ca thứ 3 thì phải luộc quần áo để khử trùng, thương binh lại nhiều nên nhiều lúc chúng tôi phải mặc đồ ướt mà mổ”-bác sĩ Nam kể về những khó khăn, thiếu thốn thời ấy.
Trong ký ức của ông, cảnh vật vẫn rõ mồn một: Bệnh xá dã chiến nằm gần suối và hang đá. Y sĩ cũng như y tá đều phải làm các việc thay băng, giặt băng gạc, hấp dụng cụ y tế, đi gùi gạo, hái rau… Nan giải nhất là họ thường xuyên phải tiến hành phẫu thuật trong hang đá, chỉ với sự hỗ trợ của đèn pin hoặc đèn cầy; chưa kể, có lúc họ phải mổ bằng ánh sáng của… đèn xe đạp.
Hít thở không khí hòa bình đã 36 năm nay, nhưng những ngày ăn rừng ngủ núi cùng thương binh trong tiếng bom đạn vẫn là ký ức đầy ám ảnh, với ông. Ông trầm ngâm kể lại: Cả khu 4 lúc ấy chỉ có 2 y sĩ, không có bác sĩ. Một lần, vào năm 1967, ông phân công một số anh em trong bệnh xá đi đánh cá để cải thiện bữa ăn cho thương binh. Gần 10 giờ đêm, quân ta về báo có biệt kích. Ngay lập tức, trong đêm, toàn bộ thương-bệnh binh được di chuyển đến nơi an toàn. 5 giờ sáng hôm sau, địch kéo đến nhưng không tìm thấy gì bèn đốt phá hết lán trại. Bệnh xá nhanh chóng có quyết định chuyển đi nơi khác. Khi dựng tạm lán cho thương binh và đào hầm xong thì đã 5 giờ chiều.
Trong rừng già, bóng tối sập xuống rất nhanh. Chị nuôi vừa cho thương binh ăn cơm xong thì biệt kích trên núi bất ngờ ập xuống. Đêm đó, địch càn, bắn phá đến sáng. Cả bệnh xá lạc nhau, mãi đến 5 ngày sau mới tập trung lại được. Trước mắt họ là một khoảnh rừng bị xé nát, tan hoang.
“Nhưng, chúng tôi lúc đó trẻ tuổi, hăng hái. Ở giữa sự sống và cái chết nhưng không biết sợ là gì, chỉ biết làm hết mình”- bác sĩ Nam trải lòng.
“Nghề y đã ngấm vào máu thịt của tôi”
Xốc vác, quyết đoán- đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp đã từng công tác với bác sĩ Nam và những người từng gặp gỡ, tiếp xúc với ông. Ông ít nói nhưng thường đưa ra quyết định rất nhanh, dứt khoát, chuẩn xác. Có lẽ đó là cá tính được trui rèn từ thời chiến, khi mà ông thường xuyên phải đối mặt trước lằn ranh sinh- tử và khi đó một phút chần chừ có thể sẽ giết chết một mạng người.
Một buổi sáng tháng 4-1987, khi mới về nhận công tác tại Trung tâm Y tế huyện An Khê (nhưng chưa nhận nhiệm vụ cụ thể), bác sĩ Nam thấy một chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân chạy nhanh vào cổng, ông bèn đi thẳng vào xem có thể giúp được gì. Bác sĩ trực cho biết đây là một phụ nữ có thai ngoài dạ con được chỉ định chuyển viện gấp lên Pleiku, nhưng giữa đường xe chết máy, phải trả về. Lúc này, bệnh nhân đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp: Mất máu nhiều, mạch không, huyết áp bằng không. Trong khi đó, Trung tâm lại không có điện. Bác sĩ Nam, đã từng được đào tạo chuyên ngành phụ là Sản khoa, nhanh chóng quyết định: Không chuyển lên tuyến trên nữa mà xử lý tại chỗ. Cuối cùng, bệnh nhân những tưởng cầm chắc cái chết đã được cứu sống kịp thời.
