(GLO)- Ấy là tôi muốn nói đến chuyện làm du lịch ở dải đất ba mặt giáp biển, tính từ Malaysia đến Singapore, hai quốc gia khá nổi tiếng về ngành công nghiệp không khói này mà trong những ngày Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua tôi đã đến thăm…
Một góc Singapore nhìn từ vịnh Mariana. Ảnh: Thanh Phong |
Vẫn là những cánh rừng cọ dầu ngút ngàn xanh trải dọc dưới cánh máy bay trên vùng trời Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia như ba năm về trước tôi đã có dịp đến thăm vương quốc đạo Hồi này. Cọ dầu-ngành sản xuất dầu thực vật và metanol phục vụ tiêu dùng và vận tải ô tô chiếm đến một nửa tổng thu ngân sách hàng năm của Malaysia trong nhiều thập niên qua cũng là biểu tượng mà bất cứ du khách nào đến đây cũng dễ bắt gặp trong xe ca, khách sạn, nhà hàng… Không có nhiều danh thắng nhưng người Mã rất biết đầu tư và quảng bá cho du lịch. Ngay từ khi bước xuống sân bay Kuala Lumpur người ta đã có cảm giác khác lạ khi di chuyển trên những chiếc sky ray đi từ nhà ga đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Đặc biệt hai công trình nhân tạo được xây dựng cực kỳ quy mô là thành phố mới Putrajaya và cao nguyên Genting thể hiện tầm nhìn xa của chính quyền và người dân Malaysia đều nằm cách thủ đô Kuala Lumpur hơn 60 km là điểm nhấn trong tour du lịch.
Ngoài kiến trúc mang đậm dấu ấn đạo Hồi của Thánh đường Hồi giáo và trụ sở các cơ quan trực thuộc Chính phủ, thành phố Putrajaya còn được người ta thán phục bởi hệ thống giao thông đô thị được che phủ bởi thảm xanh của rừng trong phố. Với thiết kế và quy hoạch hài hòa giữa thiên nhiên và công trình kiến trúc, Putrajaya là một thành phố xanh, những mảng màu được phối cảnh tạo cho người ta cảm giác vừa thân thiện vừa hiện đại trong tầm nhìn phát triển đến 50 năm, thậm chí hàng trăm năm nữa, thành phố vẫn giữ được nét đặc trưng xanh của phố-rừng. Đó là chưa kể Tòa tháp đôi Petronas, động Batu, miếu Bà Thiên hậu, Quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kuala Lumpur… cũng là những điểm tham quan hấp dẫn.
Ảnh: Thanh Phong |
Cao nguyên Genting cao hơn 1.200 mét so với mặt nước biển nằm cách thủ đô Kuala Lumpur hơn 60 km được ông Lim Goh Tong-một doanh nhân nổi tiếng của Malaysia mua và bắt đầu xây dựng từ cuối những năm 60 thế kỷ trước. Đây được xem là “thiên đường” vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp. Từ một ngọn núi bình thường như bao ngọn núi khác, Genting trở thành biểu tượng của lòng quyết tâm làm giàu của người Hoa tha hương. Hiện nay, Genting có khách sạn First World lớn nhất thế giới với 6.200 phòng cùng 6 khách sạn quốc tế khác, 2 nhà nghỉ; 170 nhà hàng, khu mua sắm, sòng bạc.
Năm 1997 tuyến cáp treo lúc bấy giờ dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 3,38 km hoàn thành, mỗi ngày Genting thu hút hàng vạn lượt khách lên tham quan, nghỉ dưỡng bằng tuyến đường bộ và cáp treo. Tâm trạng không khỏi bồi hồi khi ba năm trước tại đây tôi đã gặp một gian hàng ăn mang tên Việt Nam House nhưng lần này thì không thấy, thay vào đó là một cửa hàng treo biển tiếng Hoa, hỏi thăm được biết chủ cũ kinh doanh không đạt nên đã thôi hợp đồng. Lòng bâng khuâng khi nhớ lại những tà áo dài Việt Nam thân quen tha thướt nơi xứ người giữa màn mù sương cao nguyên.
