“Đức mẹ” giữa đời thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn nửa thế kỷ qua, các sơ người dân tộc thiểu số thuộc dòng tu Phép Lạ ở cơ sở Vinh Sơn (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), đã nuôi nấng hàng trăm trẻ em bất hạnh. Tấm lòng nhân ái của các sơ đã khiến những ai- dẫu chỉ một lần đến đây cũng không thể kìm được sự cảm phục…

Những đứa con từ cõi chết

…Mưa ập đến như nghiêng cái ghè mà trút. Tiếng con chim lợn văng vẳng lúc gần lúc xa trong màn đêm ướt át. Cả làng chìm trong giấc ngủ mê mệt nhưng cái tai già làng vẫn thức. “Con chim lợn kêu không dứt, chắc Yàng lại giáng họa rồi”. Linh tính người già không sai. Sáng ra quả nhiên có người đến mách: Đêm qua làng có người về Atâu. Thằng nhỏ đẻ ra không có người cho bú, chắc phải cho nó theo mẹ thôi…”- Lại thêm một con người chết mà chưa biết tuổi”- lòng người già chợt nhói lên cùng lúc với tiếng thở dài- nhưng cái tục “Nao tu mí” (con theo mẹ) đã có từ đời ông bà rồi, biết làm sao!

- Hôm đó mình có chút việc ở xã An Mỹ- sơ Y Đeo kể. Biết được tin cũng là chuyện tình cờ… Từ xã An Mỹ vào đến xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) phải hơn năm mươi cây số. Chưa từng đến mà cũng chẳng có phương tiện gì nhưng mà một linh hồn bé bỏng đang cần được cứu vớt. Không chần chừ, mình thuê ngay một cuốc xe ôm chạy thẳng tới đó... Cảnh tượng trước mắt khiến mình nghẹn lòng: Một hình hài rúm ró trong tấm áo rách để dúi vào một góc nhà, thiêm thiếp từng hơi thở đứt quãng bên xác người mẹ xấu số manh chiếu rách che không kín đôi chân loang lổ những vệt máu chưa khô… Nghe nói có người muốn xin “đứa con ma” về nuôi, ông trưởng họ lững thững đi tới. Mở to cặp mắt đục lờ như để nhìn cho rõ chuyện lạ, ông thủng thẳng: “Người Bahnar ta từ đời ông bà, mẹ chết thì phải cho con theo, người lạ không nuôi được đâu!”. Những lời phân bua, giải thích của sơ có lẽ đã trở nên vô ích nếu không nhờ đến già làng. Có lẽ bộ quần áo tu sĩ trên người sơ đã giúp ông hiểu ra tất cả… Chẳng kịp hỏi tên làng, tên cha mẹ bé, sơ bọc tấm hình hài đang thoi thóp vào lòng cùng người lái xe ôm chạy thẳng một mạch về Vinh Sơn…

Bé Pi Yo Rông ngày vừa được cứu sống khỏi hủ tục. Ảnh: N.T
Bé Pi Yo Rông ngày vừa được cứu sống khỏi hủ tục. Ảnh: N.T
“Đứa con của làng ma” trong cái đêm hãi hùng tháng 7-2007 ấy- bây giờ là cháu Pi Yo Rông cứng cáp khỏe mạnh đang ngồi trong lòng sơ Y Đeo làm nũng… Mắng yêu bé với một cái hôn âu yếm, sơ quay sang tôi: “Chu cha lúc đưa cháu về đây, mình vừa vạch vạt áo ra các sơ đã rùng mình. Phải sau 3 lần tiếp sữa cháu mới cất được tiếng khóc. Dù vậy vẫn chưa ai tin là có thể giành lại sự sống cho cháu. Không nói ra nhưng cứ chập chờn trong lòng điều tất yếu phải đến… Vậy mà rồi như có phép nhiệm màu, ngọn lửa sự sống trong cháu cứ sáng dần. Đến ngày thứ 10, chúng tôi nghẹn ngào nhìn nhau không thốt ra lời khi cháu cất được tiếng khóc thật của một sinh linh bé bỏng. Như không ai còn nhớ mình đã bao đêm thức trắng, bao đêm phải xông pha mưa gió đập cửa bác sĩ cầu cứu… Kể lại thảm cảnh 4 năm về trước, tôi có cảm giác giọng sơ như vẫn còn vương nước mắt…


