(GLO)- Ngày 2-2, hàng trăm suất quà Xuân của bạn đọc ủng hộ chương trình “Quà Tết cho học sinh vùng biên” đã đến với gần 700 học sinh xã Mo Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Lần đầu tiên, những học sinh nghèo các dân tộc thiểu số nơi đây biết đến những bao lì xì, những thùng sữa để đón Tết.
Học trò xã Mo Rây (huyện Sa Thầy) háo hức khi nhận quà xuân của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ. Ảnh: Bá Dũng |
Mo Ray là xã khó khăn và nằm tách biệt với bên ngoài. Dù chỉ cách TP Kon Tum gần 100 km nhưng để có thể đến được nơi này phải đi hơn nửa ngày trời. Những ngày cuối năm, những ngôi làng của người Jrai, Rơ Mâm lại buồn hiu hắt bởi người dân đang phải chuẩn bị đón một cái Tết trong nhiều nỗi lo âu. “Đồng bào ở đây chủ yếu là làm mì, trồng bắp, làm công nhân cao su. Tuy nhiên từ 2 năm nay trồng cây gì cũng mất mùa, cao su thì rớt giá khiến bà con mất thu nhập”-ông Rơ Châm Huệ-Bí thư Đảng ủy xã Mo Ray nói.
Nửa ngày vượt đường rừng dọc Vườn Quốc gia Chư Mo Ray, những chuyến hàng chở quà Tết của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ cũng đã đến được trung tâm xã Mo Ray. Dưới cái nắng thiêu đốt, hàng ngàn phụ huynh và học sinh đã ngồi tập trung đông đủ. Nghe thầy-cô giáo ở trường thông báo đi nhận quà Tết, những ông bố bà mẹ người Jrai, Rơ Mâm đã lục đục dậy bế con đến trường từ tờ mờ sáng. “Nhà mình có năm đứa con mà nghỉ học hết rồi, giờ chỉ còn một đứa đang học lớp 4 Trường Lý Thường Kiệt nhưng nghe thầy cô nói đến trường nhận quà nên sáng nay mình nghỉ rẫy đưa con đến”. Bên người mẹ Rơ Mâm này, cô học trò Y Thuyên-lớp 5C mặc chiếc áo trắng loang lổ màu bùn, chân đi dép thủng lỗ chỗ. Y Thuyên ngượng ngùng: “Em đi học được các thầy cô cho ở nội trú trong trường, được ăn cơm thịt, cá khô nhưng chưa được tặng quà Tết bao giờ”.
Thầy Nguyễn Văn Kha-giáo viên lớp 5 Trường Dân tộc Bán trú Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết học sinh ở thành phố có điều kiện bao nhiêu thì những học trò của thầy cô tại xã Mo Ray thiệt thòi bấy nhiêu. Đối với học sinh nơi đây, được đến trường để học cái chữ, có một bộ quần áo lành lặn mặc che kín người đôi khi cũng là một niềm hạnh phúc lớn. “Làm thầy-cô giáo dạy các em hàng ngày nhưng mỗi lần nhìn các em chúng tôi đều chạnh lòng. Các em ở đây mới chỉ đủ cơm ăn chứ chưa thể nói đủ “áo ấm”, việc được tặng quà, được uống sữa hay những điều kiện tối thiểu của bất kỳ em nhỏ nào đối với các em cũng là điều rất xa xỉ”. Thầy Kha cho biết nhiều lần khi không thấy học trò đi học, vào đến nhà tìm thì thấy học trò thân thể nhỏ xíu, cùng mẹ cha cầm cuốc lên nương rẫy.
Sáng 2-2, khi những phần quà được các thầy cô đặt trên sân khấu để bắt đầu chương trình, những học trò nghèo ở Mo Ray cứ đứng thấp thỏm đợi đến lượt mình. Không chỉ học trò mà cả phụ huynh cũng đứng dậy, ngó nghiêng “xem có cái gì trong những túi quà được gói đẹp thế”. Những phần quà được phát xuống, học trò không giấu được niềm vui, cùng tụm lại bóc quà rồi cười nghặt nghẽo khi biết mình được nhận những hộp bánh, mứt Tết và cả những bao lì xì. “Thầy ơi tại sao trong cái bao này lại có 200 ngàn đồng?”-cô học trò Y Síp-lớp 5 Trường Lý Thường Kiệt ngơ ngác ngước lên hỏi thầy giáo của mình. Thầy giáo Đinh Thanh Liêm ân cần với học trò: “Đó là tiền mừng tuổi dịp Tết, người thành phố gọi là lì xì”. Nghe thầy nói, Síp cầm bao thư quay qua bạn cười nghặt nghẽo.
Thái Bá Dũng