Từ thủ đô Kuala Lumpur, di chuyển bằng xe ca trên đoạn đường 150 km hai bên vẫn là rừng cọ để đến Malacca-thành phố cổ được tổ chức Unesco công nhận là di tích văn hóa thế giới vào năm 2008-trước khi qua cửa khẩu Tuas nhập cảnh sang Singapore. Một cảm giác nao lòng khi xe chạy qua một khu nghĩa địa cũ của người Trung hoa sang đây từ thế kỷ XIV-XV giờ đã hoang phế. Nghĩa địa nằm dọc một bên đường dài khoảng hơn cây số với những nấm mồ và mộ chí ngả nghiêng, rêu phong. Sau hơn 5 thế kỷ, đến giờ chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên và cho xây những con đường nhỏ len lỏi giữa khu mộ xem đây như một dấu tích về sự hình thành và phát triển của Malacca. Như Hội An của Việt Nam và Venice của châu Âu, Malacca nằm hai bên sông, nhiều con phố sâu hun hút, hai bên là những ngôi nhà nhỏ một gác gỗ cổ kính, thâm nghiêm. Có cả những khu phố Tây của người Bồ Đào Nha và Hà Lan một thời chiếm đóng. Quảng trường Hà Lan, nhà thờ, chiếc cối xay gió và pháo đài còn đặt mấy khẩu thần công là những địa chỉ thu hút du khách…
Phố cổ Malacca, Malaysia. Ảnh: Thanh Phong |
Nếu Malacca cổ kính thì Singapore trẻ trung với hệ thống giao thông hiện đại và hơn 4.300 tòa cao ốc chọc trời, độc đáo là công trình Marian Bay Sands bao gồm khu phức hợp nhà hàng, khách sạn, quán bar, trung tâm mua sắm, khu giải trí Skypark, đặc biệt là bể bơi nằm trên 3 tòa cao ốc hình du thuyền ở độ cao 150 mét. Đi thuyền trên vịnh Mariana chúng ta có thể chiêm ngưỡng nét đẹp mê hồn của Singapore về đêm với tượng sư tử biển-biểu tượng của quốc đảo, hàng ngàn cao ốc rực rỡ ánh điện muôn màu, vòng quay khổng lồ Singapore Flyer… Ấn tượng nhất là đảo Sentosa, đỉnh cao của kiến trúc xây dựng Singapore. Nơi đây ngoài các điểm tham quan nổi tiếng như Đài quan sát Tiger Sky Tower, Thế giới nước Under Water World, Bảo tàng sáp Wax Museum… còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như chương trình biểu diễn nhạc nước, công viên phim trường Universal… luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến chiêm ngưỡng những kỳ quan do con người làm nên…
Mấy ngày đi trên xứ người không gặp một người ăn xin, không nghe ầm ĩ tiếng còi xe, không thấy dây điện chằng chịt trên bầu trời. Đã vậy cả hai thành phố Kuala Lumpur và Singapore đều xây dựng những con đường dành riêng cho người đi bộ chạy dọc trên vỉa hè, bên trên có tấm lợp che mưa nắng, mỗi đường đều có phần đường cho người khiếm thị. Khâm phục trước những gì mà người ta xây dựng để phục vụ dân sinh nhưng bất chợt cũng tự hào về quê hương bởi xét về du lịch, tiềm năng của đất nước ta vượt xa họ. Với bờ biển dài và hệ thống biển đảo, rừng núi hùng vỹ cùng nhiều hang động nổi tiếng, hàng loạt di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới… Việt Nam xứng đáng là một “cường quốc” du lịch của cả châu lục.
Tuy nhiên để làm cho ngành công nghiệp không khói này phát triển ngang tầm đòi hỏi nhiều ngành, nhiều địa phương phải phấn đấu xây dựng trong nhiều năm giải quyết những vấn đề đặt ra như giải tỏa và quy hoạch lại trong xây dựng giao thông (cả đường bộ, đường hàng không và đường thủy) cùng xây dựng đô thị, xây dựng khu dân cư và cảnh quan khu du lịch… Triển khai hàng loạt công tác này kinh phí nhà nước sẽ không kham nổi mà cần có sự chung sức của toàn xã hội, hay nói cách khác là cần có nhiều Lim Goh Tong của Việt Nam đầu tư vào. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi phải làm trong lành môi trường du lịch ở các điểm tham quan, ở các di sản thiên nhiên-văn hóa và cả trong giao tiếp hàng ngày của người dân mới có thể quảng bá thành công và giữ vững hình ảnh một đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân thiện trong lòng du khách, đưa du lịch Việt lên tầm cao mới…
Thanh Phong