Bốn trăm cảnh đời non nớt ở Vinh Sơn này kể hết có lẽ phải cần đến một “trường thiên phóng sự”. Tụ về đây từ hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên, mỗi cháu mỗi cảnh đời. Chỉ riêng tấm bảng ở cơ sở Vinh Sơn I, những dòng chữ đã nhói lòng tôi: 17 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, 70 cháu mẹ chết, 51 cháu cha chết; 36 cháu hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, 10 trẻ sinh đôi, 5 trẻ tàn tật… Trong gần 180 mảnh đời bất hạnh này, trừ số cháu có hoàn cảnh cha chết hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu còn lại đều có thể trở thành nạn nhân oan uổng. Lệ tục truyền đời của người Tây Nguyên không chấp nhận trong cộng đồng sự dị biệt: Mồ côi mẹ lúc mới lọt lòng, tàn tật, đẻ sinh đôi… bởi đó là “những đứa con của ma quỷ”, chúng có thể mang lại tai họa bất thường cho cả cộng đồng. Cuộc sống mới dù đã loại bỏ được khá nhiều hủ tục, song sự rơi rớt của nó có lẽ phải còn rất lâu nữa mới dứt. Giữa mái ấm Vinh Sơn, tôi vẫn còn cái cảm giác ớn lạnh khi lướt qua những gương mặt non nớt, trong veo sự vô tư, không hề biết đến cái “lẽ ra” của số phận mình…

Mái ấm tình người

Tỉnh Kon Tum hiện có 5 dòng tu nữ, song chỉ có dòng tu “Ảnh phép lạ” là dòng tu duy nhất nhận sứ mệnh nhân đạo cao cả này… Sơ Y Biut- người phụ trách mái ấm Vinh Sơn I kể: Ngay khi ra đời dòng tu vào năm 1947, các sơ đã tiếp nhận các cháu có hoàn cảnh bất hạnh về nuôi dưỡng. Ngày đó, cơ sở Vinh Sơn chỉ là một túp lều nhỏ nằm phía sau nhà thờ gỗ Kon Tum K’Nâm. Hai sơ Nguyễn Thị Sang và Y Bưih là người đã có công gây dựng nên cơ sở Vinh Sơn. Bây giờ, cả hai sơ đã về với Yàng và các đấng thần linh… Cùng với thời gian, do các cháu được mang về quá đông, có lúc lên tới gần 500- Vinh Sơn phải tách thêm cơ sở II. Ngoài phần trợ cấp của Nhà nước và các nhà hảo tâm, để có đủ cơm áo nuôi nấng, có tiền thuê thầy cô vào dạy học cho ngần ấy cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, các sơ phải dành thời gian tổ chức sản xuất tận bên làng Kon Ktu, xã Đak Rơ Wa… Một nguồn lực đáng kể khác là các cháu được cưu mang nay đã trưởng thành. Dẫu phần đông cuộc sống còn chật vật nhưng cũng cố dành dụm giúp các sơ những gì có thể... Các em nhỏ ngoài giờ đi học, trở về mái ấm thì tự giác giúp các sơ nấu cơm, nhặt rau, chăm em... Ai vào việc nấy như một đại gia đình đầy sự ấm áp, hòa thuận…

