(GLO)- Theo đơn phản ánh, năm 1984 gia đình ông Từ Tiến Huy có mua căn nhà và đất tại số 57 Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) của bà Cao Thị Ba và ông Nguyễn Lủi, được UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu số 139/UB-CN ngày 5-3-1984. Trong đó thể hiện: Đông giáp đường Hoàng Văn Thụ, Bắc giáp nhà bà Út, Nam giáp nhà ông Hiệp, Tây giáp nhà ông Bá (nay là ông Ngưu-bà Thành), phía sau nhà có một sân cát và một đường hẻm. Năm 2008, ông Ngưu mua căn nhà số 25/1 Hoàng Văn Thụ của ông Nguyễn Đình Bá, căn nhà này có ranh giới phía Đông giáp với sân cát nhà ông Huy (sân cát này từ năm 1984 gia đình ông Huy dùng để đi ra nhà vệ sinh). Tháng 3-2009, ông Ngưu tháo dỡ căn nhà 25/1 để xây dựng mới và tự ý trổ cửa hông thuộc sở hữu đất của gia đình ông Huy với chiều rộng: 8 cm (0,08 mét) dài 9,5 mét, tổng cộng 0,76 m2. Khi xây dựng, ông Ngưu đã đập phá bức tường và nhà vệ sinh đang sử dụng của gia đình ông Huy.
Trước việc làm của ông Ngưu, ngày 28-4-2009, vợ chồng ông Huy có đơn khởi kiện ông Ngưu ra tòa. 5 năm sau (ngày 27-5-2014), ông Võ Văn Bình-Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP. Pleiku (chủ tọa phiên tòa) đưa vụ án ra xét xử và bác yêu cầu khởi kiện của ông Huy về việc buộc ông Ngưu phải đập bỏ bức tường để trả phần đất lấn chiếm từ vị trí ranh giới phía Đông đất của ông Ngưu trở ra với kích thước 0,08 mét x 9,5 mét = 0,76 m2; không chấp nhận yêu cầu của vợ chồng ông Huy về việc buộc vợ chồng ông Ngưu không được trổ cửa sang phía đất thuộc phạm vi căn nhà 57 Hoàng Văn Thụ.
Bị đơn là người làm chứng (!)
Thực tế không có con hẻm thông ra đường Hai Bà Trưng. Ảnh: Trần Hằng |
Tại Bản án số 24/2014/DS-ST ngày 27-5-2014 về việc tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án Nhân dân TP. Pleiku, có nội dung: “Đối với vợ chồng ông Lâm Thanh Ngưu và bà Đỗ Thị Thành, năm 2008, ông, bà mua căn nhà số 25/1 hẻm Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku của ông Nguyễn Đình Bá. Những người làm chứng là những người dân đã sinh sống xung quanh khu vực đất tranh chấp đều xác nhận: Thực tế phía Đông nhà ông Ngưu, bà Thành có con hẻm chung thông qua đường Hai Bà Trưng”. Ông Huy cho rằng, nội dung nói trên của Tòa án Nhân dân TP. Pleiku không đúng với thực tế, bởi phía Đông nhà ông Ngưu, bà Thành không hề có con hẻm chung thông qua đường Hai Bà Trưng.
Để chứng minh, vợ chồng ông Huy chỉ hiện trạng sân cát và đường hẻm mà gia đình ông sử dụng đã được Nhà nước công nhận từ năm 1984 đến nay. Đồng thời, ông Huy đưa ra biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ và đo đạc thực tế ngày 20-1-2010 do đại diện Tòa án Nhân dân TP. Pleiku và các ngành chức năng đã đi đo đạc hiện trường và lập biên bản thì không có nội dung nào thể hiện “thực tế phía Đông nhà ông Ngưu, bà Thành có con hẻm chung thông qua đường Hai Bà Trưng” như “nhận thấy” của Tòa án Nhân dân TP. Pleiku.
