Từ nhiều tháng qua, ở cơ quan nơi tôi làm việc, đeo khẩu trang đã trở thành một việc làm tự nhiên, phổ biến. Mọi người đều đã quen và tuân thủ quy định về việc đeo khẩu trang, ai cũng thấy dễ chịu trong sinh hoạt, làm việc trong không gian chung với chiếc khẩu trang.
Một số nhân viên trẻ ở các đơn vị khác trong cùng tòa nhà không đeo khẩu trang khi vào thang máy, lập tức sẽ được nhân viên bảo vệ nhắc nhở. Nhiều bạn trẻ ra ngoài, có mang khẩu trang nhưng quên đeo khi được nhắc sẽ nhớ ra và nghiêm túc chấp hành.
Những ngày qua, câu chuyện đeo khẩu trang lại nóng khi Nghị định 117/CP áp dụng các mức phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11. Điểm a, khoản 1 của Nghị định này chỉ rõ phạt tiền từ 1 triệu - 3 triệu đồng với các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Dù mức phạt đã tăng lên gấp 10 so với trước nhưng ở nhiều đô thị lớn, một bộ phận người dân vẫn chưa chấp hành triệt để, nhiều người còn rất thờ ơ khi không đeo khẩu trang lúc ra đường hay đến nơi công cộng.
Lần này, đã thấy TP Hà Nội mạnh tay. Ngày 17- 11, lực lượng chức năng của quận Cầu Giấy đồng loạt ra quân tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người dân không đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 tại các nơi công cộng, chợ trên địa bàn. Một tiểu thương chợ Nghĩa Tân bị lực lượng chức năng của quận phạt 2 triệu đồng do không đeo khẩu trang. Đây rõ ràng là mức phạt có tính răn đe để người dân lấy đó làm gương mà nghiêm túc chấp hành.
Việt Nam chống dịch Covid-19 thành công là nhờ chỉ đạo sáng suốt của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, thực thi nghiêm túc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ý thức tuân thủ của người dân. Tính đến ngày 18-11, Việt Nam đã qua 77 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng. Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu kép và là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Nhưng đã có được thành quả đó thì phải biết cách giữ gìn, không được chủ quan, bởi mọi sự chủ quan đều đem lại hậu quả nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Tất cả các lực lượng phải vào cuộc quyết liệt hơn, bởi sắp tới sẽ là "mùa đông khốc liệt", đặc biệt là vào thời điểm Tết nguyên đán".
Nhiều nước châu Âu và Mỹ đã phải trả giá đắt cho việc xem thường đeo khẩu trang, nên nay đã siết chặt việc này để phòng chống dịch. Tại Việt Nam, đeo khẩu trang là một trong "5 K" (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) được khuyến cáo thi hành. Phải xem việc đeo khẩu trang không chỉ là một thói quen mà còn là quy định bắt buộc tuân thủ, trở thành kỷ cương phép nước trong hoàn cảnh cả nước phòng chống Covid-19 một cách quyết liệt, đồng lòng. Đeo khẩu trang, không chỉ an toàn cho mình và mọi người mà còn tạo tâm lý an lòng, tự tin khi bước ra đường, ở nơi công cộng. Đeo khẩu trang không làm xấu đi dung nhan mà vẫn đẹp vóc dáng, khuôn mặt, đẹp ở ý thức công dân. Hãy vì lợi ích chung của đất nước, cộng đồng, của cả gia đình và bản thân mà tuân thủ.
Đừng quên đeo khẩu trang khi bạn ra khỏi nhà.
Theo NGUYỄN HOÀNG (NLĐO)