Những mảnh đời bất hạnh đang được nuôi dưỡng tại mái ấm. Ảnh: N.T
Những mảnh đời bất hạnh đang được nuôi dưỡng tại mái ấm. Ảnh: N.T
Dù không phải đơn độc với nỗi nhọc nhằn về vật chất thì các sơ vẫn phải gánh lấy hết thảy nỗi lòng người mẹ. Tại mái ấm Vinh Sơn I, 180 cháu đủ mọi lứa tuổi nhưng chỉ có bốn sơ đứng ra lo liệu mọi việc. Cao tuổi nhất là sơ Y Đeo (74 tuổi), sơ Y H’Nét (64 tuổi), sơ Y Biut (ngoài 60 tuổi), sơ Y Lok trẻ nhất cũng trên 55 tuổi… Mỗi ngày gà chưa cất tiếng gáy cữ đầu, các sơ đã phải dậy để lo bữa ăn sáng cho các cháu kịp đến trường đi học. Xong bữa sáng lại quày quả ra chợ lo hai bữa trưa, chiều… Một ngày bình quân các sơ phải chi trên 700 ngàn đồng cho ăn uống, không kể tiền cho học hành, sách vở, thuốc men... “Các cháu như chim non chưa rời tổ, lo xuể chuyện ăn uống, học hành, ốm đau đã đủ vất vả, vậy mà còn biết bao công việc không tên”- sơ Y Đeo nói như phân trần.
Quả thật chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đủ cảm nhận sự nhọc nhằn của các sơ chỉ riêng với những công việc “không tên” đó: Cháu khóc đòi bế, cháu la cởi áo quần cho đi vệ sinh, cháu đòi ăn giữa bữa, cháu mếu máo đến níu áo mách bạn giành mất đồ chơi… Một thế giới nhằng nhịt những mối dây trì kéo, chỉ thoạt nhìn cũng đã đủ váng đầu. Phải là những tấm lòng nhân hậu, nhẫn nại đến khác người- chính xác hơn là tấm lòng của một người mẹ đầy nhân hậu mới từng ngày đối diện rồi chu toàn cái xã hội rối rắm ấy… Chưa hết. Chẳng riêng gì các cháu ở đây. Nhiều cháu đã được nuôi nấng trưởng thành, yên bề gia thất, thế nhưng trong cuộc sống hễ gặp điều bất trắc là lại tìm đến các sơ: Người xin hỗ trợ chút vật chất vì hoàn cảnh ngặt nghèo; người xin thuốc cho con ốm- cũng có khi đơn giản chỉ là một lời khuyên… “Mình còn giúp gì được cho tụi nó thì cố hết sức thôi. Đã làm người mẹ thì công dưỡng dục tính đến làm chi hả chú!”- sơ Y Đeo vừa nói vừa lấy vạt áo lau vội những giọt nước mắt trên đôi gò má nhăn nheo…

Chim Chơrao cất cánh

Hơn nửa thế kỷ qua, bao nhiêu mảnh đời đã được cứu vớt? Các sơ không thể nào nhớ hết. Thấp thoáng đâu đó trong ký ức của thời gian, sơ Y Đeo chỉ nhắc được tên một số cháu đã trưởng thành từ mái ấm này mươi năm trở về đây: A Nam- giáo viên tiểu học xã Ngọc Bay; A Huyên- giáo viên Trường Nội trú huyện Đak Glei; Y Jem- giáo viên THCS Krong… Đặc biệt có nhiều cháu đã trưởng thành vượt bậc, như không phải bước ra từ một nỗi đời bất hạnh- mà từ những mái nhà yên ấm: Ca Ly Trang- sinh viên Trường Đại học Văn hóa- Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội); Y Thu- sinh viên Đại học Y Hà Nội; Y Ly Khâm- sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh... Đó là chưa kể hàng chục cháu năng lực học tập đầy triển vọng, hiện đang học các lớp trung học phổ thông…

Những mảnh đời bất hạnh được các sơ cưu mang, đùm bọc chở che, từ mái ấm này như chim Chơrao cất cánh bay đi khắp bốn phương trời, trở thành người có ích cho xã hội… Bao nhiêu đêm thức trắng âm thầm với những giọt nước mắt, nụ cười? Chính các sơ cũng không thể nào tường nổi. Họ chỉ tâm niệm một điều: Dâng trọn mình cho Chúa cũng có nghĩa là dâng trọn cuộc đời cho những cảnh đời bất hạnh. Cái tâm niệm rất Đạo và rất Đời ấy tôi biết, sẽ theo các sơ cho đến tận khi họ về nước Chúa. Điều này cũng có nghĩa là sẽ không dừng lại ở con số này những mảnh đời, sinh linh bất hạnh được cứu vớt, nuôi nấng nên người…

Nhìn các sơ đang âu yếm những em bé bất chợt sà vào lòng với cử chỉ đầy yêu thương, chúng tôi ai nấy đều lặng đi… Trước mắt tôi, sau tấm áo tu sĩ kia đích thực là tấm lòng người mẹ- những người mẹ tươi ròng chất đời bước ra từ cổ tích…
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.