Ông Huy cho biết: “Những người làm chứng” mà Tòa nhắc trong bản án chính là ông Võ Thân (58-Thi Sách), là người không liên quan; bà Trịnh Ngọc Lan là mẹ ruột ông Ngưu; ông Nguyễn Đình Bá là người bán nhà; ông Nguyễn Hoàng (trú tại 25H Nguyễn Thiện Thuật, là anh rể của ông Ngưu), trong những người làm chứng này còn có cả ông Lâm Thanh Ngưu (là bị đơn),... Đáng nói hơn, “những người làm chứng” (danh sách 11 người) thì chỉ có 3 người ký vào đơn, đó là ông Võ Thân, ông Lâm Tiên và ông Lê Phước Cung. Trong đó, ông Võ Thân đã xác nhận bằng văn bản là ông không hề ký vào đơn vì ông không có mặt trong buổi họp; ông Lâm Tiên đã qua đời,... Cũng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-5-2014, Thẩm phán Võ Văn Bình-Chủ tọa phiên tòa không triệu tập “những người làm chứng” nói trên đến tòa để làm rõ”.
Bản án của Tòa chưa đúng thực tế
Theo ông Huy, một trong những căn cứ quan trọng nhất để Tòa án Nhân dân TP. Pleiku không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình ông, đó là Công văn số 54/SXD-TTr ngày 21-1-2014 của Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai giải thích: Tại bản vẽ nhà ở thể hiện phần đất ở vị trí “đường hẻm” là lối đi chung vào các nhà phía sau. Ông Huy thắc mắc, không biết dựa trên cơ sở nào, nhà của vợ chồng ông mua đã được chính Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận từ năm 1984 thể hiện đường hẻm và sân cát là của gia đình ông chứ không hề thể hiện “đường hẻm” là lối đi chung như Công văn số 54 của Sở Xây dựng.
Tòa án Nhân dân TP. Pleiku cho rằng: “Ngoài giấy tờ về nhà, đất, ông Huy không có tài liệu nào thể hiện ranh giới phía Tây tiếp giáp với nhà, đất của ông Ngưu-bà Thành”. Ông Huy giải thích: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa” mà Sở Xây dựng Gia Lai-Kon Tum cấp cho vợ chồng tôi có từ ngày 5-3-1984; năm 2008, ông Ngưu mới mua căn nhà số 25/1 hẻm Hoàng Văn Thụ của ông Bá thì làm sao giấy tờ về nhà, đất của vợ chồng tôi giáp với nhà, đất của ông Ngưu-bà Thành được?! Gia đình tôi cung cấp các giấy tờ và nhiều chứng cứ thể hiện sở hữu hợp pháp về nhà, đất của gia đình chúng tôi nhưng không được Tòa xem xét đến?!...
Để tìm hiểu về nguồn gốc của đường hẻm thuộc sở hữu của vợ chồng ông Huy, P.V gặp ông Trần Xuân Đề (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy phường Diên Hồng-công tác từ năm 1981 đến tháng 3-2014-P.V) và được ông Đề cho biết như sau: Năm 1970 tôi làm sửa xe cho nhà Ngọc Lợi (55 Hoàng Văn Thụ) sát vách nhà ông Huy bây giờ. Năm 1975 tôi đi bộ đội và sau đó về ở số nhà 29 Nguyễn Thiện Thuật (cách nhà ông Ngưu khoảng 5 mét). Vì ở đây đã lâu nên tôi biết rõ từ năm 1984 sau nhà ông Huy có con hẻm không ai ngoài gia đình ông Huy đi, nên ngày 22-6-2014 tôi đã xác nhận thực tế cho ông Huy. Tôi là người biết rõ nhất về con hẻm này nhưng hôm xét xử, Tòa không mời tôi lên để làm chứng. Thực tế không có con hẻm chung thông qua đường Hai Bà Trưng như bản án của Tòa án Nhân dân TP. Pleiku.
Trần Hằng