(GLO)- Trích dẫn ra đây để làm cái nhập đề thì hơi khập khiễng, nhưng câu Kiều “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” lại quá đúng với cuốc “lữ hành” vặt của chúng tôi vào những ngày áp Tết này khi về làng mai Phương Quý.
Khắp khu vực Bắc Tây Nguyên, vào thời điểm này đi đâu mà chẳng gặp mai vàng. Nhưng một trong những vùng mai gây ấn tượng mạnh cho khách lãng du là làng mai vàng Phương Quý. Ở đây, hầu như vườn nhà nào cũng có mai cây được người dân gìn giữ, coi là kỷ vật của ông bà để lại.
Một góc làng mai Phương Quý. Ảnh: T.V.S |
Làng Phương Quý cách trung tâm TP. Kon Tum chừng 5 km, gồm 2 xóm Phương Quý 1 và Phương Quý 2 nằm dọc theo hai bên một hương lộ thẳng tắp và rộng thoáng, vốn là trục đường 14 ban đầu, tiếp liền với tuyến phố Hai Bà Trưng (TP. Kon Tum).
Chọn một khuôn vườn có nhiều cây mai cao trổ hoa đồng loạt ở Phương Quý 2, chúng tôi dừng chân. Trong vuông sân trước ngôi nhà còn giữ ít nhiều nét xưa với 8 gốc mai xem chừng đã lên “tuổi lão”; đứng liền nhau đang đội những “mâm vàng” tỏa nắng! Chủ nhà cho biết, mấy “lão mai” này được trồng từ khi mẹ ông còn nhỏ; bà cụ sinh năm 1920 (đã mất), vị chi các gốc mai này phải gọi là… đại lão! Nói “mai cổ thụ” hay “lão mai” chỉ là cách nói, chứ thật ra mai phát triển thân rất chậm so với tuổi cây. Cây trăm năm tuổi quá lắm cũng bằng bắp chân người lớn. Chủ nhà cho biết, ông vẫn chăm sóc những gốc mai này như lưu giữ kỷ niệm của mẹ cha để lại.
Hỏi chuyện, được biết Phương Quý là ngôi làng được hình thành cách nay đã trên 130 năm do một số gia đình từ Quảng Nam, Bình Định đến định cư. Những người già hôm nay (thế hệ thứ 3, thứ 4) cho hay, thuở ông bà họ đến đây, toàn bộ khu vực này là một rừng mai vàng nguyên thủy. Khi các gia đình tụ cư, chia lô làm nhà thì vườn nhà nào cũng là một vạt rừng mai. Mọi người ra sức phá bớt mai để lấy đất canh tác, chỉ để lại một ít làm cảnh. Thế nhưng, hàng năm, mai ra hoa đậu quả rồi rơi xuống quanh gốc, mùa mưa hạt dạt khắp vườn mọc lên chi chít cây con. Lại ra sức vặt nhổ cây con, nhưng những cây con còn sót lại nơi góc rào bờ giậu lại lớn lên… Không tài nào triệt hết! Cứ thế, cho nên Phương Quý được gọi là làng mai!
Trước đây, mỗi độ Tết đến xuân về, Phương Quý là “vựa mai” cung cấp cho người thưởng xuân. Đầu tiên chỉ chặt bán cành. Đến khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi phong trào chơi cây cảnh, bonsai nở rộ, một số gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn phải bán tỉa dần những gốc mai hàng trăm năm tuổi. Từ đó, những vườn mai cứ thưa dần. Nói “thưa dần” là so với cách nay chừng vài ba mươi năm, chứ bây giờ vẫn là nơi còn nhiều mai vườn nhất nhì bản xứ.
Ngày nay, cuộc sống đã khấm khá hơn, ít có nhu cầu thiết cốt về bạc tiền nên với số mai còn lại, bà con Phương Quý quay lại giữ gìn, chỉ bán mai cành nếu gặp đợt Tết nào hoa nở đẹp đúng mùa và có người hỏi mua, còn đa số vẫn để đó cho “đẹp nhà đẹp Tết”-như cách nói của họ.
Thắc mắc vì sao người ta lại thích những gốc mai già thì được giải thích mai là loài hoa chơi Tết rất đặc trưng, nếu Tết mà sở hữu được một gốc mai có “thế” đẹp thì còn gì bằng. Có mấy thế cơ bản: thế trực (đứng thẳng), thế ngang (uốn cây gần như song song với mặt đất), thế thác đổ (uốn cong ngọn chúc xuống mặt đất), thế bạt phong (như bị gió lùa về một chiều)… Mỗi thế có một ý nghĩa riêng theo thuật phong thủy ngày Tết, người “ngoại đạo” khó nhớ, khó biết!
Thăm thú “no mắt, no tai”, khách ra về mà lòng vẫn luyến tiếc, ngẩn ngơ. Những vườn mai Phương Quý đang đơm vàng trong hanh hao nắng gió Tây Nguyên chắc chắn sẽ làm mãn nhãn những khách du xuân nào cố ý hay vô tình lạc bước đến đây.
TẠ VĂN SỸ