Bác sĩ Nam không nói nhiều về tình yêu với quê hương- ông vốn dĩ là người ít nói. Nhưng 15 năm gắn bó với An Khê, tình yêu ấy đã cháy cùng với niềm đam mê công việc. Bằng sự quyết đoán và chuyên môn chắc chắn của mình, ông đã xử lý rất nhiều ca khó như vỡ lá lách, vỡ gan, vỡ tử cung… mà không cần chuyển lên tuyến trên. Thậm chí, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày cũng được Trung tâm Y tế An Khê thực hiện trước cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chính vì thế, có người nhớ ơn ông qua một ca sinh mổ khó, đã lấy tên ông đặt tên cho con.
Nhiều bạn bè thân thiết của ông cũng kể lại: Năm 2008, khi ông về thăm lại bà con làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ), nhiều người chân tay còn nguyên bùn nương đất rẫy đã ôm chầm lấy ông, thầy ba-gang (thầy thuốc) thuở nào. Một phụ nữ Bahnar lớn tuổi cũng nhìn ông chăm chú rồi nắm tay mừng tủi: Thì ra, cách đây gần 40 năm, ông đã cứu sống bà khi bà đang đến rất gần cơn hấp hối do sót nhau sau sinh.
Tuy vậy, trong hàng ngàn ca mổ trong đời người thầy thuốc, nhiều lần ông cũng phải học cách chấp nhận thất bại. Có một ca mà đến giờ ông vẫn nhớ: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm buồng trứng, tử cung, nhiễm trùng nặng ở ổ bụng. Ca mổ khó và nguy hiểm. Ông kiên trì đứng mổ một mạch từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau, nhưng nỗ lực ấy vẫn không níu giữ được chút hơi thở cuối cùng của người bệnh. Tiếng nhạc hiệu trong chương trình thể dục buổi sáng quen thuộc của đài phát thanh vang lên. Một ngày mới đang đến, rộn ràng và tinh khôi, nhưng bác sĩ Nam thì lại rã rời vì một đêm trắng cùng nỗi buồn đè nặng…
“Nghề y đã ngấm vào máu thịt tôi”- bác sĩ Nam nhìn lại và nói thật giản dị. Hơn 45 năm trong nghề, khi làm chuyên môn, khi làm công tác quản lý, lúc còn là y sỹ cũng như khi đã đi học và trở thành bác sỹ... song lúc nào ông cũng tự nhủ: Luôn hết mình với nghề, không ân hận. “Trong cơ chế thị trường hiện nay, cũng có một số y- bác sĩ “vô cảm” với người bệnh, nhưng không phải ai cũng vậy. Vẫn còn rất nhiều những người rất có tâm, luôn dốc lòng cứu người, họ nói ít nhưng làm nhiều. Tôi chỉ mong trong ngành luôn có nhiều thầy thuốc có tâm như vậy”-ông ngước lên, trong mắt hấp háy một ánh nhìn hy vọng.
“Vô cảm” có lẽ là một tính từ quá xa lạ với ông, người đã đi qua lửa đạn và hiểu rất rõ giá trị của sự sống, người luôn giữ cho mình một cách sống sáng trong. Rồi ông quàng tay qua vai vợ, bà Nguyễn Thị Thính- người phụ nữ gắn bó với ông từ những ngày ở khu 8- của những năm đầu 70 thế kỷ trước, và trân trọng nói: “Nhưng nếu không có vợ tôi thì tôi không thể nào phấn đấu với nghề được như vậy”. Qua bao gian khó, bà luôn là “hậu phương” vững chắc của ông, chia sẻ những khó khăn, sớm hôm chăm lo cho 4 người con khi ông phần lớn thời gian ngập đầu trong công việc. Nhưng người phụ nữ ấy cũng không thích kể nhiều về mình. Bà chỉ lặng lẽ nhìn ông và nở một nụ cười thỏa nguyện…
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.